Rằm Tháng Chín- Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG CHÍN
- KINH SĀRIPUTTA SUTTA
- GIÁ TRỊ CỦA LUẬN TẠNG (ABHIDHAMMA PIṬAKA)
↑ trở lên Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG CHÍN
Mùa an cư của chư tôn đức Tăng nơi các tự viện Phật giáo Theravāda đã hoàn mãn vào ngày rằm tháng chín năm Nhâm Dần.
Ngày rằm tháng chín cũng được gọi là ngày Đại Lễ Vap Poya Day, theo tên gọi của một tháng ở xứ Phật Sri Lanka.
Đại Lễ Vap Poya Day có ba ý nghĩa đặc biệt như sau:
1. Đức Thế Tôn kết thúc thời thuyết giảng Luận Tạng (Abhidhamma Piṭaka) nơi cung trời Đạo Lợi (Tāvatiṃsa).
Bài kinh Acchariya-Abbhūta Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 123, ghi lại sau khi hạ sanh Thái Tử Sĩ Đạt Ta được bảy ngày, Hoàng Hậu Mahāmāyā Devi từ trần và tái sanh làm một vị Chư Thiên nơi cung trời Đâu Suất, Tusita.
Vào mùa hạ thứ bảy, để đền đáp công ơn sâu nặng của Phật Mẫu, Đức Thế Tôn ngự lên cung trời Đạo Lợi thuyết giảng Luận Tạng cho vị Chư Thiên đó, cùng với hội chúng đông đảo các vị Chư Thiên, Phạm Thiên vân tập từ cả mười ngàn thế giới (the ten thousand world-systems).
Sách Aṭṭhasālinī, bản chú giải của bộ Dhammasaṅgaṇī, mô tả chi tiết là Đức Thế Tôn thuyết giảng Abhidhamma liên tục trong suốt ba tháng an cư nơi cung trời Đao Lợi, không hề gián đoạn.
Lời thuyết giảng không bị ngắt quãng, không ngưng nghỉ, giống như một dòng thác nước đổ từ trên cao.
Cùng trong ngày, Đức Thế Tôn hóa hiện ra một vị Phật khác (hóa thân) trở về cõi nhân loại để thuyết giảng nội dung tương tự cho Tôn giả Sāriputta.
Với cùng phương thức như thế, từ ngày này sang ngày khác, Tôn giả Sāriputta lảnh hội trọn vẹn giáo nghĩa Abhidhamma từ nơi Đức Thế Tôn trong mùa hạ thứ bảy.
Tôn giả Sāriputta sau đó giảng dạy lại Abhidhamma cho hội chúng bao gồm năm trăm vị đệ tử của vị ấy.
Sách Aṭṭhasālinī ghi chú rõ thêm vào thời kỳ Đức Phật Tổ Kassapa, năm trăm vị Tỳ Kheo đệ tử của Tôn giả Sāriputta chính là năm trăm con dơi cùng sống trong một hang động.
Hằng ngày cả bầy dơi được nghe lời tụng đọc Abhidhamma từ hai vị Tỳ Kheo đang tu học trong ngôi hang động đó.
Tuy không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời đọc tụng nhưng cả đàn dơi đều hoan hỷ, niềm tịnh tín, phát sanh hỷ lạc với lời đọc vang rền của Phạn âm: Kusalā dhammā, akusalā dhammā, abyākatā dhammā ….
Khi năm trăm con dơi hết tuổi thọ, chúng chết với tâm thức hoan hỷ với âm vang của lời kinh Pāli được nghe Chư Tăng tụng đọc hằng ngày.
Ngay tức khắc tất cả năm trăm con dơi tái sanh làm năm trăm vị Chư Thiên. Và chư vị cùng sống hưởng thiên lạc trên các cõi trời từ thời kỳ Đức Phật Kassapa đến thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta.
Đến thời kỳ Đức Phật Gotama, năm trăm vị Chư Thiên trên tái sanh vào năm trăm gia đình danh gia vọng tộc ở thành phố Sāvatthī.
Sau khi chứng kiến tận mắt pháp song thông vi diệu mà Đức Thế Tôn thể hiện hàng phục ngoại đạo, cả năm trăm vị thiện gia nam tử đều đi xuất gia, trở thành môn đệ của Tôn giả Sāriputta.
Khi Đức Thế Tôn kết thúc mùa hạ thứ bảy cũng là lúc năm trăm vị đệ tử của Tôn giả Sāriputta lãnh hội trọn vẹn giáo nghĩa Abhidhamma từ nơi vị thầy bổn sư của chư vị.
Sách Aṭṭhasālinī có ghi rõ sau khi Đức Thế Tôn chấm dứt pháp thoại Abhidhamma ròng rã ba tháng trên cung trời Đao Lợi, vị Chư Thiên trước đây là mẹ của Ngài chứng đắc quả vị thánh nhân Nhập Lưu (sotāpatti).
Đồng thời cả hội chúng bao gồm tám trăm ngàn triệu (eight hundred thousands of milions of deities) các vị Chư Thiên, Phạm Thiên đều chứng đắc thánh quả Nhập Lưu.
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, lịch sử của Abhidhamma Piṭaka được hình thành từ mùa an cư thứ bảy của Đức Thế Tôn.
