Kinh Phẩm Tám- KINH PHẨM TÁM VỀ CHIẾC HANG
- TÌM HIỂU NỘI DUNG KINH GUHAṬṬHAKA SUTTA
- KINH PHẨM TÁM VỂ ĐIỀU XẤU
- TÌM HIỂU NỘI DUNG KINH DUṬṬHAṬṬHAKA SUTTA
↑ trở lên KINH PHẨM TÁM VỀ CHIẾC HANG
1. Bị nhốt vào trong một cái hang (thân nầy), tối mịt, lại bị bao phủ bởi vô minh,
người như thế rất là xa đối với hạnh viễn ly.
Bởi vì dục lạc ở thế gian nầy không dễ gì mà từ bỏ.
2. Do lòng tham muốn, thích hưởng thụ đời sống, cho nên dục lạc rất khó mà từ bỏ.
Không ai có thể mong chờ sự giải thoát từ nơi người khác.
Luôn suy nghĩ về quá khứ và tương lai, mọi người tầm cầu dục lạc hiện có và trước đó.
3. Những ai tham đắm vào dục lạc, thường xu hướng theo đó, sẽ lạc lối, trở nên ích kỷ,
và đi vào con đường không chơn chánh.
Rồi khi gặp phải khổ đau, họ sẽ than vãn: “Ôi, sau khi chết ta sẽ đi về đâu?”.
4. Do đó, mọi người cần phải tu tập ngay từ bây giờ.
Trong cuộc sống bất cứ điều gì là phi pháp thì không nên hành xử theo đó.
Bậc thiện trí đã nói mạng sống nầy rất ngắn ngủi.
5. Như Lai thấy rõ phần đông trên thế gian nầy rất là bất an,
họ tham đắm vào mọi hình thức của đời sống.
Những người thấp kém luôn sầu muộn khi cận kề cái chết,
nhưng họ không vơi đi sự chấp thủ vào đời sống hiện hữu.
6. Nhìn thấy họ lo sợ khi chấp thủ vào điều nầy là “của tôi”,
giống như tình cảnh con cá trong dòng suối bị cạn nước;
Hiểu được điều đó thì không nên chấp thủ vào điều nầy là “của tôi”,
không chấp thủ vào sanh hữu.
7. Sau khi từ bỏ tham muốn trên hai phương diện (sự sanh khởi và nguyên nhân),
hiểu rõ sự xúc chạm, không luyến ái, không làm bất cứ điều gì để tự khiển trách lấy chính mình,
bậc trí không ô nhiễm bởi điều được thấy, điều được nghe.
8. Khi hiểu rõ về các tưởng, vị ấy có thể vượt qua cơn nước lũ.
Vị mâu ni không còn tham đắm vào tài sản, lấy ra khỏi con dao nhọn (sầu muộn),
sống chuyên cần, không còn tham muốn vào đời nầy hay đời sau.
KINH GUHAṬṬHAKA SUTTA
1. Satto guhāyaṃ bahunābhichanno, tiṭṭhaṃ naro mohanasmiṃ pagāḷho;
Dūre vivekā hi tathāvidho so, kāmā hi loke na hi suppahāyā.
2. Icchānidānā bhavasātabaddhā, te duppamuñcā na hi aññamokkhā;
Pacchā pure vāpi apekkhamānā, imeva kāme purimeva jappaṃ.
3. Kāmesu giddhā pasutā pamūḷhā, avadāniyā te visame niviṭṭhā;
Dukkhūpanītā paridevayanti, kiṃsū bhavissāma ito cutāse.
4. Tasmā hi sikkhetha idheva jantu, yaṃ kiñci jaññā visamanti loke;
Na tassa hetū visamaṃ careyya, appañhidaṃ jīvitamāhu dhīrā.
5. Passāmi loke pariphandamānaṃ, pajaṃ imaṃ taṇhagataṃ bhavesu;
Hīnā narā maccumukhe lapanti, avītataṇhāse bhavābhavesu.
6. Mamāyite passatha phandamāne, maccheva appodake khīṇasote;
Etampi disvā amamo careyya, bhavesu āsattimakubbamāno.
7. Ubhosu antesu vineyya chandaṃ, phassaṃ pariññāya anānugiddho;
Yadattagarahī tadakubbamāno, na lippatī diṭṭhasutesu dhīro.
8. Saññaṃ pariññā vitareyya oghaṃ, pariggahesu muni nopalitto;
Abbūḷhasallo caramappamatto, nāsīsatī lokamimaṃ parañcāti. ↑ trở lên TÌM HIỂU NỘI DUNG KINH GUHAṬṬHAKA SUTTA
GIỚI THIỆU
Phẩm Aṭṭhakavagga Sutta bao gồm 16 bài kinh.
Đặc biệt là bốn bài kinh liên tiếp với tựa đề: “Aṭṭhakavagga”.
Đó là kinh Guhaṭṭhakavagga, kinh Duṭṭhakavagga, kinh Suddhaṭṭhakavagga và kinh Paramaṭṭhavagga.
Bốn bài kinh đều có hình thức là 8 câu kệ ngôn (gāthā).
Do đó, phẩm kinh nầy được đặt tên là Aṭṭhakavagga Sutta, Kinh Phẩm Tám, có nghĩa là phẩm kinh có bốn bài kinh với 8 câu kệ ngôn.
Các bài kinh trong Phẩm Aṭṭhakavagga Sutta là những bản kinh cổ xưa nhất của Phật giáo.
Đây là các kinh nguyên thủy nhất của Phật giáo nguyên thủy.
Bài kinh thứ hai trong Phẩm Aṭṭhakavagga Sutta là kinh Guhaṭṭhakavagga, tạm dịch là Kinh Phẩm Tám Về Chiếc Hang.
Từ Pāli “Guha” có nghĩa là chiếc hang hay cái hang.
Giống như Kinh Tham Dục, Kinh Guhaṭṭhakavagga trình bày rõ dục lạc là cội nguồn của đau khổ.
Bài kinh tiếp tục khai triển ý nghĩa sâu xa hơn.
Kinh Phẩm Tám Về Chiếc Hang trình bày thêm một nguyên nhân của sự khổ. Đó là sự chấp thủ vào cuộc sống, vào sự sinh tồn (craving for states of existence).
Bài kinh mô tả thói quen của tất cả chúng sanh là sự chấp thủ vào mọi vật với ý nghĩa “của tôi” (mine).
Sự chấp thủ gây nên đau khổ cho chúng sanh như tình trạng con cá bị mắc cạn trong cái ao mà nước ngày càng cạn dần.
Để thoát ra khỏi tình trạng hiểm nghèo, chúng ta phải từ bỏ thói quen suy nghĩ: “cái nầy của tôi, cái kia của tôi”. Và không bị dính mắc vào bất cứ sự sống nào, hình thức sinh tồn nào.
Để làm được điều đó, vị hành giả phải cố gắng rất nhiều để phát triển tâm linh và tuệ quán (insight).
CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự ở thành Sāvatthī.
Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja với ý định thiền định ở một nơi mát mẻ nên đi đến khu vườn thượng uyển của nhà vua Udena, gần bên bờ sông Hằng ở Kosambī.
Tôn giả ngồi thiền định cả ngày dưới một cội cây trong ngôi vườn thượng uyển xinh đẹp.
Cùng lúc đó, Đức Vua Udena cũng đi đến vườn thượng uyển để thưởng ngoạn cùng với một nhóm cung nữ.
Sau khi nhìn ngắm các cung nữ ca múa, tiệc tùng, nhà vua nằm gối đầu lên chân của một cung nữ rồi ngủ thiếp đi.
Khi thấy nhà vua ngủ say, các cung nữ khác đi vào khu vườn để hái hoa quả, họ nhìn thấy Tôn giả đang ngồi thiền định.
Tất cả bảo nhau giữ yên lặng, đi đến gần, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xung quanh bậc thánh giả.
