Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Chuyện thành Vesāli

  1. CÂU CHUYỆN THÀNH VESĀLĪ Ở HỒI KẾT

↑ trở lên

CÂU CHUYỆN THÀNH VESĀLĪ Ở HỒI KẾT

Khi thời gian ở lại thành Vesālī được nữa tháng, Đức Thế Tôn nói với các hoàng tử Licchavī: “Nay là thời Như Lai phải ra đi”.
Nghe như vậy, các hoàng tử Licchavī chuẩn bị phẩm vật cúng dường chu đáo rồi cùng đi đưa tiễn Đức Thế Tôn ba ngày đường đến bờ sông Hằng.
Khi ấy các vị Long Vương (Nagas) đang ở dưới sông Hằng có suy nghĩ: “Nhân loại rất tôn kính Đức Thế Tôn. Tại sao chúng ta không làm được như vậy?”.
Rồi họ cùng nhau tạo nên nhiều chiếc thuyền làm bằng vàng, bạc, châu báu; một chỗ ngồi làm toàn bằng châu báu.
Long vương kế đến cho nhóm tùy tùng rải đầy khắp sông Hằng những cánh hoa sen màu ngũ sắc.
Khi đã chuẩn bị đâu vào đó, các Long Vương đi đến gần Đức Thế Tôn và nói: “Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy vì lòng từ bi nhận lãnh phần cúng dường của chúng con”.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời rồi Ngài bước xuống chiếc thuyền bằng châu báu, trong khi 500 vị Tỳ Kheo lần lượt bước xuống các chiếc thuyền còn lại.
Kế đến các vị Long Vương cung đón Đức Thế Tôn và Chư Tôn Đức Tăng rẽ nước đi xuống dưới cung điện nguy nga tráng lệ của họ.
Ở nơi đó, Đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp thoại trọn đêm cho hội chúng của các vị Long Vương.
Đến sáng ngày mai, Long Vương cùng với tất cả thần dân gồm các loài thủy tộc cúng dường đến Đức Thế Tôn và Chư Tăng thực phẩm thượng vị hảo hạng.
Đức Thế Tôn nói lời tùy hỷ phước báu đến hội chúng Long Vương rồi Ngài cùng với chư vị đệ tử rời khỏi cung điện của loài rồng.
Lúc bấy giờ các vị Địa tiên, các vị Chư Thiên ở mặt đất, có suy nghĩ như sau: “Nhân loại và Long Vương đã tôn kính Đức Thế Tôn như vậy. Chẳng lẽ chúng ta lại không làm gì?”.
Sau đó, các vị Địa tiên bắt đầu cho dựng lên khắp mọi nơi các tán lọng che với màu sắc đẹp đẽ. Nào là ở các cội cây, ở trong rừng núi đều phất phới sắc màu rực rỡ các tán lọng của Chư Thiên.
Chư Địa tiên thiết lập tán lọng che cho Đức Thế Tôn và Chư Tỳ Kheo Tăng bắt đầu từ mặt đất tiếp nối dài cho tận đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên, tầng trời cao nhất ở cõi sắc giới. Thật là huy hoàng, lộng lẫy!
Khi đó Đức Vua Bình Sa Vương chờ đón Đức Thế Tôn ở ngay bờ sông Hằng.
Trong chuyến trở về nầy, nhà vua lại chuẩn bị phẩm vật cúng dường gấp đôi so với chuyến đi. Sau đó Đức Vua hộ tống Đức Thế Tôn trở về thành Vương Xá trong suốt chặng đường dài.
Vào một buổi chiều nọ, các vị Tỳ Kheo tụ họp ở giảng đường để bàn luận về câu chuyện ở thành Vesālī:
_ Ôi, ân phước của Đức Thế Tôn quả thật là vô biên!
Một con đường dài tám do tuần dọc theo sông Hằng đã được làm bằng phẳng, trải đầy cát mịn, rải đầy bông hoa để đón rước Đức Thế Tôn.
Sóng nước trên sông Hằng cũng phủ đầy hoa sen ngũ sắc trải dài một do tuần để đón tiếp Đức Thế Tôn.
Rồi từ mặt đất cho đến tận cõi trời Sắc cứu cánh thiên lại bao phủ những chiếc lọng Chư Thiên đẹp tuyệt vời để cúng dường đến Ngài.
Ôi, oai lực của một vị Phật quả thật là vô lượng!
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ trong hương thất bước ra ngôi giảng đường và ngồi trên Pháp tọa. Ngài bắt đầu hỏi: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, các thầy đang bàn luận vấn đề gì vậy?”.
Chư Tỳ Kheo đệ tử kể lại cho Đức Thế Tôn câu chuyện họ đang nói với nhau.