Khi mãn hạ, theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Anuruddha, Đức Thế Tôn trở về cõi nhân loại ở thành phố Saṅkassa. Hội chúng các vị Chư Thiên, Phạm Thiên trong cả mười ngàn thế giới đồng tụ hội để tiễn đưa Đức Thế Tôn.
Khi mùa an cư lần thứ bảy đã qua và nghi lễ Tự Tứ (Pavāraṇā) hoàn tất, Đức Thế Tôn bảo với Đức Trời Đế Thích (Sakka): “Nay là thời Như Lai trở về cõi nhân loại”.
Đức Trời Đế Thích liền hóa hiện ngay ra ba chiếc thang: một chiếc bằng vàng, một chiếc bằng ngọc và một chiếc bằng bạc.
Cả ba chiếc thang bắc vào đỉnh núi Tu Di (Mount Sineru), còn phần chân thang đặt nơi cổng ngôi thành Saṅkassa.
Phía bên phải là chiếc thang bằng vàng dành cho hội chúng Chư Thiên, phía bên trái chiếc thang bằng bạc dành cho Đại Phạm Thiên và hội chúng của vị ấy.
Còn riêng chiếc thang ở chính giữa làm bằng ngọc dành riêng cho Đức Thế Tôn.
Khi Đức Thế Tôn đi đến nấc thang cuối cùng, Tôn giả Xá Lợi Phất là vị đệ tử đầu tiên đến đảnh lễ Ngài, kế đó là Tỳ Kheo Ni Uppalavaṇṇā, rồi toàn thể hội chúng đông đảo đến đảnh lễ Đức Thế Tôn.
Tất cả nhân thiên đều có dịp hy hữu nhìn thấy Đức Thế Tôn đi lần xuống từng bước một trên chiếc thang bằng ngọc, do vị trời Đế Thích tạo ra.
Hình ảnh huynh hoàng của Đức Thế Tôn tạo nên một ấn tượng thật mạnh mẽ trong tâm của toàn thể hội chúng.
Tôn giả Xá Lợi Phất đã có lời đón chào Đức Thế Tôn với tám câu kệ ngôn, bắt đầu bằng: “Con chưa từng được thấy ai, chưa từng được nghe ai trước đó, một bậc thầy với lời nói khả ái, vị lãnh đạo hội chúng, từ cung trời Đao Lợi đi xuống”.
Sau đó, thay mặt cho năm trăm đệ tử thân cận, Tôn giả đã hỏi Đức Thế Tôn về trú xứ, sự tu tập giới hạnh và các phận sự cần thiết của một vị Tỳ Kheo.
Duyên theo các câu hỏi của Tôn giả Xá Lợi Phất, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Sāriputta Sutta.
Kinh Sāriputta Sutta là bài kinh thứ 16 thuộc phẩm kinh Aṭṭhakavagga Sutta trong tập Suttanipāta, Tiểu Bộ Kinh.
Bài kinh có cả thảy 21 câu kệ ngôn. Mỗi câu kệ ngôn trong bài kinh Sāriputta Sutta giống như một viên ngọc bích lấp lánh tỏa ngời ánh sáng giải thoát.
Kinh Sāriputta Sutta thật sự là lời giáo huấn vàng ngọc của Đức Thế Tôn dành cho các vị hành giả đang nỗ lực tu học.
Ngay khi Đức Thế Tôn kết thúc lời giảng kinh Sāriputta Sutta, năm trăm vị đệ tử của Tôn giả Sāriputta đều chứng đắc quả vị thánh nhân A La Hán.
Đồng thời có 30 koṭis (mỗi koṭi là 10 triệu) Chư Thiên, Phạm Thiên và nhân loại cùng chứng đắc quả vị thánh nhân Nhập Lưu.
2. Đức Bồ Tát Di Lặc (Metteyya Bodhisatta) hạ sanh vào cõi nhân loại trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Tổ Gotama.
Bồ Tát là một chúng sanh có nguyện vọng trở thành một vị Phật.
Từ Pāli của danh xưng Bồ Tát là “Bodhisatta”.
Danh từ kép Bodhisatta = Bodhi + Satta.
Bodhi từ ngữ căn budh, nghĩa là thức tỉnh, là giác ngộ.
Satta xuất xứ từ sant, dạng hiện tại phân từ của ngữ căn as, nghĩa là chúng sanh, là chúng sanh hữu tình.
Như vậy, Bodhisatta là chúng sanh có trí huệ giác ngộ.
Theo kinh điển Nikāya, danh xưng Bồ Tát để chỉ cho Đức Phật Gotama trước giai đoạn Ngài thành đạo.
Về sau, danh xưng Bồ Tát được mở rộng, để chỉ cho số ít chúng sanh nào có ước nguyện thành Phật.
Cuộc đời của một vị Phật được kể từ lúc thành đạt sự giác ngộ (Enlightenment), còn quãng thời gian trước đó thuộc về đời sống của một vị Bồ Tát.
Giáo lý về nghiệp báo và tái sinh trình bày vô số kiếp sống của Bồ Tát, trải dài từ trong quá khứ xa xôi.
Công hạnh của một vị Bồ Tát không thể nào thành tựu chỉ trong một kiếp sống, mà kéo dài trong khoảng thời gian lâu không thể nghĩ bàn, nói chính xác hơn là hàng A tăng kỳ kiếp.