Khi xã thiền, Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja thấy các cung nữ đang ngồi an tịnh xung quanh nên Ngài thuyết Pháp cho họ nghe. Các cung nữ được nghe Pháp, họ rất hoan hỷ, đồng tán dương Tôn giả với lời Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Người cung nữ phải ngồi hầu cho nhà vua cảm thấy ganh tỵ với nhóm bạn, nên tìm cách đánh thức nhà vua dậy.
Khi tỉnh giấc, nhà vua hỏi:
_ Các cung nữ kia đâu rồi?
Cô cung nữ trả lời:
_ Tâu Đại Vương, họ đang nghe Pháp từ vị ẩn sĩ.
Rất không vui, nhà vua đi thẳng ngay đến chỗ của Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja.
Khi nhà vua đi đến, một số cung nữ đứng dậy, một số không đứng lên vì muốn được nghe giảng tiếp.
Thấy như vậy, nhà vua càng thêm tức giận, ông ta không xá chào gì Tôn giả mà hỏi rất gay gắt:
_ Ông đến đây làm gì?
_ Thưa Đại vương, tôi đang ngồi thiền.
_ Ngồi thiền? Ngồi thiền gì mà xung quanh ông toàn là phụ nữ vậy?
Trong lòng không hề sợ hãi, Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja giữ im lặng.
Đức Vua Udena bắt đầu tấn công:
_ Nếu ông không nói, ta sẽ bắt kiến vàng cho kiến cắn ông.
Dứt lời, nhà vua đi bắt nguyên một ổ kiến vàng từ cội cây gần đó rồi đổ hết lên người của Tôn giả.
Lúc đó Tôn giả suy nghĩ: “Nếu nhà vua hành xử như thế nầy, chắc chắn ông ta sẽ đọa vào khổ cảnh”.
Vì lòng từ bi, Tôn giả vận dụng thần thông bay thẳng lên hư không.
Khi đó, các cung nữ nói với nhà vua:
_ Tâu Đại Vương, khi các vị vua khác gặp một Tôn giả như vậy, các vị sẽ đảnh lễ rồi cúng dường hương hoa cùng phẩm vật.
Còn làm như vậy là Đại Vương đang tự hủy hoại mình.
Nhà vua im lặng, thấy ra được lỗi lầm của mình nên hỏi thăm người giữ vườn thượng uyển:
_ Tôn giả sẽ đến đây vào một dịp khác không?
_ Tâu Đại Vương, vị ấy sẽ lại đến.
_ Khi thấy Ngài đến, hãy thông báo cho ta biết ngay.
Một ngày nọ, Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja lại đến ngồi thiền bên vườn thượng uyển.
Rồi người giữ vườn thông báo cho nhà vua biết.
Nhà vua đến gần Tôn giả xin được sám hối việc làm tội lỗi của mình, rồi xin
được quy y với Ngài.
Khi bay lên hư không để tránh sự tấn công từ hôm trước, Tôn giả đáp xuống nơi hương thất của Đức Thế Tôn ở Chùa Kỳ Viên.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang nằm nghỉ trong hương thất với dáng nằm con sư tử, chánh niệm và tỉnh giác.
Ngài đã hỏi:
_ Này Bhāradvāja, sao ngươi lại đến đây vào giờ nầy?
Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja đã kể lại cho Đức Thế Tôn sự việc xảy ra.
Nhân câu chuyện trên, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Phẩm Tám Về Chiếc Hang.
GIẢNG GIẢI
I. CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT
“Bị nhốt vào trong một cái hang (thân nầy), bị che đậy (bởi phiền não), bị đắm chìm trong say mê, người như thế rất là xa đối với sự viễn ly.
Dục lạc ở thế gian nầy không dễ gì mà từ bỏ”.
* Bị nhốt vào trong một cái hang (thân nầy): chiếc hang là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cho thân nầy, nơi đó chất chứa rất nhiều phiền não.
* Bị che đậy: thân nầy là nơi tiềm ẩn của tham dục, sân hận, si mê v.v…
* Bị đắm chìm trong sự say mê: chúng sanh bị đắm chìm trong ngũ dục.
Đó là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, và sự xúc chạm êm ái.
Năm pháp ngũ trần dục lạc là đáng mong cầu, ước nguyện, khả ái, gây sự thích thú, liên hệ đến dục và làm cho tâm tham sanh khởi.
Tại sao năm pháp trên được gọi là ngũ dục?
Bởi vì phần đông Chư Thiên và nhân loại bị mê mờ, say mê và đắm chìm trong năm pháp ấy.
* Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Người như thế rất xa đối với sự viễn ly”.
Nói về sự viễn ly (vivekā) có ba pháp: thân viễn ly, tâm viễn ly và sanh y viễn ly.
1. Thân viễn ly (kāyaviveka): vị hành giả Phật giáo tìm đến nơi thanh vắng như khu rừng, gốc cây, hang núi, bãi tha ma v.v… Vị ấy đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình, nằm một mình.
2. Tâm viễn ly (cittaviveka): khi vị hành giả thành đạt sơ thiền, tâm của vị ấy viễn ly hay xa rời khỏi năm triền cái.
Thành đạt nhị thiền, tâm của vị ấy xa rời khỏi tầm và tứ.
Thành đạt tam thiền, tâm của vị ấy xa rời khỏi pháp hỷ.
Thành đạt tứ thiền, tâm của vị ấy xa rời khỏi lạc và khổ.
Thành đạt thiền không vô biên xứ, tâm của vị ấy xa rời khỏi sắc tưởng, chướng ngại tưởng, dị biệt tưởng.
Thành đạt thiền thức vô biên xứ, tâm của vị ấy xa rời khỏi không vô biên xứ tưởng.
Thành đạt thiền vô sở hữu xứ, tâm của vị ấy xa rời khỏi thức vô biên xứ tưởng.
Thành đạt thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm của vị ấy xa rời khỏi vô sở
hữu xứ tưởng.
Thành đạt thánh quả Nhập Lưu, tâm của bậc thánh giả xa rời khỏi thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, các phiền não tiềm ẩn và đồng sanh với ba pháp trên.
Thành đạt thánh quả Nhất Lai, tâm của bậc thánh giả xa rời khỏi tham và sân thô thiển, các phiền não tiềm ẩn và đồng sanh với tham và sân thô thiển.
Thành đạt thánh quả Bất Lai, tâm của bậc thánh giả xa rời khỏi tham và sân vi tế, các phiền não tiềm ẩn và đồng sanh với tham và sân vi tế.
Thành đạt thánh quả A La Hán, tâm của bậc thánh giả xa rời khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, các phiền não tiềm ẩn và đồng sanh với các pháp trên.
3. Sanh y viễn ly (upadhiviveka): sanh y là để chỉ cho phiền não, ngũ uẩn và các pháp hành.
Sanh y viễn ly chính là Niết Bàn, là pháp xa rời khỏi phiền não, ngũ uẩn và các pháp hành.
Đó là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự từ bỏ sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt và Niết Bàn.
Thân viễn ly là trường hợp của các vị hành giả mến chuộng nếp sống độc cư, thanh tịnh, các vị thiên về đời sống xuất gia.
Tâm viễn ly là tâm của các vị hành giả đạt đến sự hoàn toàn thanh tịnh.
Sanh y viễn ly là các vị hành giả không còn sanh y, đã chấm dứt các hành.
* Và dòng kệ ngôn sau cùng: “Dục lạc ở thế gian nầy không dễ gì mà từ bỏ”.
Ý nghĩa của dòng kệ nầy đã được giải thích chi tiết ở Kinh Tham Dục, Kāma
Sutta.
Câu kệ ngôn đầu tiên của Kinh Phẩm Tám Về Chiếc Hang nói rõ tình cảnh chung của tất cả chúng sanh trong đời sống luôn bị mê say trong dục lạc, luôn bị che lấp bởi ô nhiễm và phiền não.
