Rằm Tháng Tám- Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG TÁM
↑ trở lên Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG TÁM
Mùa an cư của chư tôn đức Tăng nơi các tự viện Phật giáo Theravāda đã được hai tháng. Hôm nay là ngày rằm tháng tám năm Nhâm Dần.
Tinh thần xuyên suốt của ba tháng an cư mùa mưa là các vị hành giả xuất gia thúc liễm thân tâm, trau dồi giới thân huệ mạng.
Tất cả điều học do Đức Thế Tôn chế định trong Luật Tạng (Vinaya Piṭaka) đều là nền tảng của đời sống phạm hạnh.
Chư Tỳ Kheo đệ tử của Đức Thế Tôn thọ trì giới luật bằng đức tin (saddha); sự thực hành chuyên tâm về giới luật sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho chính bản thân người thực hành.
Ba tháng hạ là khoảng thời gian lý tưởng cho các vị hành giả Tỳ Kheo chuyên tâm học pháp, và nỗ lực thực hành thiền định.
Ngày rằm tháng tám hằng năm còn được gọi là ngày đại lễ BINARA POYA DAY, theo niên lịch của xứ Phật Sri Lanka.
Theo tinh thần của ngày đại lễ Binara Poya Day, chư tôn đức Tăng đã chọn ra một bài kinh đặc biệt trong kho tàng kinh điển, làm kim chỉ nam tu tập trong suốt ba tháng an cư.
Đó là bài kinh ARIYAVAṂSA SUTTA, kinh Truyền Thống Của Bậc Thánh Nhân, chương bốn pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh.
Sau đây là nội dung bài kinh Ariyavaṃsa Sutta:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, có bốn truyền thống thuộc về bậc Thánh nhân, là nguyên thuỷ, tối sơ, đã có từ lâu đời, thuần tịnh, chói sáng, và được các Sa môn, Bà la môn có trí tán thán. Thế nào là bốn truyền thống?
1. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ loại y và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ loại y.
Vị ấy không vì nguyên nhân y phục mà rơi vào sự tầm cầu bất chánh, không hợp pháp.
Nếu không thọ nhận y phục được như ý muốn, vị ấy không buồn rầu, bất mãn. Nếu thọ nhận y phục được như ý muốn, vị ấy không mê say, không tham đắm, không dính mắc vào y phục.
Vị ấy thấy rõ được sự nguy hiểm trong sự dính mắc, hiểu biết rõ và thoát ly ra khỏi sự dính mắc về y phục.
Nhưng không vì những pháp hành đó mà vị Tỳ Kheo tỏ ra kiêu mạn, tự khen mình, chê bai chư huynh đệ.
Vị Tỳ Kheo nào thực hành được như vậy, luôn sống nhiệt tâm, chuyên niệm, tỉnh giác, vị Tỳ Kheo ấy được xem là đứng vững và tiếp nối truyền thống cao quý của các bậc Thánh nhân.
2. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ thức ăn và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ thức ăn (tương tự như trên).
3. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ trú xứ và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ trú xứ (tương tự như trên).
4. Ở đây, vị Tỳ Kheo hoan hỷ, hân hoan trong sự tu tập; hoan hỷ, hân hoan trong đoạn trừ phiền não.
Nhưng không vì nguyên nhân hoan hỷ, hân hoan trong sự tu tập và đoạn trừ phiền não mà vị Tỳ Kheo tỏ ra kiêu mạn, tự khen mình, chê bai chư huynh đệ.
Vị Tỳ Kheo nào thực hành được như vậy, luôn sống nhiệt tâm, chuyên niệm, tỉnh giác, vị ấy được gọi là vị Tỳ Kheo đứng vững và tiếp nối truyền thống cao quý của các bậc Thánh nhân.
Thành tựu được bốn pháp truyền thống thuộc bậc Thánh nhân, nầy các Tỳ Kheo, nếu vị Tỳ Kheo trú ngụ ở phương đông, vị ấy nhiếp phục được sự không hoan hỷ, sự không hoan hỷ không nhiếp phục được vị ấy;
nếu vị ấy trú ngụ ở phương tây ….;
nếu vị ấy trú ngụ ở phương nam ….;
nếu vị Tỳ Kheo trú ngụ ở phương bắc, vị ấy nhiếp phục được sự không hoan hỷ, sự không hoan hỷ không nhiếp phục được vị ấy.
Vì sao vậy? Bởi vì vị Tỳ Kheo là bậc trí, nhiếp phục được cả hai: sự không hoan hỷ và hoan hỷ”.
Đến đây, Bậc Đạo Sư dạy thêm bài kệ:
“Sự không hoan hỷ không nhiếp phục được bậc trí,
Nhưng bậc trí luôn nhiếp phục sự không hoan hỷ.
Ai có thể ngăn cản được người đã xoá tan, tẩy trừ mọi nghiệp lực?
Ai có thể khiển trách được một người với phẩm chất quý như vàng ròng?
Đến ngay cả các vị Chư Thiên cũng khen ngợi vị ấy.
Các vị Phạm Thiên đều tán thán vị ấy”.
Bài kinh Ariyavaṃsa Sutta trình bày rất cô đọng tinh hoa giáo lý nhà Phật.
Các bản kinh văn chú giải ghi nhận ba pháp đầu tiên trong bài kinh là sự thể hiện nét tinh yếu của Luật Tạng. Pháp truyền thống thứ tư là sự hành trì theo Kinh Tạng và Luận Tạng.
Bài Kinh Tăng Chi Bộ nầy hầu như là không thể thiếu trong các buổi thuyết giảng quan trọng tại các xứ sở Phật giáo Theravāda, đặc biệt là trong mùa an cư kiết hạ.
Đến thời kỳ Đức Vua A Dục, nhà vua đã chọn lọc ra một số bài kinh đặc biệt, trong đó có bài kinh Ariyavaṃsa Sutta, để khắc lên các trụ đá mà ngày nay được biết đến là các trụ đá Bhabru Edict.
Vị quân vương hộ pháp bậc nhất mong muốn việc làm của mình có thể giúp duy trì Chánh Pháp trường tồn bền lâu (The True Dhamma might last a long time).
Bài kinh Ariyavaṃsa Sutta nêu lên nhiều phẩm hạnh của một hành giả Phật giáo, như nhiệt tâm, chuyên niệm, tỉnh giác, khiêm cung, nổi bật nhất là đức tính tri túc.
↑ trở lên
|