Điều nầy được minh họa rõ trong các câu chuyện tiền thân hay bổn sanh truyện. Các câu chuyện bổn sanh về sau hình thành nên một chương văn học Pāli đặc biệt là văn học Jātaka.
Công việc của vị Bồ Tát bắt đầu bằng lời phát nguyện trước một vị Phật Tổ (abhinīhārakaraṇa) là sẽ trở thành một vị Phật tương lai vì lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh.
Có những yếu tố là điều kiện đủ để giúp cho lời phát nguyện trở thành hiện thực, như vị thí sinh đó (candidate) phải là một hành giả chứng đắc thiền định, hơn nữa vị hành giả đó có thể chứng đắc quả vị thánh nhân A La Hán ngay trong kiếp sống đó.
Và nhất là vị hành giả luôn kiên định, luôn nhắm tới mục tiêu thành Phật, bất chấp mọi khó khăn, thử thách như thế nào.
Theo bổn sanh truyện Vessantara Jātaka, tất cả chư Bồ Tát phải thực hành năm việc đại thí (mahā-pariccāya) là bố thí vợ, bố thí con, bố thí ngai vàng, bố thí tay chân và bố thí cả mạng sống.
Một vị Phật Tổ khi phê chuẩn lời phát nguyện của một vị Bồ Tát sẽ quán xét nhân duyên ở thời vị lai.
Nếu mọi việc đều tương hợp với lời phát nguyện chí thành, Đức Phật sẽ thọ ký ngay cho sự thành tựu ở một thời điểm cố định, với đầy đủ mọi chi tiết.
Lời xác nhận hay thọ ký đó được gọi là lời “Veyyākaraṇa” của một vị Phật trong hiện tại.
Kế đến, các vị Phật Tổ tiếp theo sau đó sẽ lập lại lời thọ ký cho vị Bồ Tát chắc chắn sẽ thành Phật ở tương lai.
Một vị Phật Tổ không hề nói một lời nào sai với sự thật.
Tập kinh Buddhavaṃsa thuộc Tiểu Bộ Kinh ghi lại khi Đức Phật Tổ Nhiên Đăng (Dīpaṇkara Buddha) có lời thọ ký cho đạo sĩ Sumedha (tiền thân của Phật Tổ Gotama), vị đạo sĩ ấy hạnh phúc đến nỗi nghĩ mình sẽ thành Phật ngay ngày hôm sau.
Kể từ đó, công việc của Bồ Tát cho đến lúc thành đạo là thực hành mười pháp Ba La Mật (pāramitā).
Đó là bố thí (dāna), trì giới (sīla), xuất gia (nekkhamma), trí huệ (paññā), tinh tấn (viriya), nhẫn nại (khantī), chân thật (sacca), quyết tâm (adhiṭṭhāna), tâm từ (metta), và tâm xã (upekkhā).
Đức Bồ Tát là hình ảnh lý tưởng cho tất cả người con Phật. Với ý chí và nỗ lực phi thường, Đức Bồ Tát hướng đến sự thành tựu quả vị Phật vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho toàn thể Chư Thiên và nhân loại.
Đức Phật lịch sử GOTAMA là sự tiếp nối của dòng dõi Chư Phật từ quá khứ.
Trong tập kinh Buddhavaṃsa, Phật Sử, Đức Thế Tôn nói rõ trong hiền kiếp nầy (bhaddakappa), là nơi trái đất chúng ta đang sinh sống, đã chứng kiến sự xuất hiện của ba vị Phật là Đức Phật KAKUSANDHA, Đức Phật KOṆĀGAMANA và Đức Phật KASSAPA.
Đức Phật Gotama là vị Phật thứ tư trong thời hiện tại.
Ở tương lai, Đức Phật METTEYYA là vị thứ năm và là vị sau cùng của hiền kiếp.
Di Lặc là phiên âm của ngôn ngữ Pāli “Metteyya” và Sanskrit “Maitreyya”. Maitreyya là từ phái sinh của “Maitrī”, và Maitrī có xuất xứ từ “Mitra”, nghĩa là người bạn hay tình thương. Đức Phật Metteyya hay Đức Phật Di Lặc là Đức Phật của tình thương.
Hiện nay Đức Bồ Tát Di Lặc đang ngự nơi cung trời Đâu Suất. Sau khi giáo pháp của Đức Phật Gotama viên mãn vào năm Phật lịch 5000, Ngài sẽ giáng trần để tiếp tục hạnh nguyện tự giác, giác tha, cứu độ chúng sanh.
Làm thế nào để người con Phật có thể gặp được Đức Phật Metteyya? Đây là điểm thắc mắc chung của tất cả chúng ta.
Tập kinh Anāgatavaṃsa trong văn học Pāli có ghi lại những ai trong hàng tứ chúng đệ tử của Đức Thế Tôn luôn đầy đủ đức tin, sống nỗ lực, nhiệt tâm và chuyên cần đối với thiện pháp, những vị hành giả đó chắc chắn sẽ có diễm phúc diện kiến và đảnh lễ Đức Phật Metteyya.
Những ai luôn tôn kính Phật, người ấy sẽ gặp được Đức Phật ra đời vậy!