Họ rất khó mà thành đạt thân viễn ly, tâm viễn ly và sanh y viễn ly. Câu kệ ngôn thứ nhất nói rõ chúng sanh bị đắm say trong dục lạc, trở nên rất xa lạ đối với hạnh viễn ly.
II. CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
“Do lòng tham muốn, thích hưởng thụ đời sống, cho nên dục lạc rất khó mà từ bỏ. Không thể có sự giải thoát từ nơi người khác.
Luôn suy nghĩ về quá khứ và tương lai, mọi người tầm cầu dục lạc hiện có và trước đó”.
* Do lòng tham muốn: bản chất của chúng sanh là tham đắm vào dục lạc.
* Thích hưởng thụ đời sống: thích thú với cảm giác dễ chịu, khoan khoái.
Sự hưởng thụ của chúng sanh trong đời sống nầy rất đa dạng. Có thể kể ra những điều phổ biến như sau:
Sự hưởng thụ có hai là lạc thọ và các đối tượng ưa thích.
Sự hưởng thụ có ba là tuổi trẻ, sức khỏe và chính cuộc sống.
Sự hưởng thụ có bốn là lợi lộc, danh vọng, khen ngợi và dục lạc.
Sự hưởng thụ có năm là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và xúc chạm êm ái.
Sự hưởng thụ có sáu là sự đầy đủ các căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
Chúng sanh bị trói buộc, bị xiết chặt, bị giam cầm trong các pháp hưởng thụ nêu trên.
* Cho nên, dục lạc rất khó mà từ bỏ: thật rất khó khăn cho chúng sanh tham đắm vào các đối tượng dục lạc có thể thoát ra khỏi nơi đó.
* Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Không thể có sự giải thoát từ nơi người khác”.
Không thể trông chờ sự thoát ly (ra khỏi dục lạc) từ nơi người khác.
Kinh Đoạn Giảm trong Trung Bộ Kinh đã trình bày ý nghĩa trên rất sinh động như sau:
“Nầy Cunda, không thể nào một người đang ở trong bùn lầy lại có thể giúp cho một người cũng đang ở dưới bùn lầy thoát ra khỏi nơi đó.
Cũng vậy, một người mà bản thân không rèn luyện, không tu tập, không an tịnh có thể giúp cho một người khác trở nên được rèn luyện, được tu tập, được an tịnh, chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra”.
Một đoạn kinh trong Kinh Tập ghi tiếp như sau:
“Như Lai không thể giúp cho những ai còn bị ảnh hưởng bởi hoài nghi, nầy Dhotaka, có thể được giải thoát.
Nhưng khi hiểu được diệu pháp, con có thể vượt qua cơn nước lũ”, (kệ ngôn 1064).
Và Pháp Cú Kinh có kệ ngôn diễn ý như sau:
“Do chính mình làm điều ác, do chính mình bị ô nhiễm.
Cũng do chính mình không làm điều ác, do chính mình được thanh tịnh
Thanh tịnh hay ô nhiễm đều do nơi chính bản thân; không ai có thể giúp cho người khác được thanh tịnh”, (kệ ngôn 165).
Ở một đoạn kinh khác:
“Nầy Bà la môn, có Niết Bàn và có con đường dẫn đến Niết Bàn và Như Lai là người chỉ đường.
Trong các đệ tử được Như Lai chỉ dạy và hướng dẫn, có một số thành đạt Niết Bàn, một số thì không. Như Lai có thể làm gì bây giờ ? Như Lai là người chỉ đường mà thôi”, (Kinh Gaṇakamoggallāna Sutta thuộc Trung Bộ Kinh).
Đức Như Lai chỉ dẫn con đường đi. Các vị hành giả phải đi trên con đường đó mới có thể giải thoát.
Các đoạn kinh nêu trên minh họa cho lời kệ ngôn: “Không thể có sự giải thoát từ nơi người khác”.
Nếu chúng ta muốn được giải thoát và hạnh phúc, phải bắt đầu từ sự nỗ lực và tinh tấn của chính mình.
* Dòng kệ ngôn sau cùng: “Luôn suy nghĩ về quá khứ và tương lai, mọi người tầm cầu dục lạc hiện có và trước đó”.
Chúng sanh suy nghĩ và tầm cầu về dục lạc đã qua hay sắp tới; họ luôn bị dính mắc và bị giam chặt vào trong dục lạc.
Câu kệ ngôn thứ hai nói lên sự thật về bản chất của chúng sanh ở thế gian.
III. CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
“Những ai tham đắm vào dục lạc, thường xu hướng theo đó, sẽ lạc lối, trở nên ích kỷ, và đi vào con đường không chơn chánh.
Khi gặp đau khổ, họ sẽ than vãn: ‘Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?’”.
* Những ai tham đắm vào dục lạc: tâm của chúng sanh bị dính mắc, trầm nịch theo dục lạc ngũ trần.
* Thường xu hướng theo đó: tầm cầu, theo đuổi dục lạc.
* Sẽ lạc lối: bị lạc vào mê hồn trận của dục lạc giống như một người đi lạc vào khu rừng rậm, không có lối ra.
* Trở nên ích kỷ: từ Pāli “avadāniyā” để chỉ cho ba cách hành xử tiêu cực trong cuộc sống. Đó là thoái hóa, bỏn xẻn và ương ngạnh.
Chúng sanh bị tham dục xâm chiếm sẽ không thể nào tiến hóa được mà bắt đầu cho quá trình đi xuống. Họ bị rơi vào các cảnh khổ, có thể là địa ngục, súc sanh hay ngạ quỷ.
Họ trở nên bỏn xẻn và ích kỷ. Có thể là bỏn xẻn về chỗ ở, gia tộc, lợi lộc, danh tiếng hoặc là Giáo Pháp.
Họ trở nên ương ngạnh, không còn biết học hỏi điều hay lẽ phải. Họ không chịu lắng nghe lời giảng dạy, khuyên nhủ của Chư Phật, chư vị thánh nhân, các bậc thiện trí thức.
* Và đi vào con đường không chơn chánh: với những sở hành bất thiện như vậy, chúng sanh bắt đầu đi vào con đường phi pháp hay tà đạo.
Họ bắt đầu có thân tà hạnh, khẩu tà hạnh và ý tà hạnh.
Bbắt đầu sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục, nói dối, nói lời gây chia rẽ, nói lời hung ác, nói lời vô ích, tham dục, sân hận, và tà kiến.
Bắt đầu đi vào con đường ác bất thiện pháp, con đường ngũ dục, con đường của năm triền cái.
Họ càng ngày càng đi sâu vào con đường phi pháp mà không có lối ra, bị lạc lối ở trong đó, bị thâm nhiễm bởi ác pháp.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn cuối: “Khi gặp đau khổ, họ sẽ than vãn: ‘Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?’”.
Khi gặp đau khổ ở đây có nghĩa là cận kề với cái chết, đối diện với tử thần.
Lúc đó chúng sanh bị ô nhiễm bởi các ác pháp nêu trên sẽ sợ hãi, bấn loạn và đau khổ vì không biết mình sẽ đi về đâu.
Câu kệ ngôn thứ ba mô tả cách hành xử theo bất thiện pháp của chúng sanh bị ô nhiễm bởi tham dục, và hậu quả của nó.
IV. CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
“Do đó, mọi người cần phải tu tập ngay từ bây giờ. Trong cuộc sống, bất cứ điều gì là phi pháp thì không nên hành xử theo đó.
Bậc thiện trí đã nói mạng sống nầy rất ngắn ngủi”.
* Mọi người cần phải tu tập ngay từ bây giờ: mọi người con Phật phải lo tu tập ngay trong thời điểm nầy, trong Pháp và Luật nầy, trong Giáo Pháp của Đức Như Lai.
Nói về tu tập thì có ba pháp: tu tập tăng thượng giới, tu tập tăng thượng tâm, tu tập tăng thượng tuệ.
