Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Bāhiya

  1. SỰ CHÚ TÂM ĐƠN THUẦN

↑ trở lên

SỰ CHÚ TÂM ĐƠN THUẦN

Bài học cuối năm Nhâm Dần của lớp học Pháp Bảo Tự sẽ là nội dung bài kinh Bāhiya Sutta trong tập kinh Udāna, thuộc Tiểu Bộ Kinh.




Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá gần thành Sāvatthī.
Khi ấy, đạo sĩ Bāhiya mặc y phục làm bằng vỏ cây sống tại bờ biển Suppāraka.
Đạo sĩ Bāhiya được người dân trong vùng rất tôn vinh, kính trọng và ngưỡng mộ.
Họ cúng dường vị đạo sĩ lấy vỏ cây làm y phục rất nhiều thức ăn, y phục, chỗ ở và thuốc men.
Một buổi chiều sau giờ thiền định, một ý nghĩ khởi lên trong tâm của đạo sĩ Bāhiya: “Ta có phải là một trong các bậc thánh nhân A La Hán? Hay là ta đang đi trên con đường dẫn đến quả vị A La Hán?”
Ngay lúc đó, một vị Phạm Thiên trong tiền kiếp cùng tu tập chung với Bāhiya vào thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật KASSAPA biết được suy nghĩ của vị đạo sĩ.
Vị Phạm Thiên khởi lên tâm bi mẫn, mong muốn cho bạn mình được lợi ích nên đi đến gần đạo sĩ Bāhiya rồi nói:
_ Nầy Bāhiya, đạo sĩ không phải là thánh nhân A La Hán, cũng không đi trên con đường đến quả vị A La Hán. Ông không thực hành theo pháp để trở thành thánh nhân, cũng không đi trên đạo lộ thánh nhân.
Rất ngạc nhiên, đạo sĩ Bāhiya hỏi vị Phạm Thiên:
_ Vậy trong thế giới nhân thiên nầy, ai là bậc thánh nhân A La Hán? Ai đang đi trên con đường đến quả vị A La Hán?
_ Cách xa nơi đây, có một Bậc Đạo Sư đang ngự ở thị trấn Sāvatthī. Ngài là bậc A La Hán, đấng Chánh Biến Tri. Vị ấy thực sự là bậc thánh nhân A La Hán, Ngài giảng dạy Giáo Pháp để giúp chúng sanh thành đạt quả vị A La Hán.
Lời thông báo của vị Phạm Thiên gây tác động mạnh mẽ đến Bāhiya, đạo sĩ ngay trong đêm đó lên đường trực chỉ đi về phía thành Sāvatthī.
Vị ấy đi suốt đêm từ bờ biển Suppāraka đến thành Sāvatthī với đoạn đường dài 120 do tuần (yojanas), một khoảng cách rất là xa. Bản chú giải nói rõ là Bāhiya được sự hỗ trợ thần lực từ vị Phạm Thiên, bạn của đạo sĩ.
Vào buổi sáng hôm sau, Bāhiya đã đi đến Chùa Kỳ Viên. Khi đó các vị Tỳ Kheo còn đi kinh hành ngoài trời.
Đạo sĩ Bāhiya với y phục làm bằng vỏ cây đi đến gần các vị Tỳ Kheo hỏi thăm:
_ Thưa chư tôn đức, Đức Thế Tôn đang ở đâu? Tôi muốn được gặp Đức Thế Tôn.
Các vị Tỳ Kheo đáp lời:
_ Đức Thế Tôn đang trì bình khất thực trong thành Sāvatthī.
Bāhiya vội vã rời khỏi Chùa Kỳ Viên. Đi vào thành Sāvatthī, đạo sĩ nhìn thấy Đức Thế Tôn đang đi khất thực với các căn được nhiếp phục, rất thuần tịnh, với hảo tướng của một bậc đại nhân.
Đạo sĩ đi ngay đến Đức Thế Tôn, quỳ mọp dưới bàn chân của Ngài, và nói:
_ Hãy giảng dạy Giáo Pháp cho con, bạch Đức Thế Tôn. Hãy giảng dạy Giáo Pháp cho con, thưa Đức Thiện Thệ. Điều đó sẽ là lợi ích và hạnh phúc lâu dài cho con.
Đức Thế Tôn nói với đạo sĩ Bāhiya:
_ Nầy Bāhiya, lúc nầy không phải là lúc thuyết giảng, Như Lai đang trì bình khất thực.
Lần thứ hai, đạo sĩ Bāhiya bạch với Đức Thế Tôn:
_ Bạch Đức Thế Tôn, thật khó mà biết được thọ mạng của Đức Thế Tôn. Con cũng không biết con còn sống được bao lâu.
Hãy giảng dạy Giáo Pháp cho con, bạch Đức Thế Tôn. Hãy giảng dạy Giáo Pháp cho con, thưa Đức Thiện Thệ. Điều đó sẽ là lợi ích và hạnh phúc lâu dài cho con.
Lần thứ hai, Đức Thế Tôn nói với đạo sĩ:
_ Nầy Bāhiya, lúc nầy không phải là lúc thuyết giảng, Như Lai đang trì bình khất thực.
Lần thứ ba, đạo sĩ Bāhiya lập lại lời khẩn cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp.
Đến đây, Đức Thế Tôn mới nói với đạo sĩ Bāhiya:
_ Nầy Bāhiya, hãy tự thực hành như sau: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong điều cảm nhận chỉ là điều cảm nhận; trong sự nhận thức chỉ là sự nhận thức”. Nầy Bāhiya, hãy tự thực hành theo như vậy.
Khi thực hành trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong điều cảm nhận chỉ là điều cảm nhận; trong sự nhận thức chỉ là sự nhận thức, Bāhiya sẽ không là điều đó.
Không là điều đó, Bāhiya sẽ không ở trong đó. Không ở trong đó, Bāhiya sẽ không ở bên nầy, sẽ không ở bên kia, sẽ không ở nơi khoảng giữa. Như vậy là sự chấm dứt khổ đau.



