Kinh Kasi Bharadvaja- BÀI KINH KASIBHĀRADVĀJA SUTTA
- GIỚI THIỆU BÀI KINH KASIBHĀRADVĀJA SUTTA
- CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY CỦA ĐỨC THẾ TÔN
- KHỔ HẠNH LÀ CƠN MƯA RÀO
- TRÍ TUỆ LÀ CÁI ÁCH VÀ CÁI CÀY
- HỔ THẸN LÀ CÁN CÀY
- THIỀN NA VÀ SỰ GIÁC NGỘ
- NHƯ LAI SỐNG PHÒNG HỘ THÂN
- SỰ TRỢ DUYÊN CỦA THIỀN TỊNH CHỈ CHO TIẾN TRÌNH TU TẬP TUỆ QUÁN
↑ trở lên BÀI KINH KASIBHĀRADVĀJA SUTTA
Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự ở nơi dân chúng Magadha, tại ngọn núi Dakkhiṇāgiri, gần ngôi làng Bà la môn Ekanālā. Khi ấy năm trăm (500) tay cày đã chuẩn bị công việc cho Bà la môn Kasibhāradvāja vào thời điểm vụ mùa.
Rồi vào buổi sáng, Đức Thế Tôn vấn y, cầm y và bát , đi đến nơi Bà la môn Kasibhāradvāja đang chuẩn bị công việc đồng áng. Lúc ấy, thực phẩm của Bà la môn Kasibhāradvāja đang được phân phát cho những tá điền. Rồi Đức Thế Tôn đi đến nơi thực phẩm đang được phân phát và đứng một bên. Bà la môn Kasibhāradvāja nhìn thấy Đức Thế Tôn đang đứng khất thực, nên ông ta nói với Ngài như sau: “Nầy Sa môn, tôi cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, tôi ăn. Nầy Sa môn, ông cũng phải cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, ông có thể ăn”.
“Nầy Bà la môn, Như Lai cũng cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, Như Lai ăn”.
“Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, lưỡi cày, gậy thúc hay con vật kéo của Tôn Giả Gotama. Nhưng Tôn Giả Gotama lại nói: ‘Nầy Bà la môn, ta cũng cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, ta ăn’ ”.
Rồi Bà la môn Kasibhāradvāja nói với Đức Thế Tôn bằng lời kệ như sau:
76. “Tôn giả nói Ngài là người cày ruộng, nhưng chúng con không thấy lưỡi cầy của Tôn giả.
Như vậy con hỏi Tôn giả về việc cày ruộng của Ngài để chúng con có thể hiểu rõ”.
77. “Đức tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa rào; trí tuệ là cái ách và lưỡi cày.
Lòng hổ thẹn là cây cọc nhọn, ý là sợi dây buộc vào cọc nhọn, và chuyên niệm là lưỡi cày và gậy thúc con vật kéo.
78. “Như Lai sống phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, luôn tiết độ trong ẩm thực.
Như Lai dùng sự chân thật để nhổ đi loài cỏ dại, và thánh đạo là sự giải thoát của Như Lai.
79. “Sự tinh tấn của Như Lai chính là con vật kéo đưa người hành giả từ chỗ ràng buộc đến nơi giải thoát; con vật kéo đó trực chỉ và không quay đầu lại, thẳng tiến đến nơi không còn sầu muộn.
80. “Đó chính là việc cày cấy đem lại quả vị Bất Tử
Sau khi thực hiện việc cày cấy như vậy, hành giả giải thoát khỏi mọi sầu muộn”.
Rồi Bà la môn Kasibhāradvāja đổ đầy một dĩa bằng đồng lớn cơm sữa và dâng cúng lên Đức Thế Tôn. Ông ta nói: “Mong Tôn Giả Gotama hãy dùng món cơm sữa nầy! Ngài thật sự là người cày ruộng, vì Ngài đã cày nên một luống cày đem lại quả Bất Tử”.
Đức Thế Tôn nói:
81. Như Lai không dùng vật thực có được do đọc tụng các câu kệ ngôn, nầy Bà la môn, việc đó không phải là nguyên tắc của những bậc đã thấy rõ.
Chư Phật luôn từ chối vật thực có được do đọc tụng các câu kệ ngôn, nầy Bà la môn, đó là nguyên tắc, là phẩm hạnh của Chư Phật.
82. Hãy phục vụ đồ ăn và thức uống khác cho bậc giác ngộ, bậc đại ẩn sĩ.
Vị đã đoạn tận mọi lậu hoặc, đã làm lắng dịu mọi phiền não, bởi vì vị ấy là phước điền cho những ai mong cầu phước báu”.
“Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho phần cơm sữa nầy cho ai?”.
“Như Lai không thấy một ai trong thế gian nầy dầu đó là Bà la môn, Chư Thiên, Ma vương, hay Phạm Thiên, cùng với các vị Sa môn, Bà la môn, trong thế giới nhân thiên nầy, có thể ăn và tiêu hóa cơm sữa nầy ngoại trừ Như Lai và đệ tử của Như Lai. Do đó, này Bà la môn, hãy đổ bỏ cơm sữa nầy nơi không có cỏ xanh hay đổ xuống nước, chỗ không có các loài sinh vật”.
Rồi Bà la môn Kasibhāradvāja đổ bỏ cơm sữa đó xuống nước nơi không có các loài sinh vật. Khi cơm sữa được đổ bỏ xuống nước, mặt nước bắt đầu sôi lên, sôi lên sùng sục, mặt nước tỏa hơi nhiệt rồi bốc khói. Cũng như một cán cày, phơi nắng cả ngày rồi được nhúng xuống nước, mặt nước bắt đầu sôi lên, sôi lên sùng sục, mặt nước tỏa hơi nhiệt rồi bốc khói.
Khi ấy Bà la môn Kasibhāradvāja kinh hãi, rợn tóc gáy, đi đến Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới bàn chân của Ngài, và nói với Đức Thế Tôn: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama đã trình bày Giáo Pháp rõ rằng bằng nhiều cách khác nhau; cũng như một người dựng lại những gì bị quăng ngã, hiển bày những gì bị che kín, chỉ rõ đường cho những ai bị lạc lối, hay đem đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy được các sắc. Con xin quy y với Tôn giả Gotama, con xin quy y với Giáo Pháp, con xin quy y với chư Tỳ Kheo Tăng. Mong con được xuất gia với Tôn giả Gotama, mong Ngài cho con được thọ đại giới”.