1. Tu tập tăng thượng giới (adhisīlasikkhā): ở đây vị Tỳ Kheo có giới hạnh.
Vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Ba la đề mộc xoa (Pāṭimokkha), thành tựu chánh hạnh và hành xứ, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và tu tập trong các học giới.
2. Tu tập tăng thượng tâm (adhicittasikkhā): vị Tỳ Kheo thành tựu về sơ thiền.
Thành tựu về nhị thiền.
Thành tựu về tam thiền.
Thành tựu về tứ thiền.
3. Tu tập tăng thượng tuệ (adhipaññāsikkhā): ở đây vị Tỳ Kheo thành tựu về trí tuệ thấy rõ được các pháp phát sanh và hoại diệt; thành tựu trí tuệ cao quý, trí tuệ thể nhập và dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau.
Vị ấy hiểu rõ: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự chấm dứt khổ, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ”.
Vị ấy hiểu rõ: “Đây là phiền não, đây là nguyên nhân của phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não”.
Đó là ba điều tu tập của người con Phật chúng ta.
Vị hành giả hướng tâm đến tăng thượng giới, tăng thượng tâm và tăng thượng tuệ để rèn luyện, trau dồi và tu học.
Vị hành giả tu tập theo ba pháp trên dựa theo năm sức mạnh tinh thần: đức tin, chuyên cần, tâm niệm, định lực và trí huệ.
Vị hành giả tu tập để có thể biết rõ các pháp cần phải biết rõ.
Vị hành giả tu tập để có thể hiểu rõ các pháp cần phải hiểu rõ.
Vị hành giả tu tập để có thể đoạn trừ các pháp cần phải đoạn trừ.
Vị hành giả tu tập để có thể phát triển các pháp cần phải phát triển.
* Trong cuộc sống, bất cứ điều gì là phi pháp thì không nên hành xử theo đó.
Điều phi pháp đã được giải thích trong câu kệ ngôn thứ ba.
Đó là điều ác, bất thiện pháp, hay mười điều bất thiện nghiệp.
Đó là tà đạo, con đường không chân chánh, con đường phi pháp.
Đó là con đường dục lạc ngũ trần, con đường của năm triền cái, con đường của Ma vương.
Người tu học chúng ta cần phải tránh xa con đường phi pháp đó.
* Và dòng kệ ngôn cuối: “Bậc thiện trí đã nói mạng sống nầy rất ngắn ngủi”.
Đời sống hay mạng sống nầy rất ngắn ngủi bởi sự thay đổi nhanh chóng và mỏng manh của kiếp sống.
Mạng sống nầy rất ngắn ngủi vì sự thay đổi nhanh chóng có nghĩa là vào sát na tâm quá khứ, chúng sanh đã sống chớ không sống hay sẽ sống.
Vào sát na tâm vị lai, chúng sanh sẽ sống chớ không sống hay đã sống.
Vào sát na tâm hiện tại, chúng sanh đang sống, chớ không đã hay sẽ sống.
Có nghĩa là đời sống hay mạng sống của chúng ta thay đổi bất tận theo từng giây phút, theo từng khoảnh khắc, theo từng sát na tâm, một sự thay đổi liên tục như dòng sông chảy không ngừng nghỉ.
Sách Thanh Tịnh Đạo giải thích là mạng sống của chúng sanh ngắn ngủi có thể so sánh như tia chớp xuất hiện trên không trung, thấy đó rồi mất đó.
Hơn nữa, mạng sống nầy rất ngắn ngủi vì sự mỏng manh của kiếp sống.
Mạng sống của chúng ta tùy thuộc vào hơi thở vào, hơi thở ra, vào tứ đại (đất, nước, lửa, gió), vào vật thực, vào hơi ấm, vào tâm thức.
Những yếu tố nầy hết sức mỏng manh, yếu ớt, dễ tan vỡ biết là chừng nào!
Khi những yếu tố nầy tan vỡ thì mạng sống của chúng ta cũng tiêu hoại theo.
Như vậy, câu kệ ngôn thứ tư khuyên dạy chúng sanh hãy siêng năng và tinh tấn tu học theo Phật Pháp ngay chính trong giây phút nầy.
V. CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
“Như Lai thấy rõ phần đông trên thế gian nầy rất là bất an, họ tham đắm vào mọi hình thức của đời sống.
Những người thấp kém luôn sầu muộn khi cận kề cái chết, nhưng họ không vơi đi sự chấp thủ vào đời sống hiện hữu”.
* Như Lai thấy rõ phần đông trên thế gian nầy rất là bất an: Đức Thế Tôn quan sát thấy số đông chúng sanh trong đời sống nầy rất là đau khổ.
Họ bất an, dao động, chao đảo, run rẩy và lo sợ.
Vì sao vậy?
Chúng sanh bất an bởi tham lam, sân hận, si mê.
Chúng sanh bất an bởi tà hạnh, ô nhiễm, tà kiến, phiền não.
Chúng sanh bất an bởi năm pháp triền cái, bởi phiền não ngủ ngầm.
Chúng sanh bất an bởi tám pháp thế gian (được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, tán dương, khiển trách, hạnh phúc và đau khổ).
Chúng sanh bất an bởi sanh, già, đau, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Chúng sanh bất an bởi sa đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a tu la, bởi sự đau khổ của kiếp người.
Chúng sanh bất an bởi bệnh tật, đói khát, mất mát người thân, tiêu hao tài sản v.v…
Phần đông chúng sanh trên thế gian khổ sở vì những nguyên nhân nêu trên.
* Họ tham đắm vào mọi hình thức của đời sống: họ tham đắm, dính mắc vào sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái.
Chúng sanh bị trói buộc vào dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
* Những người thấp kém luôn sầu muộn khi cận kề cái chết: những người thấp kém luôn sợ hãi khi đối diện với cái chết.
Đó là những người đi vào con đường không chân chánh, tà đạo, đi vào con đường phi pháp.
Nhưng họ không vơi đi sự chấp thủ vào đời sống hiện hữu.
Dầu như thế nào đi nữa, chúng sanh vẫn không giảm bớt tâm lý tham ái vào đời sống hiện có, và những cảnh giới tái sanh ở tương lai.
Có thể là một trong ba cõi, dục giới, sắc giới hay vô sắc giới.
Chính đây là động lực tạo nên hành trình bất tận sanh tử luân hồi của chúng sanh trong ba cõi.
Câu kệ ngôn thứ năm mô tả tiến trình tiếp diễn sự sống bất tận của chúng
sanh.
VI. CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
“Nhìn thấy họ lo sợ khi chấp thủ vào điều nầy là ‘của tôi’, giống như tình cảnh con cá trong dòng suối bị cạn nước;
Hiểu được điều đó thì không nên chấp thủ vào điều nầy là ‘của tôi’, không chấp thủ vào sanh hữu”.
Đức Thế Tôn nhìn thấy chúng sanh sống đau khổ vì tâm lý tham ái và chấp thủ.
* Nhìn thấy họ lo sợ khi chấp thủ vào điều nầy là ‘của tôi’: sự chấp thủ sự vật là của tôi, của tự ngã do hai nguyên nhân.
1. Do tham ái: bất cứ vật gì thuộc về quyền sở hữu, được xem như là của tôi, vật đó đã được hoạch định, giới hạn, chấp thủ với tham ái: “Cái nầy là của tôi, cái kia là của tôi, đến mức độ nầy là của tôi, đến mức độ kia là của tôi”.
Cái gì vậy?
Đó là hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm.
Đó là nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, vàng bạc, tôi trai, tớ gái, gia súc v.v…
Đó là làng mạc, đô thị, xứ sở, quốc gia, trải dài cho đến hết quả địa cầu nầy.
Tất cả mọi sự vật là đối tượng trong dòng chảy của 108 ái dục, đó là sự chấp thủ sự vật là của tôi do tham ái.
2. Do tà kiến: sự chấp thủ do ảnh hưởng của 20 thân kiến.
Sự chấp thủ sự vật do ảnh hưởng của các tà kiến được gọi là chấp thủ sự vật là của tôi.
