Kinh Dhammika- KINH DHAMMIKA SUTTA
- Ý NGHĨA KINH DHAMMIKA SUTTA
↑ trở lên KINH DHAMMIKA SUTTA
Như vầy tôi nghe.
Một thời Đức Thế Tôn ngự ở thành Sāvatthi, nơi Tịnh Xá Kỳ Viên, ngôi vườn của ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika). Khi ấy, thiện nam Dhammika cùng với năm trăm vị thiện nam đến gần Đức Thế Tôn. Sau khi đến, họ đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, thiện nam Dhammika bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ ngôn như sau:
376. Bạch Đức Thế Tôn, con xin hỏi Ngài, bậc có trí tuệ vô lượng;
Một người đệ tử tốt đẹp, dầu là xuất gia hay tại gia, phải thực hành pháp như thế nào?
377. Đức Thế Tôn luôn biết rõ sự vận hành và điểm đến của thế giới nầy cùng với thế giới của Chư Thiên.
Không ai có thể so sánh được với Đức Thế Tôn, bậc đã chỉ bày ý nghĩa thâm sâu. Mọi người đều tôn vinh Ngài là một vị Phật vô thượng.
378. Sau khi thành đạt trí tuệ siêu việt, Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp, vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh.
Màn vô minh đã phá tan. Đức Thế Tôn là ánh sáng của thế gian; Ngài là bậc vô nhiễm, chiếu sáng khắp cả thế gian.
379. Long vương Erāvaṇa đã đến bên Đức Thế Tôn, khi Long vương biết được Ngài là “Bậc Chiến Thắng”.
Sau khi tiếp kiến với Đức Thế Tôn, Long vương ra về và nói “Ôi, thật là tuyệt diệu!”, Long vương rất hoan hỷ khi được nghe lời dạy của Ngài.
380. Vua Vessavaṇa Kuvera cũng đến bên Đức Thế Tôn và hỏi Ngài về Giáo Pháp.
Khi được nghe Đức Thế Tôn, bậc hiền trí thuyết giảng, Vua Kuvera vô cùng hoan hỷ.
381. Đồ chúng của các ngoại đạo sư khác, như Ājīvakas hay là Nigaṇṭhas, khi đến tranh luận với Đức Thế Tôn, họ đều thất bại trước trí tuệ của Ngài; cũng như một người đang đứng làm sao có thể vượt qua được một người đang đi nhanh.
382. Các vị Bà la môn, cùng các vị cao niên Bà la môn, cũng như những ai tự cho mình là người tranh luận, tất cả đều tùy thuộc nơi Đức Thế Tôn để hiểu biết được ý nghĩa.
383. Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã khéo thuyết giảng Giáo Pháp thậm thâm và vi diệu.
Tất cả đều mong muốn được nghe Giáo Pháp. Bạch Thế Tôn vô thượng, Ngài hãy giảng dạy Giáo Pháp cho chúng con.
384. Tất cả chư vị Tỳ Kheo đang ngồi nơi đây cùng các vị cư sĩ đều mong mỏi được nghe pháp.
Hãy để cho họ nghe Giáo Pháp được giác ngộ bởi bậc vô nhiễm; cũng như các vị Chư Thiên mong muốn được nghe những lời khéo nói của Vāsava.
385. Nầy các vị Tỳ Kheo, hãy lắng nghe. Như Lai sẽ giảng dạy cho chư vị Giáo Pháp thanh tịnh; chư vị hãy ghi nhớ lời dạy trong tâm.
Một người biết suy nghĩ, thấy rõ được điều lợi ích, hãy thực hành oai nghi đúng pháp của một vị Tỳ Kheo.
386. Một vị Tỳ Kheo sẽ không đi hóa duyên vào thời gian không thích hợp, nhưng vào thời điểm thích hợp vị ấy sẽ đi vào xóm làng để trì bình khất thực.
Bởi vì sợi dây trói buộc sẽ buộc chặt những ai đi lại không thích hợp; do đó, Chư Phật không du hành vào thời điểm không thích hợp.