3. Ngày lễ Tự Tứ (Pavāraṇā) của chư tôn đức Tăng, đánh dấu hoàn mãn khóa tiền an cư (Vas).
Ba tháng an cư từ lâu đã trở thành sinh hoạt không thể thiếu trong nếp sống tu học nơi hàng đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn.
Từ Pāli “vassāvāsa” hiểu theo sát nghĩa là nơi ở của chư Tỳ Kheo Tăng trong mùa mưa. Vassāvāsa hiểu theo nghĩa thông thường là nơi an cư hay an cư kiết hạ (rain retreat).
Ở xứ sở Ấn Độ, thời tiết chia ra ba mùa rõ rệt là mùa lạnh, mùa nóng và mùa mưa.
Thoạt tiên, Đức Thế Tôn chưa chế định điều học liên quan đến việc an cư ba tháng mùa mưa cho hàng đệ tử.
Không ở một nơi nào cố định, các đoàn du tăng vẫn di chuyển, đi lại ngoài trời dưới những cơn mưa tầm tã.
Điều nầy làm cho người dân bắt đầu có lời ta thán, khiển trách:
_ Tại sao các vị Sa môn Thích tử cứ đi quanh năm suốt tháng như vậy. Họ đi lại rồi dẫm đạp cây cối, hư hoại mùa màng, giết hại biết bao nhiêu là côn trùng. Ngay cả con thú còn chịu khó đào hang, con chim còn biết làm tổ trên cây để nghĩ ngơi trong mùa mưa mà!
Khi lời phê bình của người dân được trình lên Đức Thế Tôn, Ngài đã chế định ngay điều học cho chư vị đệ tử: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Như Lai cho phép chư vị an cư vào mùa mưa - Anujānāmi, bhikkhave, vassāne vassaṃ upagantuṃ”, (Luật Đại Phẩm, Vinaya Piṭaka).
Điều học do Đức Thế Tôn chế định không chỉ ngăn đi lời chỉ trích của người dân mà còn tạo nên truyền thống tốt đẹp cho hàng Tăng lữ.
Truyền thống an cư kiết hạ hằng năm đóng góp yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển Tăng đoàn, cũng như tạo nên liên kết chặt chẽ giữa Chư Tăng với hàng tại gia cư sĩ.
Có hai thời điểm để chư tôn đức Tăng chuẩn bị vào hạ (vassūpanāyikā).
Thời kỳ đầu gọi là thời tiền an cư (purimikā), bắt đầu từ sau ngày rằm tháng Āsāḷha, tức là ngày rằm tháng sáu âm lịch.
Thời kỳ sau gọi là thời hậu an cư (pacchimikā), sau thời tiền an cư đúng một tháng.
Hai thời kỳ tiền an cư và hậu an cư đều kéo dài ba tháng trong khoảng thời gian mùa mưa.
Tất cả chư Tỳ Kheo Tăng đều bắt buộc phải thọ trì pháp an cư kiết hạ trong ba tháng, chư vị Sa di (Samaṇera) cũng phải tùng hạ với chư Tỳ Kheo.
Lúc ban đầu, khi người tín thí chưa cúng dường tịnh thất hay cốc liêu, chư tôn đức Tăng thường tìm đến gốc cây, hang động, một khu rừng thích hợp để nhập hạ.
Về sau, khi Đức Thế Tôn cho phép thí chủ cúng dường trú xứ, lúc đó chư vị hành giả sẽ chọn một ngôi chùa, tự viện phù hợp để an cư; hẳn nhiên nơi ngôi chùa hay tự viện đó phải hội đủ bốn pháp trợ duyên là pháp, tài, lữ và địa.
Khi đã vào kỳ an cư, các thành viên trong khóa tu sẽ thực hiện nghiêm túc nội quy là hạn chế việc đi lại. Nhưng các Ngài vẫn như thường lệ đi vào thôn xóm trì bình khất thực hằng ngày.
Các hành giả không được phép đi khỏi chỗ an cư cách đêm, nếu không có lý do chính đáng.
Ở đây, Đức Thế Tôn có điều chỉnh luật nghi một cách linh hoạt trong sinh hoạt an cư, bởi vì Ngài luôn để tâm đến sự an lạc (phāsutā) và lợi ích (suṭṭhutā) cho người đệ tử.
Khi bậc thầy tổ, các vị huynh đệ, hay người thân bị bệnh, chư tôn đức được phép đi xa để viếng thăm.
Khi có người thí chủ ở xa cung thỉnh đến giảng pháp hay cúng dường, chư vị có thể nhận lời, nhưng thời gian vắng mặt nơi an cư không được phép quá bảy ngày.
Chư vị sẽ sắp xếp công việc nhanh nhất có thể để trở về chỗ an cư trong tuần.
Chư vị không được phép tự ý rời bỏ chỗ an cư khi chưa hết thời hạn ba tháng; tuy nhiên, nếu có những trường hợp bất khả kháng như sự xuất hiện của thú dữ, trộm cướp, các loài phi nhân v.v…. các Ngài có thể bỏ đi nơi khác (cancel rain retreat) mà không vi phạm vào điều luật an cư.
Tinh thần của ba tháng an cư là để các vị hành giả xuất gia thúc liễm thân tâm, trau dồi giới thân huệ mạng, tiến tu về phương diện tâm linh, được hiểu như một khóa tu học tích cực (intensive course).