Sau đó Bà la môn Kasibhāradvāja được xuất gia với Đức Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu sau, vị ấy sống độc cư, an tịnh, nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, nên chỉ trong thời gian rất ngắn Đại Đức Bhāradvāja, ngay trong kiếp sống nầy, tự mình chứng đắc thắng trí, thành tựu cứu cánh tối thượng của đời sống phạm hạnh mà các thiện gia nam tử đã từ bỏ gia đình sống đời không gia đình hướng đến, sau khi chứng đắc, vị ấy an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái nầy nữa”. Và Đại Đức Bhāradvāja trở thành một trong những vị A La Hán.
↑ trở lên GIỚI THIỆU BÀI KINH KASIBHĀRADVĀJA SUTTA
Bài kinh Kasibhāradvāja Sutta là bài kinh thứ tư thuộc chương một của Kinh Tập, Suttanipāta.
Bài kinh mô tả cuộc đối thoại giữa Đức Thế Tôn và Bà la môn Kasibhāradvāja. Danh xưng của vị nầy có nghĩa là Bà la môn Bhāradvāja, người cày ruộng.
Một điều lạ ở nơi đây là vị Bà la môn này lại tham gia vào việc cày ruộng. Có thể là vị Bà la môn nầy nhận phần đất đai như bổng lộc ban phát từ nhà vua. Sau đó ông tham gia vào việc canh tác trên mảnh đất của chính mình.
Bài kinh được chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất gồm lời dẫn nhập bằng văn xuôi và tiếp theo là các câu kệ ngôn (thể thơ), từ câu kệ 76 đến câu câu kệ 80. Phần nầy mô tả mẩu đối thoại giữa Đức Thế Tôn và Bà la môn Kasibhāradvāja.
Phần thứ hai gồm các câu kệ tiếp theo và mẫu văn xuôi tường thuật sự đối đáp của Bà la môn và diễn tiến của câu chuyện.
Cho nên bài kinh Kasibhāradvāja Sutta được xếp vào một thể loại đặc biệt trong văn học Pāli, gọi là GEYYA: ỨNG TỤNG.
Ban đầu Bà la môn chỉ trích Đức Thế Tôn như người lười biếng, đi xin thức ăn của người khác, thay vì hãy đi cày và gieo hạt như ông ta. Đức Thế Tôn bác bỏ lời chỉ trích đó, khẳng định rằng Ngài cũng có đi cày và gieo hạt như ông Bà la môn.
Khi vị Bà la môn thắc mắc về việc cày cấy của Ngài, Ngài dùng những ẩn dụ trong việc đồng áng để mô tả về tu tập tâm linh.
TÌM HIỂU ĐOẠN MỞ ĐẦU BÀI KINH KASIBHĀRADVĀJA SUTTA
Phần mở đầu mô tả diễn tiến lúc Đức Thế Tôn giảng pháp cho ông Bà la môn Kasibhāradvāja. Phần nầy là sự kết hợp cả hai, phần nguyên văn trong chánh tạng và phần chú giải của tập Paramatthajotikā II.
Tập chú giải Paramatthajotikā II giải thích rất chi tiết, từng chữ, từng câu, từng đoạn văn, từng ý nghĩa sâu xa.
Ví dụ như câu mở đầu chúng ta thường thấy ở các bài kinh Nikāya: “Như vầy tôi nghe”. Đây là lời của Tôn giả Ānanda nói lên trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, ba tháng sau khi Đức Thế Tôn viên tịch.
Khi đọc những lời chú giải chi tiết đó, các độc giả chúng ta hiểu rõ hơn, hiểu sâu hơn về nội dung của bài kinh đang học.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang ngự ở nơi dân chúng Magadha, tại ngọn núi Dakkhiṇāgiri, gần ngôi làng Bà la môn Ekanālā. Khi ấy năm trăm (500) tay cày đã chuẩn bị công việc cho Bà la môn Kasibhāradvāja vào thời điểm vụ mùa.
Bản chú giải Paramatthajotikā II tường thuật chi tiết sinh hoạt hằng ngày của Đức Thế Tôn.
Vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn để quán xét khắp thế gian tìm hiểu xem những chúng sanh nào đầy đủ duyên lành đến ba ngôi Tam Bảo.
Một hôm, trong khi quán xét như vậy, Đức Thế Tôn thấy rõ Bà la môn Kasibhāradvāja hội đủ duyên lành để chứng đắc A La Hán quả và Ngài biết: “Khi Như Lai đi đến nơi của Bà la môn, sẽ có một cuộc trao đổi. Sau khi Bà la môn nghe Pháp, ông ta sẽ xuất gia và chứng đắc quả vị A La Hán”.
Nên vào buổi sáng đó, Ngài thân hành đi đến chỗ ông Bà la môn và các tá điền đang chuẩn bị cày ruộng. Bà la môn và người vợ đang phân phát thực phẩm là cơm sữa đến cho 500 người tá điền.
Đức Thế Tôn ôm bình bát đi đến nơi mọi người đang phân phát thức ăn. Ngài đứng một nơi thích hợp để ông Bà la môn có thể nhìn thấy và nghe được lời nói của Ngài.
Khi đó hào quang của Đức Thế Tôn phát sáng cả một vùng rộng lớn. Hào quang sáng rực màu vàng ròng, ánh sáng vượt xa cả ánh sáng của 1.000 mặt trời và 1.000 mặt trăng.
Tất cả mọi tá điền đang ngồi xung quanh ăn cơm vội rửa tay chân, vây quanh để chiêm ngưỡng một bậc tướng hảo quang minh. Mọi người thành kính chắp tay hướng về Đức Thế Tôn.
Khi ấy trong tâm của ông Bà la môn khởi lên ý nghĩ không hài lòng: “Ông Sa môn nầy từ đâu tới đây để ngăn trở công việc của ta, làm cho các tá điền của ta phải ngừng tay”.
Với ý nghĩ không hài lòng, ông ta nói với Đức Thế Tôn lời nói có ý hơi phiền trách: “Nầy Sa môn, ông cũng phải cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, ông có thể ăn”.
Đức Thế Tôn từ tốn đáp lời: “Nầy Bà la môn, Như Lai cũng cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, Như Lai ăn”.
Chúng ta hiểu là ông Bà la môn rất đỗi ngạc nhiên trước câu nói của Đức Thế Tôn.