Với lời giảng dạy Giáo Pháp vắn tắt của Đức Thế Tôn, tâm của đạo sĩ Bāhiya ngay tức khắc giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.
Sau khi ban lời giáo giới vắn tắt, Đức Thế Tôn đã đi khỏi nơi đó.
Ngay khi Đức Thế Tôn vừa rời khỏi, một con bò to lớn đã húc phải Tôn giả Bāhiya và giết chết Ngài.
Khi Đức Thế Tôn trên đường trở về Chùa Kỳ Viên với số đông các vị Tỳ Kheo, Ngài nhìn thấy vị thánh nhân đệ tử đã từ trần.
Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ Kheo:
_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, hãy mang nhục thân của Bāhiya đi làm lễ hỏa táng, và xây dựng một ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi. Một bậc đồng phạm hạnh của các thầy đã viên tịch.
Các vị Tỳ Kheo đáp lời Đức Thế Tôn: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!”.
Các vị Tỳ Kheo làm theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Họ mang nhục thân của Tôn giả Bāhiya đi làm lễ hỏa táng, và xây dựng một ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi.
Sau khi hoàn tất mọi việc, các vị Tỳ Kheo đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các vị Tỳ Kheo thưa với Đức Thầy:
_ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã làm lễ hỏa táng cho Tôn giả Bāhiya và đã lập một bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi. Thưa Đức Thế Tôn, hành trình tiếp theo của vị ấy như thế nào, kiếp sống tái sanh sẽ ra sao?
Đức Thế Tôn nói:
_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, Bāhiya là một bậc hiền trí. Vị ấy thực hành đúng theo Pháp và không làm phiền Như Lai với lời chất vấn về Pháp. Bāhiya đã viên tịch Niết Bàn.
Nói đến đây, Đức Thế Tôn đọc lên lời kệ cảm hứng ngữ như sau:
“Không ở trong nước, không ở trong đất, không ở trong lửa, không nơi nào trong hư không có thể tìm được một điểm tựa.
Không có ánh sáng của vì sao, hay của vầng thái dương; không có ánh sáng của mặt trăng, cũng không có nơi cho bóng tối ngự trị.
Khi một bậc hiền trí, vị bà la môn, đã tự thông suốt với trí huệ, khi đó vị ấy giải thoát khỏi sắc và vô sắc, giải thoát khỏi lạc thọ và khổ thọ”.