387. Hình sắc và âm thanh, hương thơm và vị ngon, sự xúc chạm êm ái luôn làm cho chúng sanh điên đảo.
Sau khi từ bỏ lòng tham ái đối với các cảnh dục đó, vào buổi sáng thích hợp vị ấy sẽ đi
hóa duyên.
388. Khi thọ thực xong, một mình trở về trú xứ, vị ấy ngồi xuống thiền định.
Quán chiếu nội tâm, vị ấy không để tâm suy nghĩ lan man, mà biết điều tâm bằng cách kiểm soát tâm chặt chẽ.
389. Nếu có nói chuyện với người đệ tử, hay bất cứ với ai, hay nói với vị Tỳ Kheo khác, vị ấy hãy nên nói về Giáo Pháp vi diệu; chớ không nên nói xấu ai, hay phê bình ai.
390. Đối với những ai ưa thích tranh luận, sẽ không có sự khen ngợi những người với trí tuệ yếu ớt như vậy.
Sợi dây trói buộc sẽ buộc chặt họ ở nơi nầy hay ở nơi kia, bởi vì những người đó làm cho tâm của họ càng ngày càng rời xa (Chánh Pháp).
391. Thức ăn, chỗ ở với giường nằm, tọa cụ, và nước để giặt rửa y phục.
Sau khi nghe Giáo Pháp được Đức Thế Tôn thuyết giảng, người đệ tử của bậc trí tuệ siêu việt sử dụng các vật dụng một cách khéo léo.
392. Đối với thức ăn, chỗ ở, và nước để giặt rửa y phục, vị Tỳ Kheo không dính mắc
vào các vật dụng đó, giống như giọt nước rơi trên lá sen.
393. Bây giờ, Như Lai sẽ giảng cho chư vị nghe về bổn phận của người tại gia cư sĩ, người ấy phải thực hành thế nào để trở thành một người đệ tử tốt đẹp.
Các bổn phận của một vị Tỳ Kheo, được nhắc đến ở trên, rất khó cho người sống đời gia đình có thể thực hiện được.
394. Khi đã từ bỏ gậy gộc đối với tất cả chúng sanh, dầu là chúng sanh mạnh mẽ hay yếu đuối, vị ấy không giết hại hay sai bảo kẻ khác giết hại, cũng không cho phép người khác giết hại.
395. Kế đến, người đệ tử không được chủ ý lấy bất cứ vật gì không được cho, dầu ở bất cứ nơi đâu.
Không chủ mưu trộm cắp hay đồng thuận với việc trộm cắp; vị ấy phải tuyệt đối tránh xa việc lấy của không cho.
396. Bậc trí phải tránh xa tà hạnh, giống như một người tránh xa một hố than đang cháy đỏ.
Dầu không thể sống đời phạm hạnh, vị ấy cũng không được đi lại với vợ của người khác.
397. Khi đi vào nơi hội chúng hay chỗ đông người, không được nói xấu bất cứ ai.
Không làm cho người khác phải nói dối hay lại chấp nhận lời nói không thật. Vị ấy phải tuyệt đối tránh xa lời nói không thật.
398. Người cư sĩ tại gia thuần thành không được phép uống rượu và các chất say.
Không khuyến khích việc uống rượu hay tán thành việc say sưa, vị ấy hiểu biết được chất say sẽ dẫn đến điên loạn.
399. Chính vì chất say mà kẻ thiểu trí mới làm điều ác, và họ tạo điều kiện cho những người dễ duôi khác cũng hành động tương tợ.
Vị ấy phải từ bỏ điều gây nên tổn hại phước đức đó, sự hoan hỷ với kẻ thiểu trí, rồi tạo nên điên loạn và vô minh.
400. Vị ấy không nên giết hại chúng sanh hay lấy của không cho; không nói dối hay là uống các chất say.
Vị ấy nên tránh xa sự tà hạnh trong các dục; không ăn vào ban đêm và ăn phi thời.