Khi chấp thủ như vậy, chúng sanh sẽ dao động, chao đảo, run sợ, hoảng hốt, bấn loạn khi các đối tượng chấp thủ bị tiêu hoại và tan rã.
* Giống như tình cảnh con cá trong dòng suối bị cạn nước: tình cảnh của con cá trong dòng suối bị cạn nước rất là đau khổ.
Con cá có thể bị con quạ, con cò hay bất cứ con vật gì khác tước đoạt mạng sống của nó.
Chúng sanh chấp thủ vào đời sống nầy do tham ái và tà kiến sẽ lo sợ và hoảng hốt cũng dường như thế ấy.
* Hiểu được điều đó thì không nên chấp vào điều nầy là ‘của tôi’, không chấp thủ vào sanh hữu.
Khi hiểu biết như vậy, chúng sanh nên từ bỏ sự chấp thủ vào con người và sự vật.
Từ bỏ hoàn toàn sự chấp thủ do ảnh hưởng tham ái hoặc tà kiến.
Chúng sanh muốn được hạnh phúc trong đời sống thì không nên chấp thủ vào kiếp sống hiện hữu, cũng như các kiếp sống tái sanh kế tiếp.
Câu kệ ngôn thứ sáu trình bày giáo lý của sự buông bỏ; buông bỏ để được hạnh phúc, thảnh thơi và an lạc.
VII. CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY
“Sau khi từ bỏ tham muốn trên hai phương diện (sự sanh khởi và nguyên nhân), hiểu rõ về các xúc, không luyến ái, không làm bất cứ điều gì để tự khiển trách lấy chính mình, bậc trí không ô nhiễm bởi điều được thấy, điều được nghe”.
* Sau khi từ bỏ tham muốn trên hai phương diện: ở cả hai phương diện được
giải thích như sau.
Xúc là phương diện thứ nhất, nguyên nhân của xúc là phương diện thứ hai.
Quá khứ là phương diện thứ nhất, tương lai là phương diện thứ hai.
Thọ lạc là phương diện thứ nhất, thọ khổ là phương diện thứ hai.
Danh pháp là phương diện thứ nhất, sắc pháp là phương diện thứ hai.
Sáu nội căn là phương diện thứ nhất, sáu ngoại cảnh là phương diện thứ hai.
Thân kiến là phương diện thứ nhất, nguyên nhân của thân kiến là phương diện thứ hai.
Vị hành giả từ bỏ tham muốn ở cả hai phương diện có nghĩa là từ bỏ sự tham muốn liên quan đến tất cả các pháp nêu trên.
* Hiểu rõ về các xúc: Các xúc là sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu cảnh.
Hiểu rõ về các xúc là sự hiểu rõ về sự xúc chạm theo ba trường hợp:
1. Sự hiểu biết toàn diện: hiểu biết đầy đủ về các xúc, không thiếu sót.
2. Sự hiểu biết nhờ quán xét: quán xét các xúc là vô thường, khổ, là bệnh hoạn, là nỗi thống khổ v.v…
Quán xét về các xúc là đối tượng cho ô nhiễm, quán xét về nguyên nhân phát sanh các xúc, quán xét về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi các xúc.
3. Sự hiểu biết nhờ đoạn trừ: khi vị hành giả quán xét các xúc theo phương pháp nêu trên, vị ấy có thể chế ngự, từ bỏ và đoạn trừ tham ái đối với các xúc.
* Không luyến ái: không dính mắc, tham đắm, chấp trước vào các pháp nêu trên.
Không làm bất cứ điều gì để tự khiển trách lấy chính mình: một người tự khiển trách lấy chính mình bởi điều đã làm và bởi điều đã không làm.
1. Bởi điều đã làm:
Một người tự khiển trách lấy chính mình do suy nghĩ: “Ta đã làm thân tà hạnh, khẩu tà hạnh và ý tà hạnh”.
Do suy nghĩ: “Ta đã làm mười điều bất thiện nghiệp”.
2. Bởi điều đã không làm:
Một người tự khiển trách lấy chính mình do suy nghĩ: “Ta đã không làm thân chánh hạnh, khẩu chánh hạnh và ý chánh hạnh”.
Do suy nghĩ đã không thực hiện mười thiện nghiệp.
Do suy nghĩ đã không thực hành giới hạnh, thu thúc các căn, ẩm thực tiết độ, chánh niệm tỉnh giác.
Ta đã không tu tập tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.
Ta đã không hiểu biết về khổ đế, không đoạn trừ tập đế, không chứng ngộ diệt đế và không thực hành đạo đế.
* Bậc trí không ô nhiễm bởi điều được thấy, điều được nghe: bậc trí với trí tuệ siêu việt không bị ô nhiễm bởi các điều được thấy, các điều được nghe.
Trong sáng như hư không, bậc thánh giả đạt đến sự thanh tịnh tuyệt đối.
Câu kệ ngôn thứ bảy mô tả hành trạng của một bậc thánh trên thế gian nầy. Chư vị không tham luyến, dính mắc và chấp thủ vào bất cứ điều gì.
VIII. CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM
“Khi hiểu rõ về các tưởng, vị ấy có thể vượt qua cơn nước lũ.
Vị mâu ni không còn tham đắm vào tài sản, lấy ra khỏi con dao nhọn (sầu muộn), sống chuyên cần, không còn tham muốn vào đời nầy hay đời sau”.
* Khi hiểu rõ về các tưởng, vị ấy có thể vượt qua cơn nước lũ: có các loại tưởng như dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng, ly dục tưởng, ly sân tưởng, ly hại tưởng.
Và các loại tưởng khác như sắc tưởng, thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.
Khi hiểu rõ về các tưởng nghĩa là vị hành giả tuệ tri về các tưởng.
Vị ấy hiểu rõ các tưởng trên ba phương diện: sự hiểu biết toàn diện, sự hiểu biết nhờ quán xét và sự hiểu biết nhờ đoạn trừ.
Nhờ hiểu biết như vậy, vị hành giả sẽ vượt qua được cơn nước lũ của tham dục, chấp thủ, tà kiến và vô minh.
* Vị mâu ni không còn tham đắm vào tài sản: vị mâu ni (muni) là bậc thành đạt trí huệ.
Phẩm chất của vị mâu ni được thể hiện trên ba phương diện: thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ.
1. Thân hành động: vị mâu ni từ bỏ thân tà hạnh, thành tựu thân chánh hạnh.
Vị mâu ni hiểu biết rõ về thân hành động, sự hiểu biết kết hợp với đạo siêu thế.
Vị mâu ni an tịnh thân hành (hơi thở), và thành đạt tầng thiền thứ tư.
2. Khẩu hành động: vị mâu ni từ bỏ khẩu tà hạnh, thành tựu khẩu chánh hạnh.
Vị mâu ni hiểu biết rõ về khẩu hành động, sự hiểu biết kết hợp với đạo siêu thế.
Vị mâu ni an tịnh khẩu hành (tầm và tứ), và thành đạt tầng thiền thứ hai.
3. Ý hành động: vị mâu ni từ bỏ ý tà hạnh, thành tựu ý chánh hạnh.
Vị mâu ni hiểu biết rõ về ý hành động, sự hiểu biết kết hợp với đạo siêu thế.
Vị mâu ni an tịnh ý hành (thọ và tưởng), và thành đạt tầng thiền diệt thọ tưởng định.
Trên đây là phẩm chất cao quý của một vị mâu ni (muni) được thể hiện qua ba nghiệp.