Đức Thế Tôn mới nói:
_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, sự cúng dường đặc biệt vừa qua không phải do ân phước của một vị Phật, cũng không phải do oai lực của các vị Long Vương, Chư Thiên hay Phạm Thiên.
Thật ra, những sự việc mà các thầy có dịp chứng kiến vừa qua là do năng lực phước báu của việc phước thiện nhỏ trong quá khứ.
Các vị Tỳ Kheo liền nói: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không biết việc phước thiện nhỏ trong quá khứ đó là gì. Kính mong Thế Tôn giảng dạy cho chúng con”.
Đức Thế Tôn bắt đầu kể lại câu chuyện phước thiện trong kiếp sống quá khứ.
_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, ngày xưa ở Takkasilā có một vị Bà la môn tên là Saṅkha. Ông có một người con trai tên là Susīma.
Lúc Susīma được 16 tuổi, một ngày nọ Susīma đến gần cha, đảnh lễ rồi đứng sang một bên.
Người cha mới hỏi: “Có điều gì vậy, Susīma?”.
Susīma thưa với cha: “Thưa cha, con muốn đi đến Bārāṇasī để học hỏi nghi lễ tế tự của một vị Bà la môn”.
Người cha mới ôn tồn nói:
_ Nầy Susīma, đây là vị thầy Bà la môn và là bạn thân của cha. Hãy đi đến đó học hỏi với vị thầy nầy.
Nói xong, ông ta trao cho con số tiền là 1.000 đồng kahāpaṇas.
Cậu bé trai cầm lấy số tiền, đảnh lễ từ giã cha mẹ, rồi đi về hướng xứ sở Bārāṇasī.
Susīma đi tìm đến đúng vị thầy là bạn thân của cha mình, đảnh lễ thầy rồi giới thiệu danh tánh của mình.
Vị thầy Bà la môn tiếp đón con của bạn mình rất thân tình.
Bằng hai tay, Susīma đặt toàn bộ số tiền cha cho dưới chân thầy, rồi xin được thọ giáo. Vị Bà la môn nhận lời, sau đó bắt đầu dạy dỗ cho người học trò mới nhập môn.
Với tư chất thông minh, Susīma học hỏi rất nhanh chóng và thông thuộc hết tất cả. Những gì học được từ nơi thầy cậu ta ghi nhớ trong tâm tợ như người ta khắc chữ lên phiến đá cẩm thạch vậy.
Chỉ sau vài tháng Susīma làu thông hết tất cả mọi học nghệ mà một người bình thường phải bỏ cả hàng năm trời mới có thể tinh thông.
Trong khi đọc tụng các nghi lễ tế tự, Susima tinh ý nhận thấy chỉ có phần mở đầu, phần diễn giải tiếp nhưng không có phần kết luận. Nên cậu ta đi đến hỏi thầy của mình:
_ Thưa thầy, sao con không được học phần kết luận của nghi lễ tế tự?
Ông thầy thành thật trả lời:
_ Nầy con, ta cũng chỉ biết như con vậy thôi!
_ Thưa thầy, vậy ai có thể giảng dạy được phần kết luận nầy?
_ Nầy con, ở Isipatana có các vị ẩn sĩ đang ở đó. Chư vị ẩn sĩ có thể giảng dạy
_ Vậy con xin phép thầy cho con đến đó để học hỏi.
_ Vậy con hãy đi đi, học trò thân yêu của ta.
Được thầy mình cho phép, Susīma liền lên đường đi về xứ sở Isipatana.
Đi đến miền đất thánh, cậu ta gặp các vị Phật Độc Giác (Paccekabuddhas) đang trú ngụ ở đó, nên liền hỏi thăm:
_ Bạch các Ngài, các Ngài có biết đầy đủ phần mở đầu, phần diễn giải và kết luận của nghi lễ tế tự không?
_ Nầy bạn, chúng tôi biết.
_ Vậy xin các Ngài hãy từ bi chỉ dạy cho con.
_ Vậy bạn hãy xuất gia đi. Vì chúng tôi không thể dạy pháp nầy cho những ai chưa xuất gia.
_ Kính bạch các Ngài, hãy cho con xuất gia, giúp đỡ con và dạy cho con biết phần kết luận các nghi lễ tế tự.
Rồi Chư Phật Độc Giác cho Susīma xuất gia. Sau đó các Ngài dạy cho vị tân sư mọi oai nghi tế hạnh, như cách mặc y phục cho nghiêm trang, chỉnh tề v.v…
Do vị tân sư đã đầy đủ phước duyên nên dù chỉ học hỏi giới luật trong một thời gian ngắn, vị ấy đã chứng đắc quả vị Phật Độc Giác.