Khi ở yên một chỗ, không phải bận rộn với việc hoằng pháp lợi tha, chư Tỳ Kheo Tăng sẽ tận dụng tối đa thời gian quý báu để tập trung vào việc học Pháp (pariyatti), hành Pháp (paṭipatti), để đạt tới Pháp thành (paṭivedha).
Rất nhiều vị hành giả đã thành tựu sự giác ngộ và giải thoát ngay trong khóa an cư, như Tôn giả Ānanda chỉ ngay trong mùa hạ đầu tiên đã chứng đắc quả vị thánh nhân Nhập Lưu.
Tôn giả Cakkhupāla, trong câu chuyện dẫn nhập cho kệ ngôn Pháp Cú số 1, thọ trì pháp đầu đà ngăn oai nghi nằm trong suốt ba tháng. Khi mãn hạ, Ngài đã đạt đến quả vị thánh nhân A La Hán
Nhóm năm trăm vị Tỳ Kheo nơi câu chuyện dẫn nhập cho bài kinh Metta Sutta đồng chứng đắc quả vị Ứng Cúng trong mùa an cư ở vùng miền núi Hy mã lạp sơn.
Thật là điều kỳ diệu và phước báu hy hữu của khóa an cư ba tháng hạ!
Những vị đàn na, tín thí chuyên tâm hộ trì cho Chư Tăng về tứ sự trong khóa an cư sẽ được hưởng phước báu vô lượng. Các vị Phật tử nhiều tín tâm đó đã gieo được nhân lành trong ruộng phước của chư tôn đức Tăng.
Trong mùa an cư, Chư Tăng thuận duyên giảng dạy Giáo Pháp cho người Phật tử, khuyến khích họ trên con đường hành thiện, tu tập công đức và phước báu.
Không khí sinh hoạt nơi các đạo tràng an cư thật thiêng liêng và đạo vị khi số đông các Phật tử vân tập về chùa thiết lễ cúng dường, và lắng nghe Chư Tăng đọc kinh Paritta phúc chúc phước báu.
Có thể nói bậc xuất gia chuyên tâm trong việc hoằng pháp, còn người tại gia hết lòng hộ pháp. Chính mối tương quan mật thiết nầy đã giúp cho ngôi nhà Phật Pháp được bền vững và phát triển hơn hai ngàn năm qua.
Sau khi kết thúc mùa an cư vào ngày rằm tháng chín, thời tiền an cư, Chư Tăng sẽ cử hành khóa lễ Pavāraṇā, lễ Tự Tứ, để các thành viên trong Tăng đoàn cùng sách tấn, động viên nhau trong việc tu học. Kể từ thời điểm nầy, mỗi vị tôn đức sẽ được thêm một tuổi hạ.
Và kế đến là khóa lễ dâng y Kaṭhina đem lại thật nhiều phước báu cho Chư Thiên và nhân loại.
Nhân dịp mãn kỳ an cư mùa mưa Phật lịch 2566, Facebook Pháp Bảo Tự thành kính đảnh lễ và kính dâng lên chư tôn đức Tăng lời khánh tuế.
Chúng con kính chúc đến toàn thể chư tôn đức Tăng thêm một tuổi hạ, kính chúc đến quý Ngài pháp thể khinh an, bồ đề tâm viên đắc, chúng sanh dị độ.
Chúng tôi có lời cầu chúc phước báu đến tất cả chư thiện nam, tín nữ ở nhiều nơi.
Quý vị là những vị hộ pháp rất nhiệt thành, đã hỗ trợ đến Chư Tăng về phương diện tứ sự: y phục, thực phẩm, trú xứ và dược phẩm trị bệnh trong suốt ba tháng an cư mùa mưa.
Thành tâm kính chúc đến chư quý vị và gia đình luôn thành tựu năm điều hạnh phúc là sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí huệ, nhất là thành tựu đạo quả Niết Bàn trong ngày vị lai.
Kính chúc đến tất cả đều thành tựu ân phước của ngày đại lễ Vap Poya Day.
↑ trở lên KINH SĀRIPUTTA SUTTA
Sau mùa hạ thứ bảy, ngay khi trở về cõi nhân loại từ cung trời Đao Lợi, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Sāriputta Sutta, kinh Xá Lợi Phất.
Tất cả nhân thiên đều có dịp hy hữu nhìn thấy Đức Thế Tôn đi lần xuống từng bước trên chiếc thang bằng ngọc, do vị trời Đế Thích tạo ra.
Hình ảnh huynh hoàng của Đức Thế Tôn tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ cho toàn thể hội chúng bao gồm rất đông các vị Chư Thiên và nhân loại.
Kinh Xá Lợi Phất là bài kinh thứ 16 thuộc phẩm kinh Aṭṭhakavagga Sutta trong tập Suttanipāta, Tiểu Bộ Kinh.
Bài kinh có cả thảy 21 câu kệ ngôn như sau;
1. Tôn giả Sāriputta nói:
Con chưa từng được thấy ai, chưa từng được nghe ai trước đó, một bậc thầy với lời nói khả ái, vị lãnh đạo hội chúng, từ cung trời Đao Lợi đi xuống.
2. Một bậc hữu nhãn xuất hiện trong thế giới nầy cùng với các vị Chư Thiên.
Sau khi xóa tan màn đêm, Ngài tự thân thành đạt sự hạnh phúc.