Ông ta cũng biết rõ về thân thế của Đức Thế Tôn, cùng với việc quan sát 32 tướng tốt của Ngài nên ông phát khởi lên đức tin và có ý muốn tìm hiểu ý nghĩa sâu xa trong câu nói có phần khó hiểu.
Nên ông Bà la môn hỏi tiếp: “Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, lưỡi cày, gậy thúc hay con vật kéo của Tôn Giả Gotama. Nhưng Tôn Giả Gotama lại nói: ‘Nầy Bà la môn, ta cũng cày cấy và gieo hạt. Sau khi cày cấy và gieo hạt, ta ăn’ ”.
Sự tôn kính của ông biểu hiện qua giọng nói đã có sự thay đổi. Ban đầu ông Bà la môn gọi Đức Thế Tôn là SA MÔN, ý nghĩa là như các tu sĩ bình thường. Nhưng sau đó, ông đã thay đổi câu nói và gọi Ngài là TÔN GIẢ GOTAMA.
Kế đến Đức Thế Tôn giải thích về cách làm ruộng đặc biệt của Ngài. Ông Bà la môn hiểu ra, phát tâm quy y, sau đó xuất gia với Đức Thế Tôn.
Xuất gia không bao lâu sau, vị tân sư Kasibhāradvāja đã trở thành một trong những vị thánh nhân A La Hán.
↑ trở lên CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY CỦA ĐỨC THẾ TÔN
Bắt đầu giải thích ý nghĩa chi tiết của bài kinh Kasibhāradvāja Sutta, bản chú giải Paramatthajotikā II đã nói về những hoạt động cụ thể trong đời sống thường ngày của Đức Thế Tôn.
Có hai hoạt động cụ thể của một vị Phật: công việc vào buổi sáng và công việc sau buổi trưa.
Thế nào là công việc buổi sáng của Đức Thế Tôn?
Đức Phật thường thức dậy từ sáng sớm.
Sau khi làm vệ sinh thân thể xong, Ngài thường an trụ vào thiền định cho đến thời gian đi khất thực.
Đến lúc đi khất thực, Đức Thế Tôn vận nội y, mang dây lưng, đắp thượng y, mang bình bát rồi đi vào thôn làng hay phố thị để khất thực.
Đôi khi Đức Thế Tôn đi khất thực một mình, đôi khi Ngài đi cùng chư Tỳ Kheo Tăng.
Đôi khi Ngài đi như một Sa môn bình thường, đôi khi Ngài thị hiện phép lạ thần thông.
Khi những thị dân trong khu vực biết được Ngài sẽ trì bình nơi chỗ ở của mình, họ sẽ chuẩn bị thật chu đáo.
Họ ăn mặc trang nghiêm, mang những vòng hoa, hương thơm, vật cúng dường. Họ đi khỏi nhà, đi bộ trên những con đường, rồi thành kính cúng dường hương hoa, phẩm vật lên Đức Thế Tôn.
Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, mọi người sẽ nói: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin cúng dường đến mười vị Tỳ Kheo, hai mươi vị, hay một trăm vị”.
Sau khi nhận bình bát của Ngài, họ sẽ chuẩn bị chỗ ngồi và cung kính cúng dường thực phẩm lên Đức Thế Tôn.
Khi dùng xong, Đức Thế Tôn quan sát tâm của tín chủ và thuyết giảng Pháp thoại thích hợp để một số vị sẽ thọ trì Tam quy, một số vị thọ trì ngũ giới, một số thành đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai.
Một số vị sẽ có duyên xuất gia, thành đạt quả vị A La Hán sau đó.
Rồi Đức Thế Tôn quay trở về tịnh xá.
Sau khi quay về, Ngài sẽ ngồi trên một bảo tòa rồi đợi cho chư Tỳ Kheo thọ thực xong hết.
Khi vị thị giả thông báo chư vị đã thọ thực xong, Đức Thế Tôn sẽ quay về hương thất.
Trên đây là hoạt động hằng ngày của Đức Thế Tôn vào buổi sáng.
Các hoạt động của Đức Phật sau buổi trưa là gì?
Khi các công việc vào buổi sáng hoàn thành, Đức Thế Tôn sẽ ngồi nơi phòng ngoài của ngôi hương thất và rửa chân.
Rồi đứng trên một bệ cao, Ngài có lời nhắc nhở các vị Tỳ Kheo: “Nầy chư Tỳ Kheo, hãy thành đạt bằng sự chuyên cần. Rất khó là sự xuất hiện của một vị Phật trên thế gian; rất khó là có được thân con người; rất khó là thành tựu mọi thuận duyên; rất khó là việc xuất gia; rất khó là được lắng nghe Chánh Pháp”.
Sau đó, các vị Tỳ Kheo đảnh lễ Đức Thế Tôn và hỏi xin một đề mục thiền định. Đức Thế Tôn sẽ dạy một đề mục thiền định thích hợp cho cơ tánh của từng vị.
Sau khi học hỏi đề mục thiền định từ nơi Đức Thế Tôn, chư vị sẽ lui về nơi tư thất của mình. Đó có thể là một khu rừng, đó có thể là nơi gốc cây, đó có thể là vùng núi hoặc khu vực gần đó.
Đức Thế Tôn sau đó đi vào hương thất của Ngài. Có thể Đức Thế Tôn sẽ nằm nghỉ trong giây lát, Ngài nằm xuống bên tay phải, với dáng nằm của con sư tử, chánh niệm và tỉnh giác.
Khi cơ thể đã khỏe, Ngài ngồi dậy và dùng thời gian còn lại để quán sát khắp thế gian. Đến lúc chiều tối, người dân nơi ngôi làng hoặc thị trấn nơi Đức Thế Tôn đang ngự, những thị dân đã cúng dường vào buổi sáng, sẽ tập trung lại trong tự viện, ăn mặc chỉnh tề và trang nghiêm, mang theo hương hoa và các lễ vật khác.
Đức Thế Tôn sẽ đi đến ngôi giảng đường và ngồi trên bảo tọa. Sau đó Ngài sẽ thuyết giảng Pháp thích hợp cho hội chúng. Khi thời gian giảng Pháp kết thúc, Đức Thế Tôn quay trở lại hương thất của Ngài.
Trên đây là các công việc thường nhật của Đức Thế Tôn sau buổi trưa.
Thời khóa sinh hoạt của Đức Thế Tôn vào buổi tối.