401. Vị ấy không nên đeo tràng hoa hay sử dụng mỹ phẩm; không nằm hay ngồi nơi giường hay tọa cụ xa hoa.
Đây là sự thọ trì trai giới với tám điều học được Đức Thế Tôn, bậc chấm dứt khổ đau, thuyết giảng.
402. An trú nơi đức tin, vị ấy thực hành trai giới với đầy đủ tám chi phần vào ngày mười bốn, ngày mười lăm, ngày thứ tám trong nữa tháng, và trong những dịp đặc biệt khác.
403. Vào buổi sáng sớm, bậc trí sau khi đã thọ trì giới bát quan trai, hoan hỷ với tín tâm cúng dường thức ăn, nước uống đến Chư Tỳ Kheo Tăng một cách đúng pháp.
404. Vị ấy chân chánh phụng dưỡng cha mẹ, lại có nghề nghiệp chánh mạng.
Một người tại gia cư sĩ thuần thành như vậy, thực hành pháp như vậy, vị ấy sẽ đạt đến cảnh giới của các vị Chư Thiên với hào quang chói sáng. ↑ trở lên Ý NGHĨA KINH DHAMMIKA SUTTA
GIỚI THIỆU BÀI KINH
Kinh Dhammika Sutta nằm ở chương thứ hai trong Kinh Tập, chương Tiểu Phẩm (Cūḷavagga).
Là bài kinh thứ 26 trong tổng số 72 bài kinh thuộc Kinh Tập (Sutta Nipāta), Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).
Ở phần duyên khởi của bài kinh, một vị thiện nam có tên là Dhammika nêu lên một câu hỏi.
Vị thiện nam Dhammika (the lay follower Dhammika) là một trong đệ tử tại gia xuất sắc của Đức Thế Tôn.
Vị nầy là bậc thánh Bất Lai (a non-returner), giới hạnh trong sạch, làu thông Tam Tạng kinh điển, và lại sở hữu các năng lực thần thông.
Bậc thánh nhân nầy có đồ chúng gồm 500 người cư sĩ cùng tu tập dưới sự hướng dẫn của vị ấy.
Ở đoạn mở đầu của bài kinh, thiện nam Dhammika hỏi Đức Thế Tôn về bổn phận tu tập của giới đệ tử xuất gia và giới đệ tử tại gia của Đức Thế Tôn.
Câu trả lời của Đức Thế Tôn được chia làm hai phần: pháp hành của một vị Tỳ Kheo và pháp hành của người cư sĩ.
Trong pháp hành của người tu sĩ, Đức Thế Tôn nói về các oai nghi tế hạnh như cách vận y phục, đi khất thực, cách nói năng hòa nhã, thọ dụng tứ sự đúng pháp.
Phần thứ hai, Đức Thế Tôn nói về bổn phận của người tại gia cư sĩ.
Người sống tại gia thọ trì ngũ giới, làm các công đức phước thiện, phụng dưỡng cha mẹ, thọ trì bát quan trai giới v.v…
Có thể nói nội dung của Kinh Dhammika Sutta nêu lên mối hỗ tương mật thiết giữa chúng đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Đức Thế Tôn.
Ý NGHĨA CỦA BÀI KINH DHAMMIKA SUTTA
Bố cục của bài kinh gồm có các câu văn xuôi ở phần duyên khởi và các câu văn vần (kệ ngôn) ở phần còn lại của bài kinh.
Nơi phần duyên khởi, Kinh Dhammika Sutta nói đến một vị thiện nam có tên là Dhammika, Chánh Hạnh (Righteous One).
Vị thiện nam nầy có danh xưng đúng với phẩm hạnh của mình.
Thiện nam Dhammika thọ trì tam quy, giới đức trong sạch, là bậc đa văn, thông thạo hết Tam Tạng kinh điển, lại là bậc Bất Lai (Anāgāmī), thành đạt các thắng trí, sở hữu năng lực thần thông.
Bậc thánh nhân nầy có đồ chúng là năm trăm vị thiện nam, cũng thành tựu phẩm hạnh giống như vị ấy.
