Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Rāhula

  1. KINH RĀHULA SUTTA
  2. Ý NGHĨA KINH RĀHULA SUTTA

↑ trở lên

KINH RĀHULA SUTTA

Đức Thế Tôn nói:
335. Khi sống chung với bậc thiện trí thức con có xem thường người ấy hay không?
Con có luôn tôn kính “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại” không?

Sa di Rāhula đáp lời:
336. Khi sống chung với bậc thiện trí thức con không có xem thường người ấy.
Con luôn luôn tôn kính “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại”.

Đức Thế Tôn ban lời giáo giới:
337. Đã từ bỏ mọi dục lạc ngũ trần khả ái và hấp dẫn, sau khi xuất gia vì lòng tin, vị ấy hãy đoạn tận mọi khổ đau.
338. Kết giao với thiện bằng hữu, sống độc cư, tìm trú xứ nơi thanh vắng, nơi ít tiếng ồn, tiết độ trong ẩm thực.
339. Không cho lòng tham muốn sanh khởi lên từ y phục, đồ ăn khất thực, các vật dụng và chỗ ở. Không nên quay trở lại với thế gian nầy nữa.
340. Thọ trì giới bổn Pātimokkha, chế ngự các căn.
Tu tập chánh niệm, có tâm lý nhàm chán đối với thế gian nầy.
341. Hãy từ bỏ các cảnh dục, thường là đẹp đẽ và liên hệ đến tham ái.
Hướng tâm về tướng bất tịnh, phát triển sự an tịnh và nhất tâm.
342. Sau đó, tu tập về pháp vô tướng, từ bỏ khuynh hướng kiêu căng.
Nhờ phá tan được tâm lý kiêu mạn, con sẽ luôn được an lạc.

Đức Thế Tôn thường xuyên hướng dẫn Đại Đức Rāhula với những lời giáo huấn như trên.


↑ trở lên

Ý NGHĨA KINH RĀHULA SUTTA

I. GIỚI THIỆU

Kinh Rāhula Sutta nằm ở chương hai, chương Tiểu Phẩm, trong Kinh Tập, Tiểu Bộ Kinh.
Đức Phật dạy bài kinh nầy cho Sa di Rāhula khi cậu bé vừa mới xuất gia. Lời dạy của Đức Thế Tôn rất ngắn gọn, chỉ có tám câu kệ ngôn.
Bài kinh bắt đầu bằng hai câu kệ mở đầu. Theo tập chú giải Paramatthajotikā, đây là lời nói đầu của Đức Thế Tôn và câu đáp lời của Sa di Rāhula.
Trong câu mở đầu, Đức Thế Tôn có nói đến cụm từ “người cầm đuốc sáng của nhân loại” (ukkādhāro manussānaṃ) để nói về Đại Đức Xá Lợi Phất, thầy bổn sư của Sa di Rāhula.
Sáu câu kệ ngôn tiếp theo là những lời chỉ dẫn căn bản cho vị hành giả Phật giáo, từ buổi đầu tiên cho đến lúc thành tựu đạo quả.

II. Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN

Kinh Rāhula Sutta gồm có tám câu kệ ngôn Pāli:

1. HAI CÂU KỆ NGÔN MỞ ĐẦU
Đức Thế Tôn hỏi:
Khi sống chung với bậc thiện trí thức con có xem thường người ấy hay không?
Con có luôn tôn kính “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại” không?
Sa di Rāhula đáp lời:
Khi sống chung với bậc thiện trí thức con không có xem thường người ấy.
Con luôn luôn tôn kính “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại”.
Sau khi giác ngộ, Đức Thế Tôn trở về thăm lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ.
Khi gặp Đức Thế Tôn, cậu bé Rāhula đã hỏi xin Ngài tài sản: “Thưa Sa môn, xin Ngài cho con phần gia tài thừa tự”.
Rồi Đức Thế Tôn bảo Đại Đức Xá Lợi Phất cho cậu bé xuất gia Sa di. Đến tuổi trưởng thành, vị sư Rāhula thọ đại giới Tỳ Kheo với thầy bổn sư là Đại Đức Mục Kiền Liên.
Đức Thế Tôn có suy nghĩ: “Đứa bé nầy xuất thân từ hoàng gia, chắc chắn cậu bé sẽ có những suy nghĩ kiêu mạn liên quan đến dòng tộc, địa vị của mình”.
Do đó, trong suốt quá trình tu học của vị tân sư, Đức Thế Tôn thường giáo giới Đại Đức Rāhula với bài kinh đặc biệt nầy.
Nên ở phần kết thúc của Kinh Rāhula Sutta có đoạn như sau: “Đức Thế Tôn thường xuyên hướng dẫn Đại Đức Rāhula với những lời giáo huấn như trên”.
Thọ lễ xuất gia với Đại Đức Xá Lợi Phất, Sa di Rāhula tu học với sự hướng dẫn của thầy mình.
Cụm từ “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại” để chỉ cho vị thầy bổn sư của Sa di Rāhula, Đại Đức Xá Lợi Phất.
Do người đệ tử xuất thân từ hoàng tộc thường có tâm lý kiêu mạn, có thể sẽ xem thường thầy của mình, nên Đức Thế Tôn đã đặt câu hỏi:
Có xem thường thầy của mình không? Có biết tôn kính thầy của mình không?
Sa di Rāhula đã thưa với Đức Thế Tôn:
Khi sống chung với bậc thiện trí thức con không có xem thường người ấy.
Con luôn luôn tôn kính “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại”.
Vị Sa di đã nói rõ là không như phần đông là do dòng tộc cao sang rồi lại xem thường thầy của mình.
Trái lại, Sa di Rāhula luôn tôn kính thầy, là “người cầm ngọn đuốc sáng của nhân loại”.

2. CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
“Đã từ bỏ mọi dục lạc ngũ trần khả ái và hấp dẫn; sau khi xuất gia vì lòng tin, vị ấy hãy đoạn tận mọi khổ đau”
Đã từ bỏ mọi dục lạc ngũ trần khả ái và hấp dẫn: các dục lạc ngũ trần bao gồm sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và sự xúc chạm êm ái.
Các dục lạc nầy rất đẹp, khả ái và hấp dẫn chúng sanh. Tâm của chúng sanh thường bị lôi cuốn bởi mãnh lực của các dục lạc ngũ trần.
Người xuất gia thì từ bỏ mọi dục lạc hấp dẫn đó.
Sau khi xuất gia vì lòng tin: Sa di Rāhula xuất gia không phải vì đi trốn nợ, vì sinh kế hay vì nguyên nhân nào khác, mà chỉ vì lòng tin.
Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi là trường hợp của Rāhula có phải là đi xuất gia vì lòng tin?
Cậu bé ngây thơ theo lời mẹ dạy đến xin Đức Thế Tôn gia tài thừa tự, rồi được Ngài dắt về vườn thượng uyển cho xuất gia luôn.
Ở đây, tập chú giải Paramatthajotikā giải thích như sau:
Đại Đức Rāhula đã có khuynh hướng xuất gia từ trong quá khứ xa xôi.
Vào thời Đức Phật Padumuttara ở quá khứ, có một vị Long vương tên là Saṅkha. Vị Long vương nầy chính là tiền thân của Sa di Rāhula bây giờ.
Khi nhìn thấy vị Sa di Uparevata, người con trai của Đức Phật Padumuttara, Long vương đã phát sanh đức tin cúng dường Đức Phật cùng Tăng chúng trong bảy ngày liên tục.
Sau đó Long vương Saṅkha có lời phát nguyện mong cho thành tựu địa vị của Sa di Uparevata trong tương lai.
Kể từ đó, với hạnh nguyện cao cả, vị ấy kiên tâm bền chí tạo trữ công đức Ba la mật (Pāramī) trong 100.000 đại kiếp, thời gian rất lâu dài.
Nay kiếp sống cuối của Long vương Saṅkha chính là vị Sa di Rāhula hiện nay.
Đức Thế Tôn biết rõ hạnh nguyện xuất gia của Sa di Rāhula từ trong quá khứ xa xôi. Đây chính là một trong những Phật lực của Đức Như Lai.
Do đó, Đức Thế Tôn đã nói dòng kệ ngôn: “Sau khi xuất gia vì lòng tin”.
Rồi Ngài dạy tiếp cho Sa di thực hành pháp phù hợp với hạnh nguyện xuất gia cao cả với dòng kệ: “Vị ấy hãy đoạn tận mọi khổ đau”.
Với câu kệ ngôn trên Đức Thế Tôn đã gợi nhớ lại cho Sa di Rāhula hạnh nguyện từ trong thời Đức Phật quá khứ. Còn bây giờ nhiệm vụ của vị tân sư là phải thực hành pháp để chấm dứt mọi khổ đau trong đời sống.

3. CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
“Kết giao với thiện bằng hữu, sống độc cư, tìm trú xứ nơi xa vắng, nơi ít tiếng ồn, tiết độ trong ẩm thực. “
Đến đây, Đức Thế Tôn bắt đầu chỉ dẫn cho Sa di Rāhula các bước thực hành căn bản để bước chân vào thánh đạo.
Trước hết là kết giao với thiện bằng hữu.
Thiện bằng hữu là những người bạn tốt, người bạn có giới đức trong sạch và đầy đủ các đức tính cao quý khác.
Khi được thân cận với những thiện bằng hữu như vậy, chúng ta sẽ được học hỏi và tăng trưởng rất nhiều về giới hạnh cùng các phẩm chất cao quý.
Rồi chọn cho mình nếp sống độc cư, ở nơi trú xứ xa vắng, ít tiếng ồn.
Hạnh độc cư là nếp sống lý tưởng của người tu sĩ Phật giáo.
Các vị hành giả Phật giáo thường tìm ở những nơi thật xa vắng, ít tiếng ồn, để tập trung cho việc thực hành thiền định.
Khi chúng ta ngồi thiền, tiếng ồn được xem là cái gai của thiền định.
Các vị hành giả đi vào trong rừng sâu núi thẳm, nơi chỉ nghe tiếng vượn hú chim kêu, thì may ra tâm mới có thể nhập định được.
Và quan trọng là phải biết tiết độ trong việc ẩm thực.
Vị hành giả ăn uống hằng ngày rất chừng mực, nhận vật thực chỉ vừa đủ và thọ thực cũng chỉ vừa đủ.
Vị ấy thọ thực chỉ để nuôi mạng sống, có đủ sức khỏe để ngồi thiền, chớ không tham đắm trong vị ngon của vật thực.

4. CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
“Không để lòng tham muốn sanh khởi lên từ y phục, đồ ăn khất thực, thuốc men và chỗ ở. Không nên quay trở lại thế gian nầy”.
Sau khi đã chỉ dạy cho Sa di Rāhula pháp kết giao với thiện bằng hữu, Đức Thế Tôn tiếp tục hướng dẫn cho vị tân sư cách sử dụng đúng pháp tứ sự cần thiết.
Đức Thế Tôn đã dạy như sau:
Không để lòng tham muốn sanh khởi lên từ y phục, đồ ăn khất thực, thuốc men và chỗ ở.
Lời giáo giới giúp cho vị hành giả không rơi vào tà mạng, và sách tấn vị ấy trau dồi giới hạnh bằng việc nuôi mạng chân chánh.
Không để lòng tham muốn sanh khởi: đừng để cho sự tham ái phát sanh lên vì nguyên nhân là các vật dụng, phải thấy cho được nguy hiểm trong việc dính mắc vào các vật dụng đó.
Vị hành giả với tâm niệm mặc y phục chỉ để che thân, chớ không phải làm đẹp mình.
Dùng vật thực để nuôi mạng sống, chớ không tham đắm vào vị ngon của vật thực.
Sử dụng trú xứ để che mưa đỡ nắng, chớ không để tâm dính mắc vào chỗ ở.
Và dùng thuốc men khi cơ thể có dấu hiệu sanh bệnh.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn sau: “Không nên quay trở lại thế gian nầy”.
Những ai tham ái đối với các vật dụng trên sẽ bị lôi kéo quay trở lại thế gian bởi mãnh lực của tham ái. Do đó, không nên để lòng tham ái phát sanh lên từ nguyên nhân là các vật dụng hằng ngày.
Khi lắng nghe Đức Thế Tôn giáo giới, vị tân sư Rāhula đã có những suy nghĩ rất đặc biệt như sau:
_ Đức Thế Tôn đã dạy ta không nên tham ái đối với y phục, như vậy ta sẽ thọ trì thêm hai pháp đầu đà liên quan đến y phục, đó là chỉ sử dụng y phấn tảo và chỉ dùng ba y mà thôi.
Pháp đầu đà (dhutaṅga) là các pháp thực hành nghiêm mật của vị hành giả Phật giáo, chủ yếu để đoạn trừ phiền não tham ái.
_ Đức Thế Tôn đã dạy ta không nên tham ái đối với thức ăn, như vậy ta sẽ thọ trì thêm năm pháp đầu đà liên quan đến thức ăn, đó là chỉ đi khất thực chớ không nhận lời mời của tín chủ, chỉ thọ thực một buổi, đi khất thực tuần tự theo từng nhà tín chủ, chỉ thọ thực trong bát, và từ chối nhận vật thực bổ sung khi buổi ăn đã bắt đầu.
_ Đức Thế Tôn đã dạy ta không nên tham ái đối với chỗ ở, như vậy ta sẽ thọ trì thêm sáu pháp đầu đà liên quan đến chỗ ở, đó là chỉ ở trong rừng, chỉ ở ngoài trời, chỉ ở dưới gốc cây, thọ nhận các loại sàng tọa, ở nơi tha ma mộ địa, và ngăn oai nghi nằm.
Đức Thế Tôn đã dạy ta không nên tham ái đối với thuốc men, như vậy ta sẽ thọ dụng dược phẩm trị bệnh lúc đau yếu.
Liên quan đến tứ sự là y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men, Đại Đức Rāhula đã thể hiện đầy đủ ba pháp tri túc.
Đó là tri túc theo những gì nhận được, tri túc theo khả năng, và tri túc theo cách phù hợp.
Khi Đức Thế Tôn dạy câu kệ ngôn thứ năm, vị tân sư Rāhula không chỉ thọ trì bấy nhiêu, với lòng tôn kính Đức Thế Tôn sâu xa, Tôn giả đã thọ trì thêm các pháp hành cao quý.

5. CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
“Thọ trì giới bổn Pātimokkha, chế ngự các căn.
Tu tập chánh niệm, có tâm lý nhàm chán đối với thế gian nầy”.
Sau khi đã chỉ dạy cho vị tân sư Rāhula thực hành pháp chánh mạng, Đức Thế Tôn tiếp tục hướng dẫn cho vị ấy với câu kệ ngôn trên.
Thọ trì giới bổn Pātimokkha: Giới bổn Pātimokkha hay Ba la đề mộc xoa là các điều học mà Đức Thế Tôn đã chế định cho người đệ tử xuất gia.
Đây là các giới học căn bản nơi thiền môn mà các vị xuất gia phải thực hành cho thật nghiêm túc. Khi chuyên tâm trau dồi giới bổn một cách hoàn hảo, chư vị sẽ phát huy được năng lực của giới bổn Pātimokkha. Đó chính là sự an lạc và lợi ích cho Tăng đoàn.
Bởi vì giới năng sinh định, định năng sinh tuệ, tuệ giác sẽ đem lại giải thoát và giải thoát tri kiến.
Bên cạnh đó, người xuất gia còn phải chế ngự các căn.
Có cả thảy sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần tương ứng, nếu vị hành giả không có sự chế ngự chu đáo thì đó sẽ là nhân, là duyên để phát sanh lên các phiền não.
Giống như người nông dân phải dựng lên dãy hàng rào để bảo vệ mùa màng, khỏi sự phá hoại của đàn gia súc; tương tự như vậy, trong pháp tu của người xuất gia, chế ngự các căn chính là giới thu thúc lục căn.
Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v…, nếu chúng ta lơ đễnh không chế ngự các căn, khi các căn tiếp xúc với các trần thì tham ái, ưu bi hay các ác bất thiện pháp sẽ có điều kiện để sanh khởi.
Chúng ta đọc dòng kệ tiếp theo: “Tu tập chánh niệm”.
Khi vị hành giả Phật giáo đã thành tựu giai đoạn giới hạnh với bốn sự thực hành là giới bổn Pātimokkha, chế ngự các căn, nuôi mạng chân chánh, và quán tưởng thanh tịnh, vị ấy bắt đầu tiếp tục thực hành thiền định.
Vị ấy tu tập về thân hành niệm, phân tích thân thể vật lý nầy bao gồm bốn nguyên tố: đất, nước, lửa và gió.
Phát triển niệm thân trên thân, niệm thọ trên thọ, niệm tâm trên tâm và niệm pháp trên pháp.
Tu tập về đề mục hơi thở, quán thân bất tịnh v.v…
Đó chính là ý nghĩa của sự phát triển hay tu tập.
Và dòng kệ cuối: “Có tâm lý nhàm chán đối với thế gian nầy”.
Có tâm lý sợ hãi đối với vòng sanh tử luân hồi. Không có sự thích thú nào liên quan đến thế gian nầy.
Toàn bộ tam giới được xem như một lò lửa lớn. Tam giới như hỏa trạch vậy!

6. CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY
“Hãy từ bỏ tướng trạng (của các cảnh dục), thường là đẹp đẽ và liên hệ đến tham ái.
Hướng tâm về tướng bất tịnh, phát triển sự an tịnh và nhất tâm”.
Với câu kệ ngôn trên, Đức Thế Tôn hướng dẫn tiếp cho vị tân sư Rāhula thực hành thiền định trên nền tảng giới hạnh.
Hãy từ bỏ tướng trạng (của các cảnh dục), thường là đẹp đẽ và liên hệ đến tham ái.
Hãy từ bỏ có nghĩa là không để ý đến các tướng đó, tránh xa các tướng.
Sự hấp dẫn của sắc đẹp, tiếng hay v.v…. là những biểu hiện ra bên ngoài của các cảnh dục.
Các tướng trạng đó thường là đẹp đẽ và liên hệ đến tham ái.
Các bài kinh Nikāya thường mô tả về dục lạc ngũ trần là đáng mong cầu, đáng ước nguyện, khả ái, gây sự thích thú, liên hệ đến dục, và làm cho tâm tham sanh khởi.
Các hành giả chúng ta từ bỏ dục lạc ngũ trần bằng cách nào?
Chúng ta phải thấy được vị ngọt của các dục, sự nguy hiểm của các dục, đồng thời tìm cách thoát ly ra khỏi mãnh lực tai hại của các dục.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Hướng tâm về tướng bất tịnh”.
Phương pháp để cho vị hành giả có thể thoát ly khỏi các dục chính là hướng tâm về tướng bất tịnh.
Suy niệm về tấm thân nầy, từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, chứa đựng đầy các vật bất tịnh được bao bọc trong một lớp da, như tóc, lông, móng, răng, da v.v…
Nhờ suy niệm thường xuyên như vậy, vị hành giả phát sanh lên tâm lý nhàn chán đối với thân của mình, thân của người. Từ đó tâm của vị hành giả không còn bị dính mắc, chấp thủ vào tướng trạng khả ái, xinh đẹp của các cảnh trần nữa.
Và dòng kệ ngôn cuối: “Phát triển sự an tịnh và nhất tâm”.
Sự an tịnh (samāhitaṃ) nghĩa là cận hành định. Giai đoạn thiền định nầy, tâm của vị hành giả không còn bóng dáng của năm pháp triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm và hoài nghi.
Nhất tâm (ekaggaṃ) chính là an chỉ định. Nơi đây, trong tâm thiền của hành giả, phát sanh lên năm chi thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc và định.
Phát triển sự an tịnh và nhất tâm có nghĩa là vị hành giả tu tập về thiền định và đã đắc chứng các tầng thiền.
Với câu kệ ngôn thứ bảy, Đức Thế Tôn trực tiếp dẫn dắt cho Đại Đức Rāhula bước chân vào con đường thiền định, nhắm tới thành đạt các pháp thắng trí, các pháp mầu siêu xuất thế gian.

7. CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM
“Tu tập về pháp vô tướng, từ bỏ khuynh hướng kiêu căng.
Nhờ phá tan được tâm lý kiêu mạn, con sẽ luôn được an lạc”.
Đức Thế Tôn tiếp tục hướng dẫn vị tân sư Rāhula trên hành trình tâm linh.
Chúng ta đọc dòng kệ ngôn đầu: “Tu tập về pháp vô tướng”.
Sau khi đã thành đạt an chỉ định (thiền chỉ), trên cơ sở đó vị hành giả phát triển về tuệ quán hay thiền quán (develop insight).
Tuệ quán ở đây được gọi với thuật ngữ là pháp vô tướng (the markless state), có nghĩa là trí tuệ suy xét về pháp vô thường (impermanence), sự thay đổi liên tục của danh pháp và sắc pháp.
Tuệ quán về pháp vô thường là sự giải thoát khỏi tướng trạng của sự thường hằng (permanence), hay cũng được gọi là vô tướng giải thoát (the markless liberation).
Được gọi là vô tướng giải thoát vì tuệ quán nầy giúp cho vị hành giả xa lìa tướng trạng của tham dục, những biểu hiện của phiền não.
Và dòng kệ ngôn tiếp theo: “Từ bỏ khuynh hướng kiêu căng”.
Khi tuệ quán về vô tướng pháp được huân tập một cách thuần thục, vị hành giả sẽ thành đạt được tưởng vô thường (the perception of impermanence).
Nơi đây, vị hành giả hướng đến sự chấm dứt, từ bỏ, đoạn diệt phiền não tùy miên đó là tâm lý kiêu căng hay ngã mạn.
Bởi lẽ, đối với ai hiểu biết được pháp vô thường, vị ấy sẽ hiểu biết được pháp vô ngã (non-self). Và đối với vị nào hiểu biết được pháp vô ngã, vị ấy sẽ đoạn trừ được phiền não ngũ ngầm ở trong tâm, đó là ngã mạn tùy miên (Tăng Chi Bộ Kinh).
Chúng ta đọc dòng kệ sau cùng:
“Nhờ phá tan được tâm lý kiêu mạn, con sẽ luôn được an lạc”.
Rồi nhờ phá tan được tâm lý kiêu mạn bằng thánh đạo, vị hành giả sẽ đạt đến sự an tịnh, vắng lặng, giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não.
Cho đến khi vị hành giả thành đạt vô dư y Niết Bàn, vị ấy an trú vào hữu dư y Niết Bàn, luôn an trú vào thánh quả giải thoát.
Đó có thể là vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát hoặc không giải thoát.
Vô tướng giải thoát (the markless) là sự thành đạt giải thoát của vị hành giả phát triển tuệ quán về pháp vô thường.
Vô nguyện giải thoát (the desireless) là sự thành đạt giải thoát của vị hành giả phát triển tuệ quán về pháp khổ não.
Không giải thoát (the emptiness) là sự thành đạt giải thoát của vị hành giả phát triển tuệ quán về pháp vô ngã.

III. KẾT LUẬN

Rāhula Sutta là bài kinh đặc biệt mà Đức Thế Tôn thường giảng dạy cho Tôn giả Rāhula, từ giai đoạn thiếu niên cho đến lúc trưởng thành.
Kinh Rāhula Sutta được xem là kim chỉ nam cho tất cả hành giả Phật giáo chúng ta trên con đường học hỏi và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn.



↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Kinh Subhāsita
  • Lộ trình Tâm Thức
  • Kinh Rāhula
  • Kinh Kāma
  • Kinh Phẩm Tám
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com