Thời gian về đêm được chia ra làm ba canh, mỗi canh là bốn tiếng đồng hồ, bắt đầu từ sáu giờ tối. Sinh hoạt thường nhật của Đức Thế Tôn vào thời gian nầy được kể chi tiết như sau:
Bắt đầu cho thời khóa về đêm, các vị Tỳ Kheo ở tịnh xá sẽ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Một số vị sẽ đặt câu hỏi, một số vị sẽ hỏi về đề mục thiền định, một số vị sẽ yêu cầu được nghe Pháp. Như vậy Đức Thế Tôn sẽ trải qua thời gian canh đầu của đêm để sách tấn các vị Tỳ Kheo.
Vào canh giữa của đêm, các vị Chư Thiên, Chư Phạm Thiên trong toàn bộ mười ngàn thế giới đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Khi đã đến gần Ngài, họ sẽ hỏi câu hỏi đã có sẵn trong tâm, thậm chí câu hỏi chỉ có một âm dài bốn âm tiết. Đức Thế Tôn sẽ trải qua canh giữa của đêm để trả lời các câu hỏi của Chư Thiên, Chư Phạm Thiên.
Vào canh cuối của đêm, Đức Thế Tôn chia thời gian ra làm bốn thời.
Thời đầu tiên Ngài sẽ dành thời gian để đi kinh hành qua lại.
Thời thứ hai, Đức Thế Tôn sẽ đi vào hương thất và nằm xuống bên phía tay phải, với dáng nằm của con sư tử, chánh niệm và tỉnh giác.
Thời thứ ba, Đức Thế Tôn an trú vào trạng thái thiền diệt tưởng định.
Thời thứ tư, Đức Thế Tôn an trú vào đại bi định và xem xét khắp thế gian với Phật nhãn để xem chúng sanh nào còn ít cát bụi (phiền não) trong mắt; chúng sanh nào còn nhiều cát bụi (phiền não) trong mắt.
Khi dùng Phật nhãn để quán xét khắp thế gian, Đức Thế Tôn tìm hiểu xem những chúng sanh nào đã có gieo duyên lành đến Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng; và những chúng sanh chưa từng thực hiện những công đức như bố thí, gìn giữ năm giới, thọ trì bát quan trai; cũng như Ngài sẽ xem xét những chúng sanh đã hội đủ duyên lành, những chúng sanh chưa đủ duyên lành.
Trong khi quán xét như vậy, Đức Thế Tôn thấy rõ Bà la môn Kasibhāradvāja hội đủ duyên lành để chứng đắc A La Hán quả và Ngài biết: “Khi Như Lai đi đến nơi đó, sẽ có một cuộc trao đổi. Sau khi Bà la môn nghe Pháp, ông ta sẽ xuất gia và chứng đắc quả vị A La Hán”. Đây là lời giải thích chi tiết lời dẫn nhập bài kinh Kasibhāradvāja Sutta.
↑ trở lên KHỔ HẠNH LÀ CƠN MƯA RÀO
Khi nghe Đức Thế Tôn nói Ngài cũng cày cấy như bao người nông dân bình thường khác, Bà la môn Kasibhāradvāja đã thắc mắc và hỏi bằng lời kệ như sau:
1. “Tôn giả nói Ngài là người cày ruộng, nhưng chúng con không thấy lưỡi cầy của Tôn giả đâu.
Như vậy con hỏi Tôn giả về việc cày ruộng của Ngài để chúng con có thể hiểu rõ”.
Đáp lời ông Bà la môn, Đức Thế Tôn đã đọc lên câu kệ như sau:
2. “Đức tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa rào; trí tuệ là ách và cái cày.
Hổ thẹn là cây cọc nhọn, ý là sợi dây buộc, và chánh niệm là lưỡi cày và cây gậy thúc con vật kéo”.
Bà la môn Kasibhāradvāja đã hỏi Đức Thế Tôn việc cày ruộng với những dụng cụ như ách cày hay cán cày, các công cụ của việc đồng áng.
Đức Thế Tôn với lòng từ bi đã trả lời bằng lời kệ: “Đức tin là hạt giống”, (saddhā bījaṃ).
Chúng ta tìm hiểu tiếp ý nghĩa của dòng kệ: “Khổ hạnh là cơn mưa rào”, (tapo vuṭṭhi).
Được gọi là khổ hạnh (tapo) bởi vì pháp nầy đốt cháy (tapati) các ác, bất thiện pháp.
Khổ hạnh dùng để chỉ cho các pháp như thu thúc các căn, tinh tấn, sự thực hành các pháp khổ hạnh nghiêm ngặt, thọ trì các pháp đầu đà.
Nhưng ý nghĩa ở câu văn nầy có nghĩa là pháp thu thúc các căn.
Mưa là hiện tượng thiên nhiên, có nhiều loại như mưa rào, mưa bão v.v…. Ở đây ẩn dụ về mưa để chỉ cho cơn mưa rào.
Trong trường hợp của Bà la môn Kasibhāradvāja, hạt giống của ông ta được tưới tẩm bởi những cơn mưa nặng hạt nên nẩy mầm và phát triển tươi tốt, không bị khô héo.
Cũng tương tự như vậy, hạt giống của Đức Thế Tôn là đức tin và các thiện pháp phát xuất từ đức tin.
Hạt giống ấy được tưới tẩm bởi pháp thu thúc lục căn nên đức tin được nẩy mầm, phát triển và không bị khô héo.
Do đó, Đức Thế Tôn đã nói: “Khổ hạnh là cơn mưa rào”.
Điều nầy có nghĩa là như thế nào? Ở đây Đức Thế Tôn có ý muốn giải thích như sau:
“Này Bà la môn, khi ông gieo hạt như vậy, nếu có mưa thì rất tốt; nhưng nếu không có mưa thì ông phải đào mương để dẫn nước vào ruộng”.
“Còn phần Như Lai, khi Như Lai gieo hạt giống đức tin vào thửa ruộng tâm thức của ai đó, với lòng hổ thẹn là cây cọc nhọn, trí tuệ như là ách và cái cày, với tinh tấn là con vật kéo được buộc chặt vào sợi dây là ý; và có chánh niệm là cây gậy thúc con vật kéo.
Trong vụ mùa của Như Lai lúc nào cũng có mưa (ẩn dụ). Trong việc cày cấy của Như Lai, khổ hạnh được xem là cơn mưa rào và mưa liên tục”. ↑ trở lên TRÍ TUỆ LÀ CÁI ÁCH VÀ CÁI CÀY
Khi giải thích cho Bà la môn Kasibhāradvāja về các công cụ cày ruộng, Đức Thế Tôn đã ví trí tuệ giống như cái ách và cái cày.