Có cả thảy sáu bậc mâu ni:
1. Mâu ni tại gia (householder muni): vị tại gia chứng đắc Niết Bàn.
2. Mâu ni xuất gia (homeless muni): vị xuất gia chứng đắc Niết Bàn.
3. Mâu ni hữu học (trainee muni): bậc thành đạt ba thánh quả đầu tiên.
4. Mâu ni vô học (muni beyond tranining): bậc thành đạt quả vị A La Hán.
5. Mâu ni Độc Giác (Pacceka muni): Chư Phật Độc Giác.
6. Mâu ni của các vị mâu ni (muni among munis): Đức Như Lai, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác.
* Vị mâu ni không còn tham đắm vào tài sản: các bậc mâu ni nêu trên, các Ngài không còn tham đắm vào tài sản nữa, dầu là tài sản sở hữu do tham ái hay tà kiến.
* Lấy ra khỏi con dao nhọn: có bảy con dao nhọn (ẩn dụ).
Con dao nhọn của tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, sầu muộn, hoài nghi.
Vị ấy đã lấy ra khỏi thân mình bảy con dao nhọn và phá hủy tất cả bằng ngọn lửa trí huệ.
* Sống chuyên cần: siêng năng, tinh tấn, không hề xao lãng trong thiện pháp.
* Không tham muốn đời nầy hay đời sau: vị mâu ni không còn tham muốn vào sanh hữu.
Không tham muốn đời nầy là không tham muốn chính bản thân.
Không tham muốn đời sau là không tham muốn tha nhân.
Không tham muốn đời nầy là không tham muốn thân ngũ uẩn của chính mình.
Không tham muốn đời sau là không tham muốn thân ngũ uẩn của người khác.
Không tham muốn đời nầy là không tham muốn sáu nội căn.
Không tham muốn đời sau là không tham muốn sáu ngoại cảnh.
Không tham muốn đời nầy là không tham muốn cõi người, nhân loại.
Không tham muốn đời sau là không tham muốn cõi trời, Chư Thiên.
Không tham muốn đời nầy là không tham muốn cõi dục giới.
Không tham muốn đời sau là không tham muốn cõi sắc giới, cõi vô sắc giới, cũng như không tham muốn cảnh giới tái sanh khác, không tham muốn vào luân hồi, saṃsāra.
Câu kệ ngôn sau cùng của Kinh Phẩm Tám Về Chiếc Hang nêu rõ phẩm hạnh của bậc thánh nhân.
Các Ngài đã vượt qua cơn nước lũ, không còn tham đắm tài sản, đoạn trừ sầu muộn, và không còn tham muốn vào bất cứ sanh hữu nào. ↑ trở lên KINH PHẨM TÁM VỂ ĐIỀU XẤU
1. Một số người nói với ác ý, số người khác nói theo điều họ nghĩ là sự thật.
Vị mâu ni không tham gia vào cuộc tranh luận khởi lên; do đó, vị ấy không bận tâm điều gì, dầu đang ở nơi đâu.
2. Khi bị tâm tham dẫn dắt, lại nương theo sở thích, làm sao một người có thể vượt qua quan điểm của họ được?
Cho rằng quan điểm của riêng mình là hoàn hảo, người ấy phát biểu theo sự hiểu biết.
3. Khi không được hỏi đến, một người nào đó nói lên giới hạnh và sự thực hành của mình;
Người trí nói rằng kẻ đó là không tốt, vì bản tính hay thích khoe khoang.
4. Nhưng một vị Tỳ Kheo an tịnh, với nội tâm thanh tịnh, không hề nói tốt về đức hạnh của mình, “Tôi là như thế nầy, tôi là như thế kia”;
Người trí nói rằng vị Tỳ Kheo ấy là người có tâm hồn cao thượng, không thích khoe khoang gì với đời.
5. Một người triển khai các tà kiến, sắp xếp lại và phát triển chúng.
Người ấy bị dính mắc vào lợi ích của bản thân, sự lợi ích đem lại điều an lạc không chắc chắn.
6. Thật rất khó mà thoát ra khỏi sự chấp thủ vào tà kiến. Giữa những điều sai trái, họ chọn lọc và nắm giữ lấy một điều.
Do đó, trên cơ sở của sự chấp thủ, mọi người sẽ bác bỏ hay chấp nhận một lý thuyết nào đó.
7. Một người thanh tịnh không quan tâm đến quan điểm nào dầu ở nơi đâu, những quan điểm về sanh hữu.
Khi đã từ bỏ sự giả dối và kiêu mạn, làm thế nào một người thanh tịnh lại có thể sai lạc được, khi họ không vướng bận vào điều gì?
8. Mọi người dự phần vào và tranh cãi với nhau về các quan điểm; nhưng làm sao họ có thể cãi vã được với người không tham dự vào tranh luận?
Không nắm giữ hay bác bỏ một điều gì, vị ấy buông bỏ tất cả mọi quan điểm ở ngay tại nơi đây.
KINH DUṬṬHAṬṬHAKA SUTTA
1. Vadanti ve duṭṭhamanāpi eke, athopi ve saccamanā vadanti;
Vādañca jātaṃ muni no upeti, tasmā munī natthi khilo kuhiñci.
2. Sakañhi diṭṭhiṃ kathamaccayeyya, chandānunīto ruciyā niviṭṭho;
Sayaṃ samattāni pakubbamāno, yathā hi jāneyya tathā vadeyya.
3. Yo attano sīlavatāni jantu, anānupuṭṭhova paresa pāva;
Anariyadhammaṃ kusalā tamāhu, yo ātumānaṃ sayameva pāva.
4. Santo ca bhikkhu abhinibbutatto, itihanti sīlesu akatthamāno;
Tamariyadhammaṃ kusalā vadanti, yassussadā natthi kuhiñci loke.
5. Pakappitā saṅkhatā yassa dhammā, purakkhatā santi avīvadātā;
Yadattani passati ānisaṃsaṃ, taṃ nissito kuppapaṭicca santiṃ.
6. Diṭṭhīnivesā na hi svātivattā, dhammesu niccheyya samuggahītaṃ;
Tasmā naro tesu nivesanesu, nirassatī ādiyatī ca dhammaṃ.
7. Dhonassa hi natthi kuhiñci loke, pakappitā diṭṭhi bhavābhavesu;
Māyañca mānañca pahāya dhono, sa kena gaccheyya anūpayo so.
8. Upayo hi dhammesu upeti vādaṃ, anūpayaṃ kena kathaṃ vadeyya;
Attā nirattā na hi tassa atthi, adhosi so diṭṭhimidheva sabbanti.
↑ trở lên TÌM HIỂU NỘI DUNG KINH DUṬṬHAṬṬHAKA SUTTA
GIỚI THIỆU
Bài Kinh thứ ba trong Phẩm Aṭṭhakavagga Sutta là Duṭṭhaṭṭhaka Sutta, tạm dịch là Kinh Phẩm Tám Về Điều Xấu.
Kinh Duṭṭhaṭṭhaka Sutta mô tả một vị mâu ni không tham gia vào các cuộc tranh luận, không bị dính mắc vào mọi quan điểm, tri kiến.
Đức Thế Tôn luôn khước từ tranh luận bởi vì nó không đem lại lợi ích gì cả.
Theo Ngài, mọi quan điểm dẫn đến tranh luận không phải là nền tảng của đời sống phạm hạnh.
Trái lại, những quan điểm đó là chướng ngại, rào cản rất lớn cho người tầm đạo giải thoát.
Trong Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Thế Tôn đã nêu lên cả thảy 62 tà kiến. Tất cả quan điểm trên đều sai lạc vì chúng phát xuất từ ái dục và vô minh.
Ở tầng thánh đầu tiên, bậc thánh nhân Nhập Lưu đã diệt trừ được thân kiến, đoạn trừ mọi pháp liên quan đến tà kiến, cơn lũ của tà kiến, sự trói buộc của tà kiến.
Kinh Duṭṭhaṭṭhaka Sutta và một vài bài kinh trong phẩm Aṭṭhakavagga Sutta đều có cùng chủ đề là buông bỏ mọi quan điểm, hiểu biết sai lầm.
CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng Giáo Pháp đến tất cả chúng sanh hữu duyên.
