Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Hai (2)

  1. KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ MEDIN POYA DAY

↑ trở lên

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ MEDIN POYA DAY

Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ, Ngài giảng dạy Giáo Pháp để giúp chúng sanh có thể thành đạt sự giác ngộ.

Danh từ “BUDDHA” nghĩa là Đức Phật hay Đức Thế Tôn là từ đẹp nhất trong tất cả mọi ngôn ngữ ở thế gian.

Toàn thể nhân thiên tôn xưng Ngài là “VARADO”, bởi vì Đức Thế Tôn đã ban bố cho chúng sanh tình thương tinh khiết nhất, trí tuệ cao siêu nhất, và chân lý sâu xa nhất.

Đôi dòng nêu trên là lời dẫn nhập cho bài viết “Ý nghĩa ngày rằm tháng hai”.

Ngày rằm tháng hai hôm nay ở các nước Phật giáo Theravāda là một ngày lễ lớn, Đại Lễ Medin Poya Day.

Đại lễ Medin Poya Day là ngày lễ kỷ niệm chuyến hành trình của Đức Thế Tôn trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) lần đầu tiên sau khi Ngài thành đạo.

Thắm thoát thời gian trôi nhanh kể từ lúc Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhatta) rời bỏ hoàng cung đi xuất gia. Đức Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đêm ngày nhớ thương con vô cùng.

Một hôm nhận được tin mừng người con thân yêu đã đạt thành chánh quả và đang ngự ở ngôi vườn Trúc Lâm Tịnh Xá, nơi ngôi thành Vương Xá (Rājagaha), Đức Vua nhanh chóng phái một vị quan cận thần dẫn 1.000 quân lính đi đến thành Vương Xá thỉnh cầu Đức Thế Tôn hồi hương.

Phái đoàn đầu tiên trực chỉ đi về hướng ngôi vườn Trúc Lâm ở thành Vương Xá.

Họ diễm phúc được đảnh lễ Đức Thế Tôn và nghe Ngài thuyết giảng pháp thoại. Sau thời pháp, cả phái đoàn đều chứng đắc thánh quả A La Hán.

Các bậc thánh giả sau đó đều xin xuất gia, nhưng chư vị lại quên nhiệm vụ quan trọng là thỉnh cầu Đức Thế Tôn về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ.

Quá sốt ruột, Đức Vua Tịnh Phạn tiếp tục gởi phái đoàn thứ hai với đoàn tùy tùng đông đảo như lần trước, rồi phái đoàn thứ ba …. cho đến chín phái đoàn các vị sứ giả, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín.

Sau cùng, nhà vua truyền lệnh cho vị quan trung thần tên là Kāludāyi, cũng là người bạn thân thiết của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, lên đường đi sang kinh thành Vương Xá.

Kāludāyi phụng mệnh Đức Vua, nhưng xin được phép xuất gia với Đức Thế Tôn khi ông ta đến Tịnh Xá Trúc Lâm.

Giống như chín phái đoàn trước đây, Kāludāyi cũng được nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp, rồi chứng đắc thánh quả A La Hán và xin xuất gia với Đức Thế Tôn.

Nhưng khác với các vị sứ giả trước đây là người bạn thân của Thái Tử Sĩ Đạt Ta không quên sứ mạng của mình.

Nên người đệ tử Kāludāyi thiết tha khẩn cầu Đức Thế Tôn về thăm phụ vương ở quê nhà nay đã rất già yếu.

Đức Thế Tôn lúc đó nhận thấy mọi việc đã thuận duyên cho chuyến hành trình về thăm lại quê hương.

Tháp tùng theo Đức Thế Tôn có rất đông đảo các vị đệ tử. Có cả thảy 20.000 vị thánh nhân A La Hán cùng đi theo Ngài.



Phái đoàn chia ra từng chặng đường để đi. Đi đến đâu Đức Thế Tôn đều thuyết pháp đến cho những cư dân quanh vùng. Chuyến hồi hương lịch sử kéo dài gần hai tháng.

Mọi việc ở quê nhà đã được chuẩn bị để Đức Thế Tôn cùng với Tăng đoàn ngự tại huê viên Nigrodhārāma của hoàng tộc Sakya.