Trí tuệ là điều giúp cho một người hiểu biết, hoặc trí tuệ chính là sự hiểu biết.
Trí tuệ được phân chia có nhiều phân loại; tuy nhiên, ở đây trí tuệ được hiểu là tuệ quán kết hợp với đạo siêu thế.
Trong việc cày ruộng của Bà la môn Kasibhāradvāja, ông ta có các công cụ là cái ách và cái cày.
Tương tự, Đức Thế Tôn phân chia trí tuệ thành hai loại: tuệ quán và đạo siêu thế.
Giống như cái ách được đặt lên trên cổ con vật kéo, cái ách luôn được đặt lên trước, buộc chặt với cái cày để điều khiển con vật kéo.
Tương tự, trí tuệ luôn ở trên tất cả các thiện pháp, được dẫn đầu là pháp hổ thẹn.
Như lời kinh văn trong Tăng Chi Bộ Kinh có ghi lại: “Tất cả mọi thiện pháp có trí tuệ là pháp ở trên hết”.
Các bản kinh trong Bổn Sanh Kinh cũng ghi lại: “Trí tuệ là pháp quý nhất, cũng như ánh sáng mặt trăng vượt xa ánh sáng các vì sao”.
Trí tuệ đi đầu với ý nghĩa trí tuệ là dẫn đầu cho tất cả mọi thiện pháp.
“Giới hạnh, danh tiếng và tất cả phẩm chất tốt đẹp đều đi theo trí tuệ”, (Bổn Sanh Kinh).
Cái ách của người nông dân luôn được buộc chặt với cái cày bởi vì trí tuệ không bao giờ phát sanh lên mà không có thiện pháp hổ thẹn đi chung.
Hơn nữa, cái ách lại trợ giúp cho sợi dây buộc. Vì trí tuệ chính là nhân duyên trợ giúp cho sợi dây buộc là thiền định, mà ở đây được nói đến là “ý”.
Cái ách hay trí tuệ hỗ trợ cho các con vật kéo là sự tinh tấn, nghĩa là trí tuệ giúp cho vị hành giả không nhiệt thành quá mức hay đến nỗi quá lười biếng.
Cũng giống như thời điểm cái cày tiếp giáp với mặt đất, lưỡi cày xới tung lên phần đất cứng và cắt đứt các loài cỏ dại, ngay tại thời điểm tuệ quán phát sanh, trí tuệ kết hợp với chánh niệm xới tung hết phần đất cứng (quan niệm sai lầm).
Và trí tuệ là cái cày cắt đứt hết gốc rễ của các loài cỏ dại là phiền não.
Trí tuệ ở đây bao gồm trí tuệ hợp thế và trí tuệ siêu xuất thế gian.
↑ trở lên HỔ THẸN LÀ CÁN CÀY
Đáp lời ông Bà la môn, Đức Thế Tôn đã đọc lên câu kệ ngôn số 2:
“Đức tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa rào; trí tuệ là cái ách và cái cày.
Hổ thẹn là cán cày, tâm ý là sợi dây buộc và chánh niệm là lưỡi cày và cây gậy thúc con vật kéo”.
Lòng hổ thẹn (pháp tàm) là một người cảm thấy tự xấu hổ, hay hổ thẹn, một cảm giác tự xấu hổ.
Khi bất thiện pháp xuất hiện thì pháp hổ thẹn có mặt.
Ở đây chúng ta hiểu là hổ thẹn và sợ hãi luôn kết hợp với nhau (pháp tàm và pháp quý đi chung với nhau).
Cán cày hay cây cọc nhọn ở đây là thanh gỗ được dùng để nâng cái ách và cái cày.
Trong việc cày ruộng của Bà la môn Kasibhāradvāja, cọc nhọn là thanh gỗ được dùng để nâng cái ách và cái cày lên.
Trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn, pháp hổ thẹn nâng đỡ cái ách và cái cày, chính là trí tuệ hiệp thế và trí tuệ siêu thế.
Bởi vì không thể nào có trí tuệ mà lại không có hổ thẹn và sợ hãi (tàm và quý).
Khi cái ách và cái cày được buộc chặt vào cọc nhọn hay tay nắm, sự liên kết đó giúp cho các bộ phận trong cả hệ thống không bị lung lay hay chùng xuống.
Cũng tương tự như vậy, trí tuệ buộc chặt với pháp tàm và quý, giúp cho các thiện pháp không bị lung lay hay chùng xuống, không bị lẫn lộn với bất thiện pháp.
TÂM Ý LÀ SỢI DÂY BUỘC
Ở đây tâm hay ý được hiểu là sự tập trung hay định tâm (concentration).
Sợi dây buộc là một sợi dây ràng buộc. Nó kết hợp cả ba phần: sợi dây buộc cái ách vào cọc nhọn, buộc con bò với cái ách và buộc con bò vào người nông phu cày ruộng.
Sự liên kết đó giúp cho mỗi công cụ làm tròn được chức năng.
Tương tự, pháp định tâm của Đức Thế Tôn, có ý nghĩa là tâm không bị tán loạn, kết hợp lại các thiện pháp.
Đó là tàm, quý, trí tuệ và tinh tấn vào một đối tượng duy nhất.
Sự liên kết nầy bảo đảm cho mỗi thiện pháp làm tròn từng chức năng riêng biệt.
Do đó, Đức Thế Tôn đã dạy: “Tâm ý là sợi dây buộc”.
CHÁNH NIỆM LÀ LƯỠI CÀY VÀ CÂY GẬY THÚC CON VẬT KÉO
Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc.
Chánh niệm cần thiết cho công phu tu tập cũng như muối cần thiết cho việc nấu ăn vậy!
Đức Thế Tôn đã dạy cho Bà la môn Kasibhāradvāja là pháp chánh niệm của Ngài được so sánh như lưỡi cày và cây gậy thúc của ông ta.
Chánh niệm là điều mà một người nhớ lại công việc đã được thực hiện từ lâu; chánh niệm chính là sự hồi tưởng.
Chánh niệm có đặc tính là ghi nhớ, không bị quên.
Trong trường hợp của Bà la môn Kasibhāradvāja, ông ta dùng hai dụng cụ nầy để cày cấy.
Trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn, hai dụng cụ nầy được xem là chánh niệm, dùng để kết nối tuệ quán và đạo siêu thế.