Sự liễu ngộ chân lý của Tôn giả Bāhiya là một trường hợp rất đặc biệt trong chư vị đại đệ tử. Năng lực để đạt tới giác ngộ của Tôn giả đã đạt tới mức thuần thục, kết hợp với lời dạy thâm sâu của Đức Thế Tôn.
Về sau, Đức Thế Tôn có lời tán dương Tôn giả Bāhiya là vị Sa môn hiểu được pháp nhanh nhất trong chư vị đại đệ tử (etadaggaṃ khippābhiññānaṃ).
Lời chỉ dẫn súc tích hướng dẫn đạo sĩ Bāhiya thực hành sự chú tâm đơn thuần (niệm hay sati) đến điều được thấy, được nghe, được cảm nhận và được nhận thức.
Niệm hay sati ở đây giúp cho vị hành giả không bị tác động bởi các cảnh phát sanh lên nơi các căn.
Vị ấy chỉ có mỗi một việc duy nhất là ghi nhận những gì phát khởi lên trong dòng chảy của tâm thức, mà ở đó không có xen vào các thành kiến, cảm nhận chủ quan, điều thích hay là không thích v.v….
Theo tâm lý học Phật giáo, hoạt động của tâm thức chính là diễn biến có điều kiện của các thành phần danh pháp và sắc pháp.
Có sự khác biệt rất lớn trong nhận thức các pháp giữa các bậc thánh nhân và người phàm chúng ta.
Các bậc thánh giả không tự đồng hóa với mọi hoạt động, dầu các Ngài vẫn sống bình thường ở thế gian như tất cả mọi người.
Trong các hoạt động thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức của bậc thánh nhân A La Hán hoàn toàn không có sự tham gia của phiền não tham ái và sân hận.
Theo bài kinh Alagaddūpama Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 22, các hoạt động thấy, nghe, cảm nhận và nhận thức đều dẫn đến ý niệm sai lầm về tự ngã.
Theo cách cảm nhận thông thường, khi chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm, hay khi chúng ta nhận biết những đối tượng qua tâm ý, ngay tức khắc, cảm nhận sai lầm về cái tôi và của tôi sẽ xuất hiện.
Tôi đang thấy, tôi đang nghe. Rồi chúng ta lại thêm vào chi tiết như tôi đang hành thiền, tôi là một thiền sinh giỏi v.v….
Thật ra, khi làm như vậy, chúng ta đang xây dựng một lâu đài tự ngã trên cơ sở là một tổ hợp danh pháp và sắc pháp, bao gồm những điều kiện không ngừng sanh diệt trong từng sát na tâm.
Chúng ta đọc lại lời giáo giới của Đức Thế Tôn dành cho Tôn giả Bāhiya:
“Trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong điều cảm nhận chỉ là điều cảm nhận; trong sự nhận thức chỉ là sự nhận thức”.
Đây là sự thực hành phát huy vai trò của niệm hay sati ở ngưỡng cửa của các giác quan.
Chức năng rõ ràng của niệm hay sati là ngăn chận các phiền não ngủ ngầm (anusaya), các lậu hoặc (āsava) và các kiết sử (saṃyojana) phát sanh lên trong hoạt động của tâm thức.
Khi thực hành được như vậy, kết quả sẽ là:
“Khi thực hành trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong điều cảm nhận chỉ là điều cảm nhận; trong sự nhận thức chỉ là sự nhận thức, Bāhiya sẽ không là điều đó”.
Chính niệm hay sati giữ cho vị hành giả không bị cuốn theo chuỗi có điều kiện của dòng tâm thức.
Vị ấy sẽ không còn đánh giá các trải nghiệm cá nhân thông qua lăng kính của thành kiến và vọng tưởng.
Diễn biến tiếp theo là:
“Khi Bāhiya không là điều đó, ông sẽ không ở trong đó”.
Không bị lôi cuốn theo dòng chảy tâm thức, vị hành giả sẽ “không ở trong đó”, bằng việc tham gia mang tính chủ quan và tự đồng hóa vào chuỗi sự kiện.
Việc “không ở trong đó” là ý nghĩa trọng tâm trong lời giáo giới của Đức Thế Tôn dành cho Tôn giả Bāhiya. Đó là giác ngộ về pháp vô ngã (anattā), sự vắng mặt của quan niệm sai lầm về tự ngã.
Và đoạn cuối của lời giáo giới đặc biệt:
“Khi Bāhiya không ở trong đó, ông sẽ không ở bên nầy, sẽ không ở bên kia, sẽ không ở khoảng giữa. Như vậy là sự chấm dứt khổ đau”.
Khi không còn ở trong đó, vị hành giả sẽ không ở bên nầy, sẽ không ở bên kia, sẽ không ở khoảng giữa. Ý nghĩa là như thế nào?
Bên nầy và bên kia để chỉ cho sáu nội căn và sáu ngoại cảnh tương ứng.
Ở khoảng giữa là sự phát sanh có điều kiện của tâm thức.
Trong lời giáo giới cho đạo sĩ Bāhiya, Đức Thế Tôn đã chỉ rõ sự thực hành giúp cho hành giả chế ngự phiền não tham ái phát sanh lên khi cả ba điều kiện là căn, cảnh, tâm thức kết hợp lại với nhau.
Từ đó sẽ không có sự xuất hiện tiếp nối của các vọng tưởng.
Chính sự vắng mặt các vọng tưởng là điểm đặc trưng trong tâm thức của chư vị thánh nhân A La Hán.
Chư vị thánh giả không còn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan, cũng không nhận thức các pháp với nhãn quan hữu ngã.
Thoát ly khỏi tham ái và vọng tưởng, chư vị không tự đồng hóa với ở bên nầy là các căn.
Ở bên kia là các cảnh tương ứng.
Và ở khoảng giữa là tâm thức.
Thoát ly khỏi mọi sanh hữu, dầu là ở bên nầy, ở bên kia, hay ở khoảng giữa, vị hành giả thành đạt hạnh phúc giải thoát tuyệt đối.
Như vậy là sự chấm dứt khổ đau.
Nhân dịp đầu năm mới 2023, xin gởi tặng đến các học viên trong lớp học Pháp Bảo Tự bài kệ thiền:
“Ái hà thiên xích lãng;
Khổ hải vạn trùng ba;
Dục thoát luân hồi khổ;
Tảo cấp niệm sa na.”
Nghĩa là:
Con sông ái rộng muôn ngàn thước;
Biển khổ chập chùng phong ba bão tố;
Muốn thoát luân hồi khổ,
Chúng ta hãy nhớ niệm thiền sa na, nghĩa là thiền vipassana, thiền minh sát.

Kính chúc đến tất cả luôn sống an lành và hạnh phúc (sabbe sattā bhavantu sukhitattā).

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Kinh Subhāsita
  • Lộ trình Tâm Thức
  • Kinh Rāhula
  • Kinh Kāma
  • Kinh Phẩm Tám
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com