Mọi người tìm về với Chánh Pháp ngày càng đông. Số lượng tín đồ của các ngoại đạo sư càng ngày càng giảm sút. Họ mất dần ảnh hưởng, danh tiếng và cúng dường từ người dân.
Trước tình hình đó, các ngoại đạo sư phải tìm cách đối phó.
Họ thuê một nữ du sĩ ngoại đạo rất xinh đẹp, tên là Sundarī.
Cô ta bắt đầu trang điểm với y phục, vòng hoa thật mỹ miều.
Mỗi ngày, chờ cho thị dân Sāvatthī trở lại thành sau khi nghe pháp ở Chùa Kỳ Viên, cô ta bắt đầu đi về hướng ngôi chùa.
Khi mọi người hỏi cô ta đi đâu vào giờ này thì Sundarī trả lời:
_ Tôi đi phục vụ cho Sa môn Gotama và đệ tử của ông ta.
Rồi cô ta đi lảng vảng xung quanh chùa. Đợi đến lúc cổng thành sắp đóng, Sundarī lẻn đi nhanh vào bên trong thành.
Vào lúc sáng sớm, Sundarī lại đi đến Chùa Kỳ Viên giả vờ như đang hái bông hoa trong khuôn viên nhà chùa.
Khi Phật tử đi đến chùa lễ Phật sớm, họ hỏi cô ta: “Cô đi đâu sớm vậy?”.
Sundarī lại trả lời rất mập mờ, không rõ ràng.
Sau đó nữa tháng, nhóm ngoại đạo giết chết Sundarī, chôn cô ta trong khuôn viên chùa, rồi bắt đầu tung tin đồn: “Đã lâu lắm chúng tôi không thấy Sundarī”.
Họ trình báo sự việc lên nhà vua rồi xin phép đi vào Chùa Kỳ Viên để tìm Sundarī.
Chỉ một lát sau, họ kéo lôi xác Sundarī lên, khiêng trên vai, rồi đi khắp thành Sāvatthī để bắt đầu bôi nhọ ngôi Tam Bảo.
Vào sáng sớm hôm đó, khi đêm đã dần trôi qua, Đức Thế Tôn quan sát thế gian với Phật nhãn và thấy rõ: “Hôm nay, nhóm ngoại đạo sẽ nhục mạ chúng ta. Như Lai sẽ không để mọi người tin vào họ, rồi hủy báng Tam Bảo. Việc làm nầy sẽ phải đọa vào khổ cảnh”.
Do đó, Đức Thế Tôn đóng cánh cửa nơi ngôi hương thất và ở lại bên trong. Ngài không đi ra bên ngoài khất thực như thường lệ.
Khi các vị Tỳ Kheo thấy cửa phòng hương thất đóng, nên chư vị bắt đầu đi khất thực.
Khi dân chúng thấy các vị Tỳ Kheo đi khất thực trên đường phố, họ sỉ vả chư vị rất thậm tệ.
Sau đó, Tôn giả Ānanda trở về và tường thuật sự việc lên Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế Tôn, nhóm ngoại đạo đã gây ra sự việc. Chúng ta không thể ở lại đây. Xứ sở Ấn Độ nầy rất rộng, con thỉnh Đức Thế Tôn hãy đi nơi khác”.
Đức Thế Tôn trả lời:
_ Nầy Ānanda, nhưng nếu ở đó, họ lại chửi mắng nữa thì chúng ta phải làm sao?
_ Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi nơi khác.
_ Nầy Ānanda, hãy nhẫn nại. Lời đồn đãi chỉ kéo dài trong bảy ngày. Sau đó mọi việc sẽ trở nên sáng tỏ.
Nói đến đây, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng cho Đại Đức Ānanda bài kinh Duṭṭhaṭṭhaka Sutta, Kinh Phẩm Tám Về Điều Xấu.
GIẢNG GIẢI
I. CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT
“Một số người nói với ác ý, số người khác nói theo điều họ nghĩ là sự thật.
Vị mâu ni không tham gia vào cuộc tranh luận khởi lên; do đó, vị ấy không bận tâm gì, dầu ở nơi đâu”.
* Một số người nói với ác ý: đây là chỉ cho nhóm ngoại đạo sư.
Trong câu chuyện dẫn nhập, các ngoại đạo sư do lòng ganh tỵ đã giết người rồi vu oan cho Đức Thế Tôn.
* Số người khác nói theo điều họ nghĩ là sự thật: một số người tin theo lời nói của các ngoại đạo sư.
Số đông đồ chúng của các vị ngoại đạo sư tin tưởng theo lời nói của thầy mình. Họ tìm đủ mọi cách để tấn công Đức Thế Tôn, tuy rằng người gây ra cái chết của Sundarī lại chính là thầy của họ.
* Vị mâu ni không tham gia vào cuộc tranh luận khởi lên: Đức Thế Tôn không phải là người gây ra vụ án.
Ngài vẫn bất động trước những lời chỉ trích nặng nề, không can dự gì vào âm mưu của các ngoại đạo sư.
* Do đó, vị ấy không bận tâm gì, dầu ở nơi đâu: tâm của bậc thánh giả không hề dao động, dầu bất cứ lý do gì.
Từ Pāli trong câu kệ là “Khilo”. Khilo là trạng thái tâm cứng cỏi, khô cằn hay hoang vu.
Có năm trạng thái tâm hoang vu: hoài nghi về Đức Phật, Giáo Pháp, Chư Tăng, điều học và hay sân hận với các bạn đồng tu.
Trong văn cảnh nầy, chúng ta hiểu là tâm của bậc giác ngộ không bận tâm gì đến những điều vu khống.
Để khuyên nhủ Đại Đức Ānanda hãy nhẫn nại trước những chỉ trích vô căn cứ, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Phẩm Tám Về Điều Xấu với câu kệ ngôn mở đầu như trên.
II. CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
“Khi bị tâm tham dẫn dắt, lại nương theo sở thích, làm sao một người có thể vượt qua quan điểm của họ được?
Cho rằng quan điểm của riêng mình là hoàn hảo, người ấy phát biểu theo sự hiểu biết”.
Sau khi nói câu kệ ngôn thứ nhất, Đức Thế Tôn hỏi tiếp Đại Đức Ānanda:
_ Nầy Ānanda, khi bị dân chúng chửi mắng và miệt thị, chư Tỳ Kheo có nói gì không?
_ Bạch Đức Thế Tôn, chư Tỳ Kheo không nói gì cả.
_ Nầy Ānanda, luôn giữ im lặng cũng không phải là đúng.
Trong trường hợp nầy, chư Tỳ Kheo phải nói cho dân chúng nghe câu kệ sau: “Người nói lời vu khống phải đọa vào địa ngục”.
Sau khi nghe câu kệ ngôn từ Đức Thế Tôn, Tôn giả đã nói với các Tỳ Kheo: “Chư vị hãy trả lời cho dân chúng với câu kệ nầy”.
Các vị Tỳ Kheo làm theo lời Tôn giả Ānanda. Kể từ đó, những người hiểu biết liền giữ im lặng, không gây khó dễ cho chư vị nữa.
Sau đó, nhà vua cho thám tử điều tra câu chuyện.
Khi biết được các ngoại đạo sư đã cho tiền những người xấu để giết hại Sundarī, quân lính bắt ngay thủ phạm và đem đến chỗ nhà vua phán xử. Họ đã khai báo người chủ mưu là các ngoại đạo sư.
Sự việc được làm sáng tỏ.
Từ đó, dân chúng thấy các ngoại đạo ở đâu, họ ném gạch đá tới tấp. Họ mắng các ngoại đạo sư không ngớt: “Các người lại dám vu khống Đức Thế Tôn của chúng tôi”.
Tôn giả Ānanda sau đó trình lên Đức Thế Tôn diễn biến câu chuyện. Nhân đó Đức Thế Tôn đọc tiếp câu kệ ngôn thứ hai:
“Khi bị tâm tham dẫn dắt, lại nương theo sở thích, làm sao một người có thể vượt qua quan điểm của họ được?