Lưỡi cày là công cụ quan trọng bậc nhất của người nông dân.
Tầm quan trọng của chánh niệm đối với các thiện pháp cũng tương tự như vậy.
Chánh niệm tầm cầu các thiện pháp hay là tạo nên sự tỉnh thức đối với các đối tượng.
Chánh niệm còn có một chức năng quan trọng khác.
Chánh niệm được so sánh như cây gậy mà người nông dân dùng để thúc con vật kéo.
Cây gậy thúc được người nông dân dùng để thúc giục con bò hay trâu đang kéo cày. Ông ta không cho chúng đứng yên, không cho chúng đi ra khỏi luống cày.
Chánh niệm giúp cho vị hành giả không dừng lại do sự lười biếng vì chánh niệm soi sáng cho hành giả thấy được cảnh giới của địa ngục (sự đau khổ do dễ duôi đem lại).
Chánh niệm ngăn cho vị hành giả không đi chệch khỏi hành xứ của mình mà đi lạc vào cảnh giới của ngũ dục.
Chánh niệm giúp cho vị hành giả tập trung vào đề mục thiền định, và giúp cho vị ấy không đi ra khỏi đề mục đó.
Do đó, Đức Thế Tôn đã dạy: “Chánh niệm là lưỡi cày và cây gậy thúc của Như Lai”.
↑ trở lên THIỀN NA VÀ SỰ GIÁC NGỘ
Sau khi đã giải thích rõ các khái niệm căn bản trong thiền định, Bhikkhu Anālayo tiếp tục trình bày về mối liên hệ giữa thiền na và sự giác ngộ.
Có nhiều bài kinh Nikāya mô tả việc chứng đắc thiền là nhân tố quyết định để đạt đến sự giác ngộ.
Bài kinh Nibbedhika Sutta, thuộc chương sáu pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh, nói rằng năng lực định là điều cần thiết cho sự giác ngộ.
Nếu không có samādhi hay định thì không thể nào có sự giải thoát. Và nhân tố định đó phải là chánh định.
Ở đây có một câu hỏi được nêu lên là để chứng đắc đạo quả Tu Đà Hườn hay Nhập Lưu (Sotāpanna), tầng thánh đầu tiên trong bốn tầng thánh, có cần thiết phải đắc thiền hay là không?
Như chúng ta biết, các tiêu chuẩn được ghi lại trong các kinh văn Nikāya về việc đắc đạo không có nhắc gì đến khả năng đắc thiền.
Bài kinh Sotapattiphala Sutta, thuộc phẩm Sotapatti trong Tương Ưng Bộ Kinh, nêu lên bốn yếu tố để đắc đạo Nhập Lưu. Đó là:
1. Thân cận bậc chân nhân.
2. Lắng nghe Chánh Pháp.
3. Khéo như lý tác ý với việc lắng nghe.
4. Và thực hành đúng theo những gì đã lắng nghe.
Hơn thế nữa, bài kinh Raja Sutta cũng thuộc phẩm kinh Sotapatti trong Tương Ưng Bộ Kinh có nói đến bốn phẩm chất của bậc thánh nhân Tu Đà Hườn.
Đó là có niềm tin vững chắc nơi ân đức Phật Bảo, niềm tin nơi ân đức Pháp Bảo, niềm tin nơi ân đức Tăng Bảo, và có giới hạnh toàn hảo.
Khi đọc kỹ hai bản kinh nêu trên, chúng ta sẽ nhận thấy điều kiện vô cùng cần thiết để đắc đạo Nhập Lưu ở đây là nội tâm phải giải thoát khỏi năm triền cái.
Liên hệ đến điều kiện nầy, bài kinh Kosambiyā Sutta, bài kinh thứ 48 trong Trung Bộ Kinh, và bài kinh Avarana Sutta, chương thứ năm trong Tăng Chi Bộ Kinh, nêu lên nhiều yếu tố để vị hành giả đắc đạo.
Một trong những yếu tố đó là thoát ly khỏi pháp triền cái.
Để đoạn trừ năm triền cái, cách thông thường nhất là hành giả đắc sơ thiền, sử dụng năm thiền chi để loại bỏ năm pháp chướng ngại. Nhưng đó không phải là cách duy nhất!
Bài kinh Thế Gian trong Itivuttaka, tập kinh Phật Thuyết Như Vậy thuộc Tiểu Bộ Kinh, mô tả là năm triền cái có thể được tháo gỡ ngay cả trong lúc chúng ta đi thiền hành, nghĩa là đi tới đi lui với chánh niệm.
Thậm chí lúc lắng nghe Chánh Pháp cũng là lúc chúng ta tạm thời thoát khỏi năm triền cái (kinh Udāyin, phẩm Thất Giác Chi, Tương Ưng Bộ Kinh).
Rất nhiều trường hợp có các vị hữu duyên chứng đắc được đạo quả, mà các vị đó lại không hành thiền thường xuyên, chớ chưa nói là đắc thiền.
Đơn cử như một ông Bà la môn giàu có được ghi lại trong kinh Kūṭadanta Sutta thuộc Trường Bộ Kinh.
Công việc hằng ngày của ông ta rất bận rộn với những nghi lễ tế tự. Ông không có thời gian để hành thiền, nhưng sau đó vẫn đắc đạo nhờ vào thiện duyên được lắng nghe Pháp của Đức Thế Tôn.
Bài kinh Kuṭṭhi Sutta trong tập kinh Udāna thuộc Tiểu Bộ Kinh ghi lại một trường hợp đặc biệt.
Một hôm Đức Thế Tôn đang thuyết giảng cho một hội chúng đông đảo ở Chùa Kỳ Viên, trong đó có một người nghèo khổ lại bị bệnh phong. Ông ta đến gần hội chúng với hy vọng có thể xin được chút ít thức ăn.
Đức Thế Tôn quán xét thấy nhân duyên của người bị bệnh phong đã chín muồi. Ngài thuyết Pháp và người nghèo khổ đó đã chứng đắc sơ đạo ngay sau khi Đức Thế Tôn kết thúc bài Pháp.
Nơi đây tâm của chư vị hoàn toàn tịnh tín khi lắng nghe pháp mầu của Đức Thế Tôn. Mọi triền cái hoàn toàn tan biến, tuệ quán phát sanh lên và tâm thức của chư vị xuôi dần theo dòng thánh.