3. Thay mặt cho tất cả mọi người nơi đây còn phép nương nhờ, con xin nêu lên câu hỏi đến Ngài, một vị Phật, vị không dính mắc, tự tại, bậc chánh trực, người lãnh đạo của hội chúng.
4. Đối với một vị Tỳ Kheo đã xa rời thế tục, rồi tìm đến một trú xứ xa vắng, đi đến một gốc cây hay bãi tha ma, hay đi đến các hang núi.
5. Khi đi đến các trú xứ đó, có bao nhiêu nỗi sợ hãi mà vị Tỳ Kheo phải vượt qua khi ở những nơi có ít tiếng ồn như vậy?
6. Có bao nhiêu trở ngại trên thế gian ngăn cản vị ấy đi đến nơi chưa từng đến, chướng ngại nào mà vị Tỳ Kheo phải vượt qua khi sống ở một nơi xa vắng?
7. Vị đó phải nói lời lẽ như thế nào? phải nương tựa vào hành xứ nào?
Một vị Tỳ Kheo với quyết tâm phải thực hành giới hạnh và phận sự ra làm sao?
8. Một vị hành giả với nhất tâm, sáng suốt, có niệm, phải thực hành những gì để có thể thanh lọc mọi ô nhiễm giống như người thợ kim hoàn thanh lọc bợn nhơ của thỏi bạc?
9. Đức Thế Tôn nói:
Như Lai sẽ nói cho Xá Lợi Phất nghe điều tương ứng với Giáo Pháp, điều nào thuận lợi cho một vị xa rời thế tục, mong muốn sự giác ngộ, rồi tìm nơi độc cư thanh vắng.
10. Một bậc trí, một vị Tỳ Kheo có niệm, giới hạnh nghiêm trì, không nên sợ hãi năm điều sau:
Ruồi lằng, muỗi mòng, các loài bò sát, người có tâm xấu và loài vật bốn chân.
11. Cũng không sợ hãi tín đồ ngoại đạo, ngay cả họ gây ra nhiều rắc rối, khó khăn.
Một vị tầm cầu sự tốt đẹp phải vượt qua bất cứ chướng ngại nào mà vị ấy gặp phải.
12. Vị ấy phải chịu đựng cái lạnh, cái nóng khắc nghiệt, chịu đựng bệnh tật và đói khát.
Dù gặp thử thách bởi nhiều điều bất lợi trên, người xuất gia vẫn vững vàng, vẫn nỗ lực kiên trì.
13. Vị ấy không được trộm cắp hay nói dối; hãy trải rộng tình thương đến người mạnh cũng như kẻ yếu.
Nếu khởi lên một ý niệm xấu nào trong tâm, vị ấy phải đẩy lui niệm xấu đó ngay, giống như ánh sáng đẩy lui bóng tối.
14. Không nên để tâm lý sân hận và kiêu căng chi phối, mà phải đào bới tận gốc rễ các phiền não đó.
Bất động giữa thuận duyên và nghịch cảnh, vị hành giả cố gắng khắc phục hết mọi ý niệm xấu xa.
15. Hướng về trí tuệ, hoan hỷ trong thiện pháp, vượt qua mọi chướng ngại.
Vị Tỳ Kheo phải khắc phục sự không hài lòng với trú xứ xa vắng; phải dừng ngay bốn tâm lý than vãn như sau:
16. Ta sẽ ăn những gì? Ta sẽ ăn ở đâu? Sao đêm nay ta lại mất ngủ? Rồi ta sẽ ngủ ở đâu?
Một vị hành giả sống không nhà, phải bỏ ngay những suy nghĩ than vãn như vậy.
17. Khi nhận được thức ăn và y phục đúng lúc, vị ấy luôn tiết chế trong việc thọ dụng. Biết tri túc trong vật dụng, vị Tỳ Kheo đi vào xóm làng với các căn được phòng hộ.
Ngay cả khi gặp phải sự khiêu khích, vị ấy cũng không hề nói lên lời thô ác.
18. Vị Tỳ Kheo đi lại (trong thôn xóm) với cặp mắt nhìn xuống, không có la cà; siêng năng thiền định, vị ấy luôn sống tỉnh thức.
Nội tâm tĩnh lặng và tự tại, vị ấy từ bỏ mọi hối tiếc, đình chỉ vọng niệm.
19. Nếu bị khiển trách, vị hành giả với tâm niệm biết chấp nhận lời khiển trách; vị Tỳ Kheo biết xóa tan ác cảm với các bạn đồng phạm hạnh.
Vị ấy luôn nói lên lời nói tốt đẹp, nhưng chỉ nói chừng mực; không nên nói lời mà mọi người có thể quở trách.
20. Hơn nữa, có năm loại bụi bặm trên thế gian. Để xua tan các bụi bặm đó vị có niệm phải rèn luyện như sau:
Vị hành giả phải từ bỏ tham dục đối với hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị và xúc chạm.
21. Một vị Tỳ Kheo có niệm, với tâm giải thoát, phải từ bỏ tham ái đối với các pháp nêu trên.
Suy tư toàn diện về Giáo Pháp đúng thời điểm và nhất tâm, vị ấy sẽ phá tan màn đêm tăm tối.
Đức Thế Tôn đã thuyết giảng như thế.
