Rằm Tháng Sáu- HƯỚNG TỚI NGÀY ĐẠI LỄ ESALA POYA DAY
- KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
↑ trở lên HƯỚNG TỚI NGÀY ĐẠI LỄ ESALA POYA DAY
Ngày rằm tháng sáu còn được gọi là ngày lễ Āsaḷha Pūja, theo lịch Ấn Độ.
Hay là ngày lễ Esala Poya Day theo lịch Sri Lanka.
Esala Poya Day là ngày Đại Lễ vì lễ hội kỷ niệm những sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Bổn Sư.
- Từ cung trời Đâu Suất, Đức Bồ Tát nhập thai vào lòng Hoàng Hậu Mahāmāyā Devi .
- Đức Bồ Tát Sĩ Đạt Ta rời khỏi kinh thành Ca Tỳ La Vệ đi xuất gia .
- Hoàng tử Rāhula chào đời .
- Đức Thế Tôn thuyết giảng bài pháp đầu tiên, bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta) cho năm vị đạo sĩ Kiều Trần Như.
- Đức Thế Tôn thuyết giảng Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nơi cung trời Đạo Lợi vào mùa hạ thứ bảy .
- Chuẩn bị cho khóa tiền an cư của chư tôn đức Tăng Phật giáo Theravāda.
Facebook Pháp Bảo Tự sẽ lần lượt trình bày chi tiết các ý nghĩa cao quý của ngày Đại Lễ Esala Poya Day.
Kính mong quý vị Phật tử hoan hỷ đón đọc.
↑ trở lên KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
DHAMMACAKKAPPAVATTANA SUTTA
Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự ở Bārāṇasī nơi khu vườn nai tại Isipatana.
Ở đó, Đức Thế Tôn thuyết giảng cho nhóm năm vị Tỳ Kheo như sau: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Sự theo đuổi dục lạc trong các dục, đó là việc làm thấp kém, tầm thường, phàm phu, không cao quý và không có lợi ích. Và thực hành theo khổ hạnh, sự thực hành nầy là đau khổ, không cao quý và không có lợi ích. Tránh xa hai cực đoan trên, Như Lai đã giác ngộ con đường trung đạo, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, thế nào là con đường trung đạo được Như Lai giác ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn? Đó là bát chánh đạo, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đây là con đường trung đạo được Như Lai giác ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết Bàn.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, đây là chân lý cao thượng về sự khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; gần gũi người không ưa thích là khổ; xa lìa người thân yêu là khổ; không đạt được điều mong muốn là khổ; tóm lại, chấp thủ vào năm uẩn là khổ.
Đây là chân lý cao thượng về nguyên nhân của sự khổ. Chính là ái dục dẫn đến tái sanh, kết hợp với hỷ và tham, tầm cầu khoái lạc ở nơi nầy, nơi kia. Đó là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Đây là chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ. Đó là sự diệt trừ và chấm dứt hoàn toàn ái dục, sự từ bỏ, sự dứt bỏ, sự giải thoát, sự thoát ly ra khỏi ái ấy.
Đây là chân lý cao thượng về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Đó là bát chánh đạo, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Đây là chân lý cao thượng về sự khổ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về sự khổ cần phải được hiểu rõ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về sự khổ đã được hiểu rõ’.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Đây là chân lý cao thượng về nguyên nhân của sự khổ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về nguyên nhân của sự khổ phải được đoạn trừ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về nguyên nhân của sự khổ đã được đoạn trừ’.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Đây là chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ cần phải được chứng đắc’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ đã được chứng đắc’.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Đây là chân lý cao thượng về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ cần phải được tu tập’.
Đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, phát sanh nơi Như Lai nhãn quan, tri kiến, trí huệ, tuệ giác, ánh sáng: ‘Chân lý cao thượng về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đã được tu tập’.
Nầy các thầy Tỳ Kheo, cho đến khi nào mà nhãn quan và tri kiến của Như Lai về chân lý Tứ Diệu Đế với ba thể và mười hai phương thức như thế chưa được hoàn toàn sáng tỏ, thì Như Lai chưa tuyên bố đã thành đạt sự giác ngộ viên mãn tối thượng trong thế giới nầy, cùng với Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, cùng với các vị Sa môn, Bà la môn, trong hội chúng Chư Thiên và nhân loại.
Nhưng cho đến khi nhãn quan và tri kiến của Như Lai về chân lý Tứ Diệu Đế với ba thể và mười hai phương thức đã hoàn toàn sáng tỏ, Như Lai mới tuyên bố đã thành đạt sự giác ngộ viên mãn tối thượng trong thế giới nầy, cùng với Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, cùng với các vị Sa môn, Bà la môn, trong hội chúng Chư Thiên và nhân loại.
Nhãn quan và tri kiến nay phát sanh nơi Như Lai: ‘Sự giải thoát trong tâm không còn dao động. Đây là kiếp sống cuối cùng. Sẽ không còn việc tái sanh nữa’.
Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nhóm năm vị Tỳ Kheo hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Đức Thế Tôn.
Khi bài pháp được thuyết giảng, pháp nhãn thanh tịnh, không uế nhiễm phát sanh lên trong tâm của Tôn giả Koṇḍañña: ‘Bất cứ pháp nào được sanh khởi, pháp ấy đều phải hoại diệt’.
Khi bánh xe Pháp được Đức Thế Tôn chuyển vận như vậy, Chư Thiên ở địa cầu đồng thanh tán thán: ‘Ở thành Bārāṇasī nơi vườn Lộc Giả tại Isipatana, bánh xe Pháp vô thượng đã được Đức Thế Tôn chuyển vận, sự chuyển vận mà không một Sa môn, Bà la môn, Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên hay bất cứ ai ở đời có thể ngăn cản lại được’.
Sau khi nghe lời tán thán của các vị Chư Thiên ở địa cầu, Chư Thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đồng thanh tán thán: ‘Ở thành Bārāṇasī, …… hay bất cứ ai ở đời có thể ngăn cản lại được’.
Sau khi nghe lời tán thán của các vị Chư Thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương, Chư Thiên ở cõi Đao Lợi …., Chư Thiên ở cõi Dạ Ma …., Chư Thiên ở cõi Đâu Xuất …., Chư Thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên …., Chư Thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại …., các vị Phạm Thiên ở cõi Phạm Thiên đồng thanh tán thán: ‘Ở thành Bārāṇasī nơi vườn Lộc Giả tại Isipatana, bánh xe Pháp vô thượng đã được Đức Thế Tôn chuyển vận, sự chuyển vận mà không có một Sa môn, Bà la môn, Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên hay bất cứ ai ở đời có thể ngăn cản lại được’.
Chính vào giây phút ấy, vào khoảnh khắc ấy, vào sát na ấy, lời tán thán vang dội khắp cõi trời Phạm Thiên, và mười ngàn thế giới nầy rung động, lay động, chuyển động mạnh, và một hào quang vô lượng rực rỡ chiếu sáng khắp thế gian, hào quang ấy vượt hẳn ánh sáng của các vị Chư Thiên.
Rồi Đức Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng : ‘Koṇḍañña đã hiểu rõ! Koṇḍañña đã hiểu rõ!’. Do đó, Tôn giả Koṇḍañña có tên gọi là Aññā Koṇḍañña, có nghĩa là Koṇḍañña đã hiểu rõ”.
↑ trở lên
|