Nhiều vị thiền sư danh tiếng trong thời hiện đại đã lý giải là vào thời khắc đắc đạo, tâm của chư vị thánh giả thể nhập hoàn toàn vào cảnh giới Niết Bàn, do đó việc đắc thiền hiệp thế sẽ không còn cần thiết nữa.
Thành đạt sự giác ngộ và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi là mục tiêu tối hậu trong đạo Phật.
Có nhiều phương cách để tiếp cận mục tiêu nói trên.
Khả năng chứng đắc các tầng thiền là một trong những phương cách hữu hiệu.
Thiền na trong Phật giáo có hai hệ thống phổ biến là:
1. Thiền chỉ (samatha) hay còn gọi là thiền tịnh chỉ. Vị hành giả tu tập các đề mục thiền chỉ để chế ngự phiền não và chứng đắc các tầng thiền hiệp thế.
2. Thiền quán (vipassanā) hay còn gọi là thiền minh sát. Ở đây vị hành giả trực tiếp phát triển tuệ quán để đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết Bàn.
Tùy theo cơ tánh của mình, vị hành giả sẽ chọn một pháp hành thích hợp nhất.
Có nhiều bài kinh trong hệ thống kinh Tạng Pāli Nikāya mô tả có nhiều phương cách tiếp cận mục tiêu giải thoát.
Trong bài kinh Yuganaddha Sutta, thuộc chương bốn pháp Tăng Chi Bộ Kinh, Tôn giả Ānanda, vị thị giả của Đức Thế Tôn thuyết giảng cho các bạn đồng đạo về cách tiếp cận mục tiêu rất khác nhau.
Có vị hành giả tu tập thiền chỉ trước rồi tu tập thiền quán sau.
Có vị hành giả ngược lại tu tập thiền quán trước rồi mới tu tập thiền chỉ.
Lại nữa, có vị hành giả kết hợp cả hai phương pháp trên cùng một lúc.
Theo kinh nghiệm của vị Tôn giả đệ nhất hạnh đa văn, cả ba trường hợp nói trên đều dẫn đến sự thành tựu đạo quả và giải thoát. ↑ trở lên NHƯ LAI SỐNG PHÒNG HỘ THÂN
Sau lời giảng câu kệ ngôn thứ hai, Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng câu kệ ngôn tiếp theo:
3. Như Lai sống phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, biết tiết độ trong ẩm thực.
Như Lai dùng sự chân thật để nhổ bỏ đi loài cỏ dại, và thánh quả là sự giải thoát của Như Lai.
“Sống phòng hộ thân”: phòng hộ bằng ba pháp thuộc thân thiện nghiệp (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm).
“Phòng hộ lời nói”: phòng hộ bằng bốn pháp thuộc khẩu thiện nghiệp (không nói dối, không nói lời hung ác, không nói lời chia rẽ, không nói lời vô ích).
Ở đây sự phòng hộ về thân và phòng hộ về khẩu được hiểu là sự phòng hộ thông qua giới bổn Pāṭimokkha (Ba la đề mộc xoa).
“Biết tiết độ trong ẩm thực”: cả bốn món vật dụng được bao gồm trong tiêu đề vật thực.
Ý nghĩa ở đây là sự tiết độ, tự tiết chế việc thọ dụng bốn món vật dụng (y phục, thực phẩm, trú xứ và thuốc men).
Khi thọ dụng tứ sự, vị hành giả không có phiền não (tâm dính mắc). Đây chính là giới thanh tịnh liên quan đến thọ nhận vật dụng.
Đức Thế Tôn dạy lời kệ ngôn nầy có ý nghĩa gì? Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho Bà la môn Kasibhāradvāja như sau:
“Nầy Bà la môn, sau khi gieo hạt giống, ngươi cần phải dựng một hàng rào để bảo vệ hoa màu.
Hàng rào đó có thể là các nhánh cây hay bụi gai. Nhờ có hàng rào bảo vệ mà các loại gia súc, trâu bò, dê cừu không đi vào thửa ruộng mà phá hư hết hoa màu.
Cũng tương tự như vậy, sau khi gieo hạt giống đức tin, Như Lai đã cho dựng đến ba hàng rào bảo vệ, bao gồm phòng hộ thân, phòng hộ lời nói và ẩm thực tiết độ để bảo vệ hoa màu của Như Lai là các thiện pháp.
Nhờ vào ba hàng rào được dựng lên mà các gia súc tượng trưng cho các ác, bất thiện pháp không lẻn vào để phá hoại hoa màu là các thiện pháp được”.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Như Lai dùng sự chân thật để nhổ đi loài cỏ dại, và thánh quả là sự giải thoát của Như Lai”.
“Như Lai dùng sự chân thật để nhổ đi loài cỏ dại”: sự chân thật là sự không giả dối, biểu hiện qua thân nghiệp và khẩu nghiệp.
Nhổ đi loài cỏ dại là cắt, bỏ, hay nhổ bỏ loài cỏ dại.
Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho Bà la môn Kasibhāradvāja ý nghĩa như sau:
“Này Bà la môn, sau khi cày xới mảnh ruộng xong, ngươi sẽ dùng tay hoặc lưỡi hái để nhổ bỏ đi các loài cỏ dại có thể gây hại cho hoa màu.
Tương tự, sau khi cày xới trên mảnh ruộng tâm linh, Như Lai nhổ bỏ đi loài cỏ dại bằng sự chân thật, có nghĩa là từ bỏ đi lời nói giả dối có thể gây hại cho hoa màu là các thiện pháp”.
Một ý nghĩa khác, từ “chân thật” ở đây được hiểu là “tri kiến như thật”, có nghĩa là tri kiến về các pháp thật sự đúng với bản chất của chúng.
“Như Lai dùng sự chân thật để nhổ bỏ đi loài cỏ dại” có nghĩa là với tri kiến như thật, Đức Thế Tôn từ bỏ quan điểm sai lầm về tự ngã hay mọi quan điểm sai lầm khác.
Tiếp theo là dòng kệ ngôn: “Thánh quả là sự giải thoát của Như Lai”.
Thánh quả theo nguyên văn Pāli trong dòng kệ ngôn là “soracca”. Soracca có nghĩa là sự tinh tế. Sự tinh tế theo văn cảnh của câu kệ ngôn để chỉ cho thánh quả A La Hán.
Thánh quả A La Hán là sự tinh tế vì tâm của bậc thánh nhân hoan hỷ với đối tượng là Niết Bàn.