↑ trở lên GIÁ TRỊ CỦA LUẬN TẠNG (ABHIDHAMMA PIṬAKA)
Tam Tạng Pāli là bộ sưu tập kinh điển được ghi chép bằng ngôn ngữ Pāli. Kinh điển Pāli là bộ Tam Tạng đặc trưng của Phật giáo Theravāda.
Tạng hay Tàng là giỏ chứa, tiếng Pāli gọi là Piṭaka. Tam Tạng Pāli hay Tipiṭaka bao gồm:
I. Luật Tạng (Vinaya Piṭaka): bao gồm các điều học do Đức Thế Tôn chế định cho chư Tỳ Kheo, chư Tỳ Kheo Ni.
II. Kinh Tạng (Sutta Piṭaka): bao gồm các bài thuyết giảng của Đức Thế Tôn và các vị đại đệ tử của Ngài.
III. Luận Tạng (Abhidhamma Piṭaka): hay Tạng Abhidhamma bao gồm bảy bộ luận, trình bày Phật ngôn rất khoa học, theo một hệ thống triết học chặt chẽ.
So với hai Tạng kinh điển đầu, Luận Tạng có số lượng nhiều hơn và nội dung rất thâm sâu. Luận Tạng là bộ phận tinh hoa trong giáo lý nhà Phật.
Abhidhamma là từ Pāli kết hợp giữa tiếp đầu ngữ “Abhi” và “Dhamma”. Abhi có nghĩa là thâm sâu hay tối hậu. Dhamma có nghĩa là chân lý hay giáo lý. Như vậy, Abhidhamma có nghĩa chân lý thâm sâu hay giáo lý tối hậu.
Giải thích theo từ nguyên, Abhidhamma có nghĩa là pháp đặc biệt, pháp vi diệu. Luận sư Buddhaghosa đã giải thích: “Thế nào là Abhidhamma? Là pháp vượt trội và đặc biệt hơn hẳn các pháp khác (Kinh Tạng)”, (Kenaṭṭhena abhidhammo? Dhammātirekadhamma visesaṭṭhena).
Sự khác biệt giữa Kinh Tạng và Luận Tạng chủ yếu ở cách giải thích giáo nghĩa.
Kinh Tạng thường sử dụng ngôn ngữ hằng ngày như con người, chúng sanh, nhân loại v.v…., ngôn ngữ thuộc về quy ước hay chế định.
Trong khi đó, Luận Tạng dùng nhiều thuật ngữ triết học, ngôn ngữ sự thật của sự thật hay chân đế.
Kinh Tạng giải thích giáo nghĩa một cách đơn giản. Ví dụ như bài kinh Khandha Sutta, phẩm Tương Ưng Uẩn thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, định nghĩa các uẩn như sau:
“Tất cả các sắc hiện hữu, dầu là quá khứ, hiện tại hay vị lai; nội hay ngoại; thô hay tế; liệt hay thắng; xa hay gần; tất cả đều thuộc về sắc uẩn”.
Luận Tạng lại giải thích rất chi tiết và tỉ mỉ. Bộ Phân Tích, bộ thứ hai trong Luận Tạng, trình bày về sắc uẩn như sau:
“Sắc uẩn được chia theo phân loại thứ nhất: Các sắc là nguyên nhân, là điều kiện, là hiệp thế, là đối tượng cho phiền não, là đối tượng cho kiết sử v.v….”.
Bộ Phân Tích tiếp tục phân chia sắc uẩn tương tự cho đến phân loại thứ mười một!
Có thể nói Luận Tạng phân tích các nội dung trong Kinh Tạng một cách toàn diện hơn.
Luận Tạng hay Tạng Abhidhamma chuyên về những chủ đề tâm lý học và triết học.
Ngôn ngữ của Abhidhamma rất đặc biệt. Văn học Abhidhamma gắn liền với các thuật ngữ như uẩn, xứ, giới, đế, và chuyển tải nội dung phong phú được gọi là chân đế (paramattha dhamma), bao gồm tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa), và Niết Bàn (Nibbāna).
Luận Tạng hay giáo nghĩa Abhidhamma rất được tôn vinh ở các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda.
Tập sách Aṭṭhasālinī, tập chú giải cho bộ Dhammasaṅganī, ghi lại vào tuần lễ thứ tư sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn ngự nơi ngôi phòng “Ratanaghara” và suy niệm về giáo nghĩa Abhidhamma.
Khi Đức Thế Tôn quán xét đến ý nghĩa sâu xa của lý nhân quả tương quan (Paṭṭhāna), từ nơi thân của Ngài tỏa ra một vầng hào quang sáu màu.
Sách Aṭṭhasālinī còn ghi thêm Abhidhamma thuộc về lãnh vực trí huệ của một vị Phật Toàn Giác.
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Abhidhamma do chính Đức Thế Tôn thuyết giảng. Vào mùa hạ thứ bảy, nơi cung trời Đao Lợi, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Abhidhamma cho vị thiên tử trước kia là thân mẫu của Ngài, cùng hội chúng rất đông đảo các vị Chư Thiên.
Cùng thời gian trong ngày, Đức Thế Tôn hóa hiện ra một vị Phật khác (hóa thân), trở về cõi nhân loại để giảng lại Abhidhamma cho Tôn giả Xá Lợi Phất.