Khi Đức Thế Tôn về đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Đức Vua Tịnh Phạn và các vị hoàng thân, quốc thích cao niên không ai chịu đến đảnh lễ Ngài, vì mọi người đều có suy nghĩ là Đức Thế Tôn thua kém họ nhiều về địa vị và tuổi tác.

Hiểu được suy nghĩ đó và để khắc phục tâm kiêu mạn của dòng họ Thích Ca (Sakya), Đức Thế Tôn đã bay lên không trung rồi thể hiện phép thần thông hiếm có, phép song thông, Yamaka Paṭihāra.

Duy chỉ có một vị Phật Toàn Giác mới thể hiện được phép thần thông nầy, cùng một lúc nước và lửa thoát ra từ nơi thân Ngài.

Thấy được thần thông quảng đại của người con cao quý, Đức Vua Tịnh Phạn đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và nói rằng đây là lần thứ ba trong đời vua cha đảnh lễ người con yêu quý.
Các vị hoàng thân còn lại đều noi theo gương Đức Vua Tịnh Phạn. Họ bèn tỏ lòng tôn kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc hiền triết của dòng Thích Ca.

Đức Thế Tôn đáp xuống dưới đất và an vị trên một chỗ ngồi đã chuẩn bị sẵn.

Nhân sự kiện hy hữu trên, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về bổn sanh kinh Vessantara Jātaka, câu chuyện tiền thân nhắc lại sự kiện tương tợ đã xảy ra trong kiếp sống quá khứ.
Một lần nọ, Đức Bồ Tát đã từng thuyết pháp cho thân bằng quyến thuộc trong trường hợp tương tợ.

Toàn thể hội chúng trong thành Ca Tỳ La Vệ đều vô cùng hoan hỷ tịnh tín với bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn. Sau đó, hoàng tộc cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng với Tăng đoàn về ngự nơi huê viên Nigrodhārāma.

Khi ra về, không một ai trong hoàng gia nhớ đến việc cung thỉnh Đức Thế Tôn và Chư Tăng cúng dường trai phạn ngày hôm sau.

Chính Đức Vua Tịnh Phạn còn suy nghĩ là nếu con của ta không về lại hoàng cung thọ thực thì còn đi đâu, nên nhà vua chỉ truyền lệnh chuẩn bị thực phẩm thượng vị cho buổi lễ cúng dường vào ngày mai.

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn quán xét nhân duyên, Ngài thấy rõ Chư Phật trong quá khứ khi về thăm thân bằng quyến thuộc, các Ngài vẫn đi trì bình khất thực như thường lệ.

Vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn dẫn đầu đoàn Chư Tăng đi trì bình khất thực trên các đường phố ở kinh thành Ca Tỳ La Vệ.

Khi nghe công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) báo tin nầy, Đức Vua Tịnh Phạn rất đỗi buồn tủi. Nhà vua chạy ngay ra ngoài đường, đến nắm lấy tay Đức Thế Tôn rồi nói:

_ Ôi, Thái Tử con! Sao con lại gây tổn thương cho cha như vậy. Cha rất xót xa khi thấy con đi ăn xin trên những con đường mà trước đây con chỉ đi bằng chiếc kiệu vàng. Tại sao vậy con?



_ Thưa Phụ Vương, Như Lai không hề gây tổn thương cho Phụ Vương. Như Lai chỉ hành trì theo truyền thống của ba đời Chư Phật. Truyền thống của Chư Phật là nuôi sống bằng việc đi trì bình khất thực.

Nói đến đây, Đức Thế Tôn đọc lên câu kệ ngôn:

“Hãy giữ tâm niệm khi đứng trì bình khất thực trước nhà người tín thí.
Hãy sống theo Chánh Pháp. Người sống theo Chánh Pháp sẽ hạnh phúc ở đời nầy và đời sau”,
(Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 168).

Nghe vừa dứt câu kệ ngôn, Đức Vua Tịnh Phạn chứng đắc ngay quả vị thánh nhân Nhập Lưu.

Giờ đây, vị quân vương thánh nhân hân hoan đến gần rước bát của Đức Thế Tôn và cung thỉnh Ngài cùng Chư Tăng về nơi hoàng cung thọ thực.

Sau buổi thọ thực, Đức Thế Tôn thuyết giảng bài pháp thoại ngắn cho hội chúng với câu kệ ngôn:

“Hãy sống đời chánh hạnh. Không nên dể duôi phóng dật.
Người trang nghiêm giữ chánh hạnh sẽ sống an vui hạnh phúc, trong thế gian này và thế gian sắp đến”,
(Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 169).