“Thánh quả là sự giải thoát”: Sự giải thoát (pamocanaṃ) có nghĩa là không còn phải cố gắng thêm nữa.
Ý nghĩa của dòng kệ ngôn là như thế nào?
Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho ông Bà la môn Kasibhāradvāja ý nghĩa như sau:
“Trong đời sống của chúng sanh không có sự dừng nghỉ vào buổi chiều, ngày mai hay là năm tới, bởi vì mọi người đều phải cố gắng. Việc nầy không còn áp dụng cho Như Lai nữa.
Như Lai đã từng nỗ lực, cố gắng xuyên suốt trong giai đoạn tu tập pháp Bồ Tát, từ thời đại của Đức Phật Tổ Nhiên Đăng (Dīpaṅkara Buddha).
Như Lai đã huân tập pháp tinh tấn và trí tuệ, hai pháp được ví như con vật kéo và cái cày, trong suốt thời gian bốn A Tăng Kỳ và 100.000 đại kiếp.
Qua quãng thời gian dài đăng đẳng, Như Lai đã thực hiện luống cày tâm linh siêu việt cho đến lúc thành đạt sự giác ngộ hoàn toàn.
Khi ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ đề, Như Lai đã thành đạt quả vị A La Hán cùng với các thắng trí cao thượng.
Khi hoàn thành mọi phận sự, Như Lai đã giải thoát và hôm nay không còn cần thiết phải cố gắng thêm nữa”.
Hay nói cho dễ hiểu hơn, Đức Thế Tôn đã đoạn trừ mọi phiền não và Ngài không còn cần phải gắng sức làm thêm điều gì nữa đối với các phiền não đó. ↑ trở lên SỰ TRỢ DUYÊN CỦA THIỀN TỊNH CHỈ CHO TIẾN TRÌNH TU TẬP TUỆ QUÁN
Thiền chỉ (tịnh chỉ) và thiền quán (tuệ quán) là hai phương pháp thiền có sự tương quan mật thiết.
Trong nhiều bài kinh văn Nikāya, Đức Thế Tôn chỉ dạy tu tập thiền chỉ giúp ích rất nhiều cho sự giác ngộ.
Năng lực sâu lắng của thiền định giúp cho hành giả làm chủ hoàn toàn tâm thức (bài kinh Điều Phục thuộc chương bảy pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh).
Năng lực thiền định không chỉ giúp hành giả loại trừ tạm thời các triền cái mà còn ngăn ngừa không cho các pháp chướng ngại đó dễ dàng phát sanh trở lại.
Khi xuất ra từ trạng thái sâu lắng của định, tâm của hành giả lúc ấy được mô tả là thuần tịnh, nhu nhuyến, và vững vàng.
Với nội tâm thanh tịnh như vậy, vị ấy dễ dàng hướng tâm đến các pháp để có thấy đúng bản chất sự vật, hay còn gọi là “tri kiến như thật”.
Rồi tri kiến như thật đó lại liên kết với nội tâm thanh tịnh.
Mặt thuận lợi của thiền chỉ không những là trợ duyên cho sự thực hành thiền quán mà năng lực của định còn tự động ngăn ngừa dục lạc phát sanh lên từ trần cảnh.
Như chúng ta đã biết định lực là sức mạnh khắc chế và loại trừ phiền não tham dục.
Bài kinh Cūḷadukkhakkhandha Sutta, bài kinh thứ 14 trong Trung Bộ Kinh, giải thích rõ là nếu hành giả chỉ có trí huệ thì không đủ để ngăn trừ dục lạc, mà phải cần đến sự trợ lực của thiền định.
Đức Bồ Tát Sĩ Đạt Ta trong giai đoạn nỗ lực tu tập để thành đạt giác ngộ đã vượt qua các chướng ngại phát sanh lên do dục lạc bằng cách tu tập thiền định.
Thiền định sâu lắng nâng cao mức độ ổn định và hợp nhất của tâm thức.
Năng lực của định càng mạnh sẽ giúp cho nội tâm của hành giả càng vững vàng trong giai đoạn vị ấy thực hành thiền quán ở cấp độ cao.
Nếu thiếu đi nội tâm tĩnh lặng và hợp nhất, vị hành giả có thể đánh mất việc quan sát sự vật một cách khách quan, rồi trở nên hoảng loạn bởi sợ hãi, lo lắng, và bất an.
Do đó, tu tập thiền chỉ chính là xây dựng một nội tâm vững vàng, linh hoạt, và tạo nên nền tảng cho việc tu tập thiền quán.
Thiền chỉ đóng vai trò hỗ trợ và tạo nên độ thăng bằng khi vị hành giả chuyển sang giai đoạn tu tập tuệ quán.
Lợi ích của việc hành thiền là không thể nghĩ bàn!
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói: “Thiền định là mạng mạch của Phật giáo”.
Khi giới Phật tử chúng ta tỏ ra lơ là trong việc hành thiền, đó là dấu hiệu cho thấy sự biến mất lần lần của Chánh Pháp.
Bài kinh Kính Trọng, chương bảy pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh, có ghi là những ai tôn kính Đức Thế Tôn và lời dạy của Ngài, người đó luôn kính trọng thiền định.
Tuy nhiên, Đức Thế Tôn có chỉ rõ cho chúng ta về những nhược điểm cố hữu của thiền định.
Việc chứng đắc thiền định sẽ trở nên một rào cản hay chướng ngại cho tiến trình giải thoát khi vị hành giả nẩy sinh tâm lý kiêu mạn, hay lại dính mắc vào việc chứng đắc.
Một khi đã ưa thích với hỷ lạc của thiền định, vị hành giả sẽ không còn tâm lý nhàm chán, ly tham đối với tất cả các pháp để tiếp tục hướng tới mục tiêu giải thoát sau cùng.
Như một người đi vào khu rừng để tầm cầu lõi cây, nhưng anh ta chỉ chặt lấy cành lá hay lột vỏ cây bên ngoài rồi tự mãn trở về nhà (bài kinh Tiểu Dụ Lõi Cây, bài thứ 30 trong Trung Bộ Kinh).
Như vậy, thiền định chỉ là phương tiện để đạt tới Niết Bàn, chớ bản thân việc ngồi thiền không phải là cứu cánh của đời sống phạm hạnh.
Thuốc bổ rất có ích cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách, hay dùng quá liều lượng sẽ trở nên “lợi bất cập hại”. ↑ trở lên
|