Sau đó, vị đại đệ tử đã thuyết giảng Abhidhamma cho năm trăm đệ tử thuộc hội chúng của Tôn giả. Chính từ đó giáo lý Abhidhamma được hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Một trong những đóng góp chủ yếu của Abhidhamma vào kho tàng tri thức nhân loại là sự phân tích và phân loại rất khoa học dòng tâm thức, được ghi lại trong tập Dhammasaṅganī, bộ sách đầu tiên trong Luận Tạng.
Chúng ta cùng đọc lại đoạn hội thoại ngắn dưới đây giữa Tôn giả Na Tiên và nhà vua Mi Lan Đà trong tập sách Mi Tiên vấn đáp (Milindapañhā):
Mở đầu, Tôn giả Na Tiên nói:
_ Thưa Đại vương, một công việc rất khó khăn đã được Đức Thế Tôn thực hiện?
_ Thưa Tôn giả Na Tiên, đó là công việc gì vậy?
_ Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn đã phân tích một lộ trình tâm, bao gồm tâm vương và các tâm sở như sau: “Đây là xúc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là hành, đây là thức”.
_ Thưa Tôn giả Na Tiên, Ngài hãy cho một ví dụ!
_ Thưa Đại vương, ví như một người đi đến bờ biển. Người ấy dùng tay vớt lấy nước biển rồi nếm nước ấy. Liệu người ấy có thể nhận ra nguồn nước đến từ sông Gangā, sông Yamunā, sông Aciravatī hay không?
_ Thật là khó để phân biệt được như vậy.
_ Thưa Đại vương, một công việc còn khó hơn mà Đức Thế Tôn đã làm được. Ngài đã phân tích được một lộ trình tâm, bao gồm tâm vương và các tâm sở cùng phối hợp.
Do đó, Abhidhamma được xem là lãnh vực trí huệ của một vị Phật Toàn Giác.
Abhidhamma cung cấp cho người học Phật sự hướng dẫn rất cần thiết trên phương diện pháp học (pariyatti) như là chiếc chìa khóa để mở cửa vào ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo.
Trên phương diện pháp hành (paṭipatti), Abhidhamma trợ duyên rất nhiều cho các vị hành giả thực hành thiền chỉ (samatha bhāvanā), và thiền quán (vipassanā bhāvanā), để từ đó đạt đến mục tiêu là pháp thành (paṭivedha), nhờ vào giác ngộ được lý vô thường (anicca), khổ não (dukkha), và vô ngã (anatta).
Sách biên niên sử Mahāvaṃsa ghi chép lại là các vị vua Sri Lanka thuở xưa luôn thể hiện sự tôn kính đối với giá trị vô song của Luận Tạng.
Vào thế kỷ thứ X sau Công Nguyên, Đức Vua Kassapa đệ ngũ đã cho khắc toàn bộ Tạng Abhidhamma lên những phiến bằng vàng ròng. Riêng bộ Dhammasaṅganī lại được cẩn thêm rất nhiều trân châu quý báu.
Một vị vua khác, Đức Vua Vijayabāhu vào thế kỷ XI thường xuyên tụng đọc bộ Dhammasaṅganī trước khi lâm triều, và đích thân nhà vua đã phiên dịch bộ luận ra tiếng Sinhala.
Các nhà học giả trong thời hiện đại cũng đánh giá rất cao về Luận Tạng.
Giáo sư Rhys Davids viết: “Abhidhamma nói đến những gì bên trong ta, những gì xung quanh ta, và những gì ta mong muốn thành đạt”.
Bhikkhu Bodhi diễn giảng: “Abhidhamma trình bày giáo lý nhà Phật theo ba phương diện: đạo đức học, triết học, và tâm lý học”.
Thein Nyun, một học giả người Miến Điện, đã nói: “Kiến thức Abhidhamma rất là quan trọng vì Abhidhamma giúp cho chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong giáo nghĩa của Kinh Tạng”.
Luận Tạng của Phật giáo Theravāda gồm có bảy bộ sách căn bản như sau:
1. Dhammasaṇganīpakaraṇa: Bộ Pháp Tụ
2. Vibhaṅgapakaraṇa: Bộ Phân Tích
3. Dhātukathāpakaraṇa: Bộ Nguyên Chất Ngữ
4. Puggalapaññattipakaraṇa: Bộ Nhân Chế Định
5. Kathāvatthupakaraṇa: Bộ Luận Điểm
6. Yamakapakaraṇa: Bộ Song Đối
7. Paṭṭhānapakaraṇa: Bộ Vị Trí
Các nhà sử học trên thế giới đánh giá bảy bộ sách trên là một trong những thành tựu quý báu nhất của nhân loại từ cổ chí kim.
Thật là phước báu và thật là hy hữu khi cả bảy bộ sách quý đều được Hòa Thượng Tịnh Sự (Santakicco Mahāthera) phiên dịch toàn bộ từ nguyên bản Pāli sang tiếng Việt.
Hòa Thượng Santakicco Mahāthera là một bậc thầy đã đặt nền tảng và định hướng việc học hỏi, hành trì Abhidhamma cho rất nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.
Nền văn học Abhidhamma là nguồn tư liệu rất phong phú, rất quý giá cho việc học hỏi và nghiên cứu sự phát triển tư tưởng Phật học qua từng giai đoạn lịch sử.
↑ trở lên
|