Lộ trình Tâm Thức- LỘ TRÌNH TÂM THỨC
↑ trở lên LỘ TRÌNH TÂM THỨC
Tính chất có điều kiện của dòng tâm thức được xem là trọng tâm trong cách phân tích
chi tiết lộ trình tâm.
Chúng ta đọc một đoạn kinh văn trong bài Madhupiṇḍika Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 18:
“Do nhân con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên.
Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc.
Do duyên xúc nên có cảm thọ.
Những gì có cảm thọ thời có tưởng.
Những gì có tưởng thời có suy tầm.
Những gì có suy tầm thì có hý luận.
Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một số người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức quá khứ, tương lai và hiện tại”.
Đoạn kinh văn trên có thể minh họa theo sơ đồ như sau:
Xúc → thọ → tưởng → suy tư → các loại vọng tưởng bao gồm tham ái, kiêu mạn và tà kiến.
Ở bài kinh trên, Đức Thế Tôn chỉ dạy cách loại trừ các phiền não ngủ ngầm xuất hiện trong hoạt động của dòng tâm thức.
Kinh văn Nikāya có nhắc đến nhiều dạng phiền não ngủ ngầm. Phiền não ngủ ngầm hay tùy miên (anusaya) là các phiền não không bộc phát ra bên ngoài, chúng ẩn sâu trong tâm thức.
Phổ biến là tham dục, sân hận, tà kiến, hoài nghi, kiêu mạn, hữu ái và vô minh (Kinh Anusaya Sutta, chương bảy pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh).
Đặc điểm của phiền não tùy miên là chúng hoạt động với dạng tiềm thức, như trường hợp của bé sơ sinh.
Liên hệ đến ý nghĩa tùy miên có một thuật ngữ quan trọng khác, đó là lậu hoặc (āsava).
Các lậu hoặc hoạt động sâu lắng và gây tác động lên dòng tâm thức một cách tự động.
Các lậu hoặc phát sanh lên là do không như lý tác ý (ayoniso manasikāra) và bởi vô minh (avijjā).
Khắc chế và ngăn chận sự sanh khởi của lậu hoặc là mục tiêu chính của giới luật nơi thiền môn.
Đoạn tận các lậu hoặc đồng nghĩa với sự giác ngộ (Kinh Ariyapariyesana Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 26).
Có ba loại lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu (Kinh Satipaṭṭhāna Sutta, Trung Bộ Kinh, bài số 10).
Dục lậu và hữu lậu được xếp vào chi phần thứ hai trong tứ diệu đế, nguyên nhân của sự khổ.
Trong khi đó, vô minh tạo nên điểm xuất phát cho mười hai nhân duyên được mô tả trong pháp duyên khởi (paṭiccasamuppāda).
Do đó, mô hình của lậu hoặc có liên quan đến nguyên nhân phát sanh sự khổ.
Toàn bộ mục tiêu của việc hành đạo là sự đoạn trừ các lậu hoặc, nhổ tận gốc rễ phiền não tùy miên, và cắt đứt các kiết sử.
Lậu hoặc là tiêu biểu cho nguyên nhân sâu xa của sự khổ.
Phiền não tùy miên là các khuynh hướng bất thiện trong nội tâm chưa giác ngộ.
Và các kiết sử là các sợi dây trói chặt chúng sanh vào vòng luân hồi.
Cả ba thuật ngữ lậu hoặc, phiền não tùy miên, kiết sử đều chỉ chung cho hiện tượng sanh khởi của tham ái (taṇhā), và đều tạo nên bất thiện pháp khi liên hệ đến mười hai xứ.
Để loại trừ các phiền não, lậu hoặc hay kiết sử nói trên, Đức Thế Tôn chỉ dạy cho các vị hành giả chúng ta pháp chế ngự các căn (indriya saṃvara), chế ngự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Chế ngự các căn chỉ có thể thực hành nếu có mặt của niệm hay sati.
Khi các căn được chế ngự tốt, hỷ và lạc sẽ phát sanh lên trong nội tâm của hành giả.
Hai chi phần hỷ và lạc chính là cơ sở cho sự thực hành thiền chỉ và thiền quán.
Chế ngự các căn không có nghĩa là vị hành giả nhắm mắt, bịt tai hay đóng hẳn các giác quan lại.
Chế ngự các căn là vị hành giả không để tâm đến tướng chính (nimitta) và các tướng phụ (anuvyañjana) của đối tượng, để ngăn ngừa các phiền não duyên theo đó mà sanh khởi.
Ví dụ như vị hành giả nam gặp đối tượng khác phái là người nữ. Vị hành giả chỉ biết đây là một con người cụ thể, chớ không lưu tâm đến vóc dáng, màu da, mái tóc, tướng chung và tướng riêng của người phụ nữ đó.
Đây chính là phần chỉ dẫn cụ thể trong bài kinh Niệm Xứ, Satipaṭṭhāna Sutta, liên quan đến mười hai xứ là suy xét các nguyên nhân dẫn đến phát sanh các kiết sử. ↑ trở lên
|