Một ngày nọ, thiện nam Dhammika thọ trì bát quan trai và đang tọa thiền. Khi ấy, một ý nghĩ sau đây khởi lên trong tâm của thiện nam vào giữa đêm khuya: “Có thể ta sẽ hỏi Đức Thế Tôn về sự thực hành pháp của một vị xuất gia và pháp hành của người tại gia cư sĩ”.
Cùng tháp tùng là năm trăm vị cư sĩ, thiện nam Dhammika đến gần bên Đức Thế Tôn và nói lên suy nghĩ của mình.
Tùy theo câu hỏi thiện nam, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Kinh Dhammika Sutta cho hội chúng lúc ấy bao gồm các vị Tỳ Kheo Tăng và các vị cư sĩ.
Nội dung của bài kinh nêu lên mối quan hệ hỗ tương giữa hai hội chúng đệ tử của Đức Thế Tôn.
Ở phần đầu của bài kinh, từ câu kệ ngôn 376 đến kệ ngôn 384, thiện nam Dhammika đã tán thán Đức Thế Tôn là một vị Phật vô thượng.
Các vị Chư Thiên, Long vương rồi Vua Kuvera với nhiều oai lực đều hoan hỷ tịnh tín khi được nghe Đức Thế Tôn giảng dạy Giáo Pháp.
Các vị ngoại đạo sư đều được cảm hóa bởi oai đức và trí tuệ của Đức Thế Tôn.
Rồi trong hội chúng đệ tử, có các vị Tỳ Kheo, các vị cư sĩ tại gia, ai ai cũng đều mong mỏi được nghe lời dạy của Đức Thế Tôn, giống như các vị Chư Thiên mong muốn được nghe những lời khéo nói củaVāsava, là Đức Trời Đế Thích.
Sau phần tán thán và thỉnh pháp của thiện nam Dhammika, Đức Thế Tôn bắt đầu giảng dạy pháp thoại với hai nội dung.
Ở nội dung thứ nhất, Đức Thế Tôn giảng về phận sự của một vị Tỳ Kheo, từ câu kệ ngôn 385 đến kệ ngôn 392.
Trong lời pháp thoại cho các vị xuất gia, Đức Thế Tôn nói đến oai nghi tế hạnh của một người từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình.
Vị Tỳ Kheo luôn du hành đúng thời, thu thúc lục căn, cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và thọ dụng tứ sự với pháp quán tưởng thanh tịnh. Đây được xem là giai đoạn đầu trong quá trình rèn luyện tu học của người xuất gia.
Phần nội dung thứ hai, Đức Thế Tôn nói về bổn phận của người tại gia cư sĩ, từ câu kệ ngôn 393 kệ ngôn 404.
Khởi đầu, Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh là người cư sĩ khó mà thực hiện hoàn hảo bổn phận của một vị xuất gia: “Thật rất khó cho người sống đời gia đình có thể thực hiện đầy đủ bổn phận của một vị Tỳ Kheo”.
Lời dạy của Đức Thế Tôn cho hàng tại gia là các vị cư sĩ thọ trì ngũ giới cho tốt đẹp, sau đó tu tập bát quan trai, phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường chư Tôn Đức Tăng, và sống đúng theo chánh mạng.
Có thể nói, lời giảng dạy trên đã khái quát phận hành của một người cư sĩ tại gia có đức tin và thuần thành.
Kinh Dhammika Sutta có điểm đặc biệt là tập hợp lời dạy của Đức Thế Tôn dành cho cả hai giới, xuất gia và tại gia.
Có thể nói bài kinh phản ánh giai đoạn mà một hội chúng cư sĩ tại gia đã hình thành xung quanh đạo tràng của Đức Thế Tôn, và đã đến lúc Ngài nêu lên tầm quan trọng trong sự hỗ tương của cả hai hội chúng đệ tử.
Quả thật là:
“Phật pháp xương minh bởi Tăng Già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”. ↑ trở lên
|