Sau khi nghe câu kệ ngôn, Đức Vua Tịnh Phạn thể nhập vào quả vị thánh nhân Nhất Lai, còn Hoàng Hậu Mahāpajāpati Gotamī chứng đắc thánh quả Nhập Lưu.

Trong thời gian Đức Thế Tôn lưu lại ở huê viên Nigrodhārama, Đức Vua Tịnh Phạn thường lui tới thăm viếng Đức Thế Tôn và Tăng đoàn.

Một buổi nọ, vua cha kể cho Đức Thế Tôn nghe trong thời gian Ngài tu tập khổ hạnh, các vị Chư Thiên hiện ra báo tin Thái Tử Sĩ Đạt Ta không chịu nổi nếp sống khổ hạnh khắt nghiệt nên đã qua đời.

Nhưng nhất quyết không tin, Đức Vua có niềm tin sắt đá vào sự thành tựu viên mãn của người con ưu tú. Nghe đến đây, Đức Thế Tôn liền kể cho phụ vương bổn sanh kinh Mahā Dhammapāla Jātaka.

Câu chuyện bổn sanh kể lại diễn biến tương tự trong kiếp sống quá khứ, Đức Vua Tịnh Phạn đã từng không tin vào lời đồn đoán là con của mình phải chết sớm.

Nghe xong câu chuyện bổn sanh Mahā Dhammapāla Jātaka, Đức Vua Tịnh Phạn chứng đắc quả vị thánh nhân Bất Lai, tầng thứ ba trong bốn tầng thánh cao quý.

Sau thời gian lưu lại ở Ca Tỳ La Vệ thích hợp, Đức Thế Tôn cùng với Tăng đoàn du phương trở về ngôi tịnh xá Mahāvana ở thành phố Vesāli.

Ngay sau đó, sức khỏe của Đức Vua Tịnh Phạn ngày càng yếu dần và Ngài lâm trọng bệnh.

Khi hay được tin từ quê nhà, Đức Thế Tôn cùng với chư vị đệ tử nhanh chóng quay trở lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ để chăm sóc cho phụ vương.

Khi ấy Đức Vua nằm trên giường bệnh, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng pháp thoại và trợ duyên cho thân phụ chứng đắc thánh quả A La Hán, quả vị thánh nhân cao quý bậc nhất.

Đức Vua thọ hưởng hạnh phúc Niết Bàn hữu dư trong thời gian bảy ngày. Sau đó Ngài đã viên tịch Niết Bàn, khi ấy Đức Thế Tôn được đúng 40 tuổi.

Chính Đức Thế Tôn sau đó đã tự tay mình tắm rửa cho vua cha lần cuối.

Buổi tang lễ sau đó diễn ra thật xúc động. Bậc Thầy của nhân thiên đã đứng suốt đêm bên linh cữu của phụ vương. Đến giờ động quan, chính Ngài đã cùng với các vị đệ tử ghé vai khiêng thánh thể của phụ vương đến nơi làm lễ trà tỳ. Và Đức Thế Tôn đã châm ngọn lửa trà tỳ bắt đầu cho buổi lễ hỏa táng thánh thể.

Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ, là đấng chí tôn trong toàn thế giới nhân thiên, là một bậc thầy với nhân cách cao quý, mà muôn đời sau luôn cúi đầu kính phục.

Năm 2023 có tháng hai nhuần.

Facebook Pháp Bảo Tự sẽ chuẩn bị bài viết vào rằm tháng hai tới câu chuyện Đức Thế Tôn tiếp tục dẫn dắt các vị hoàng thân Sakya còn lại vào con đường giải thoát.

“Giúp đỡ thân bằng quyến thuộc là một trong những điều hạnh phúc cao thượng”,
(Kinh Hạnh Phúc).



Phả hệ Đức Phật



Khu hoằng pháp Đức Phật (Đông Bắc Ấn)


Cuộc đời Đức Phật
(Youtube phim nhiều tập)


Cuộc đời Đức Phật
(Youtube phim hoạt hình)



↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Kinh Subhāsita
  • Lộ trình Tâm Thức
  • Kinh Rāhula
  • Kinh Kāma
  • Kinh Phẩm Tám
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com