Từ đó mọi người dân trong xứ Bārāṇasī gọi Ngài với danh hiệu là “Phật Độc Giác Susīma”.
Phật Độc Giác Susīma có một nhóm đồ chúng theo ủng hộ Ngài rất đông.
Tuy nhiên, do một nghiệp xấu trong quá khứ dẫn đến đoản thọ, Ngài đã sớm viên tịch Niết Bàn.
Chư Phật Độc Giác và mọi người dân trong xứ sở cùng làm lễ trà tỳ, thâu nhặt lấy Xá Lợi và xây dựng một ngôi bảo tháp tôn thờ Đức Phật Độc Giác Susīma nơi trung tâm của thị trấn.
Khi đó, Bà la môn Saṅkha đang ở Takkasilā, ông rất nhớ con: “Con ta đã đi học xa một thời gian mà ta lại không nghe được tin tức gì của con cả”.
Mong muốn được gặp con, Bà la môn rời khỏi quê nhà, lần hồi đi đến xứ sở Bārāṇasī.
Khi đến nơi, ông Bà la môn thấy đám đông người đang tụ họp tại trung tâm thị trấn, ông mới lân la tìm đến để dọ hỏi tin tức người con.
_ Thưa bác, tôi là cha của thanh niên Susīma. Con của tôi có đến đây học. Bác có biết tin tức gì của con tôi không?
Một người dân trả lời:
_ Thưa Ngài, chúng tôi biết. Con của Ngài đã thông thạo ba quyển kinh Vệ Đà với vị thầy ở đây. Người thanh niên thông minh đó đã xuất gia với Chư Phật Độc Giác, sau đó trở thành một vị Phật. Ngài đã viên tịch Niết Bàn. Đây là bảo tháp chúng tôi xây lên để tôn thờ Đức Phật Độc Giác Susīma.
Nghe đến đây ông Bà la môn quá đỗi đau buồn, ông vật vã khóc than, mặt đầy nước mắt.
Sau đó, ông đi đến chỗ bảo tháp, ngồi xuống nhổ cỏ dại khu vực chung quanh. Rồi ông lấy tấm vải choàng của mình để hốt cát rải xung quanh bảo tháp.
Ông tiếp tục tưới nước trên đất để làm sạch nền tháp, rồi trồng hoa xung quanh.
Chu đáo hơn nữa, Bà la môn Saṅkha lấy vải may thành một dãy phướn để cúng dường bảo tháp.
Sau cùng ông lấy chiếc ô của mình để làm chiếc lọng cúng dường bảo tháp. Rồi Bà la môn Saṅkha lên đường trở về quê nhà.
Kể đến đây, Đức Phật nói tiếp:
_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, có thể các thầy nghĩ rằng vị Bà la môn Saṅkha trong câu chuyện Như Lai vừa kể là một người nào khác. Không nên nghĩ như vậy, khi ấy Bà la môn Saṅkha chính là tiền thân của Như Lai.
Do Như Lai đã nhổ cỏ dại xung quanh bảo tháp Đức Phật Độc Giác Susīma, nên ngày hôm nay mọi người cùng làm một con đường dài tám do tuần bằng phẳng để cúng dường.
Do Như Lai đã trải cát lên trên bảo tháp ngày xưa, nên hôm nay người dân đã trải cát mịn lên con đường trải dài tám do tuần.
Do Như Lai đã trồng hoa xung quanh ngôi bảo tháp, nên hôm nay nhân loại, Long vương đã cùng làm một tấm thảm toàn bằng hoa ngũ sắc trải dài chín do tuần, cả đường bộ và đường thủy.
Do Như Lai đã tưới nước mát xung quanh ngôi bảo tháp, nên hôm nay một cơn mưa bằng cánh hoa sen đã rơi trên thành Vesālī để cúng dường.
Do Như Lai đã dựng các dây phướn và làm một tán lọng che bảo tháp, nên hôm nay một dãy tán lọng chư thiên đã được các vị Địa tiên dựng lên từ mặt đất cho đến cõi trời Sắc cứu cánh thiên.
Do đó, nầy các thầy Tỳ Kheo, sự cúng dường đặc biệt vừa qua không phải do ân phước của một vị Phật, cũng không phải do oai lực của các vị Long Vương, Chư Thiên, hay Phạm Thiên.
Thật ra, những sự việc mà các thầy có dịp chứng kiến vừa qua là do năng lực phước báu của việc bố thí nhỏ nhoi trong quá khứ.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Kinh Subhāsita
  • Lộ trình Tâm Thức
  • Kinh Rāhula
  • Kinh Kāma
  • Kinh Phẩm Tám
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com