Cho rằng quan điểm của riêng mình là hoàn hảo, người ấy phát biểu theo sự hiểu biết”.
* Khi bị tâm tham dẫn dắt, lại nương theo sở thích, làm sao một người có thể vượt qua quan điểm của họ được?
Trong câu chuyện dẫn nhập, nhóm ngoại đạo sư âm mưu giết hại Sundarī để phá hoại uy danh của Tam Bảo.
Ngoại đạo nghĩ rằng nếu kế hoạch thành công thì dân chúng sẽ quay trở lại ủng hộ họ như trước đây.
Nhưng âm mưu bị bại lộ, mọi người ngày càng thêm chán ghét họ. Ý nghĩa của câu kệ ngôn được hiểu là như vậy.
* Cho rằng quan điểm của riêng mình là hoàn hảo, người ấy phát biểu theo sự hiểu biết.
Ngoại đạo cho rằng kế hoạch của họ là hoàn hảo, nên đã hành xử theo dự định, nhưng sau cùng đã thất bại.
Với câu kệ ngôn thứ hai, Đức Thế Tôn muốn nói về việc làm sai trái của nhóm ngoại đạo sư.
III. CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
“Khi không được hỏi đến, một người nào đó lại nói lên giới hạnh và sự thực hành của mình;
Người trí nói rằng kẻ đó là không tốt, vì bản tính hay thích khoe khoang”.
Sau khi cái chết của nữ du sĩ ngoại đạo một tuần lễ, Đức Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi Kosala) đi đến Chùa Kỳ Viên.
Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, nhà vua hỏi Ngài:
_ Bạch Đức Thế Tôn, khi xảy ra câu chuyện, tại sao Ngài không nói rõ sự việc cho con?
Đức Thế Tôn trả lời:
_ Thưa Đại vương, thật không thích hợp cho một bậc thánh nói với người khác về mình: “Tôi là người có đức hạnh, tôi là người tốt”.
Rồi Đức Thế Tôn đọc lên câu kệ ngôn:
“Khi không được hỏi đến, một người nào đó lại nói lên giới hạnh và sự thực hành của mình;
Người trí nói rằng kẻ đó là không tốt, vì bản tính hay thích khoe khoang”.
Nơi đây, chúng ta tìm hiểu về giới hạnh và sự thực hành.
Có những điều vừa là giới hạnh (sīla), vừa là sự thực hành (vata).
Có những điều chỉ là sự thực hành, không phải là giới hạnh.
Điều nào vừa là giới hạnh, vừa là sự thực hành?
Ở đây, vị Tỳ Kheo có giới hạnh tốt, thu thúc trong giới bổn Ba la đề mộc xoa, thành tựu chánh hạnh và hành xứ, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt. Sau khi thọ trì các học giới, vị ấy tự huấn luyện mình.
Sự tự chế ngự và không vi phạm là giới hạnh; việc thọ trì tự chế ngự và không vi phạm là sự thực hành.
Giới hạnh có ý nghĩa là sự tự chế. Sự thực hành có ý nghĩa là thọ trì. Đây vừa là giới hạnh, vừa là sự thực hành.
Điều nào là sự thực hành mà không phải là giới hạnh?
Sự thực hành theo các pháp đầu đà như ở trong rừng, ngăn oai nghi nằm v.v… là sự thực hành chớ không là giới hạnh. Sự dũng mảnh, tinh tấn cũng được hiểu tương tự.
* Khi không được hỏi đến, một người nào đó lại nói lên giới hạnh và sự thực hành của mình.
Liên hệ đến câu chuyện dẫn nhập, Đức Thế Tôn nói đến một số người hay thích nói về sở hành và thành tựu của mình, dầu không có ai hỏi đến.
* Người trí nói rằng kẻ đó là không tốt, vì bản tính hay thích khoe khoang.
Người có trí tuệ, bậc thiện xảo trong thiện pháp sẽ đánh giá những người như vậy có bản chất không tốt, vì hay khoe khoang về mình như thế này hay như thế kia.
Đức Thế Tôn đọc lên câu kệ ngôn thứ ba để trả lời cho Đức Vua Ba Tư Nặc lý do tại sao Ngài không nói cho nhà vua về kẻ chủ mưu trong vụ án.
IV. CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
“Nhưng một vị Tỳ Kheo an tịnh, với nội tâm thanh tịnh, không hề nói tốt về đức hạnh của mình, “Tôi như thế nầy, tôi như thế kia”;
Người trí nói rằng vị Tỳ Kheo ấy là người có tâm hồn cao thượng, không hề khoe khoang gì với đời”.
* Nhưng một vị Tỳ Kheo an tịnh, với nội tâm thanh tịnh, không hề nói tốt về đức hạnh của mình, “Tôi như thế nầy, tôi như thế kia”.
Một vị Tỳ Kheo an tịnh, với nội tâm thanh tịnh: vị Sa môn với phẩm chất tốt đẹp.
Một vị Tỳ Kheo đã làm lắng dịu các phiền não như tham lam, sân hận, si mê.
Vị hành giả đã từ bỏ tâm lý nóng nảy, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, giả dối, kiêu căng, phóng dật.
Và đoạn trừ tất cả phiền não, các tà hạnh, các ác bất thiện pháp.
Tuy nhiên bậc thánh giả không hề nói tốt về đức hạnh của mình.
Vị ấy sẽ không tự nói về mình như tôi là người có giới đức, tôi thành đạt tứ thiền hữu sắc, tôi thành đạt tứ thiền vô sắc, tôi thành đạt thiền nhập diệt tưởng định v.v…
* Người trí nói rằng vị Tỳ Kheo ấy là người có tâm hồn cao thượng, không hề khoe khoang gì với đời.
Chư Phật, Chư Thánh Hiền Tăng, các bậc thiện trí thức sẽ tán dương vị hành giả có đức tính khiêm cung như vậy.
Đó là vị Sa môn có đức tánh cao quý, không thích khoe khoang gì với đời.
Với câu kệ ngôn thứ tư, Đức Thế Tôn mô tả phẩm chất của một vị A La Hán, bậc thánh giả sống với tâm nhu thuận, khiêm cung.
V. CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
“Một người triển khai các tà kiến, sắp xếp lại và phát triển chúng.
Người ấy bị dính mắc vào lợi ích của bản thân, sự lợi ích đem lại điều an lạc không chắc chắn”.
Sau khi nói về phẩm hạnh của một bậc A La Hán, Đức Thế Tôn tiếp tục giảng dạy tiếp về cách hành xử của các ngoại đạo sư với câu kệ thứ năm.
* Một người triển khai các tà kiến, sắp xếp lại và phát triển chúng.
Đây để chỉ cho những người theo quan điểm sai lầm, tà kiến. Các ngoại đạo sư chủ trương, truyền bá những điều sai lầm.
Chủ yếu là do động cơ ái dục và tà kiến mà các ngoại đạo sư truyền bá quan điểm sai lầm, đặc biệt là 62 tà kiến. Các tà kiến nầy được Đức Thế Tôn thuyết giảng chi tiết trong Kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh).
* Người ấy bị dính mắc vào lợi ích của bản thân, sự lợi ích đem lại điều an lạc không chắc chắn.
Khi chủ trương quan điểm sai lầm như vậy, các ngoại đạo có được hai lợi ích: lợi ích trong đời hiện tại và lợi ích trong đời vị lai.
1. lợi ích trong đời hiện tại.
Các ngoại đạo sư sẽ được số đông tín đồ cung kính, tôn trọng và cúng dường nhiều phẩm vật.
2. lợi ích trong đời vị lai.
Họ nghĩ rằng do tà kiến nầy ta sẽ sanh lại làm vua, Chư thiên, Phạm thiên v.v…
Do tà kiến nầy ta sẽ trở nên trong sạch, thanh tịnh và giải thoát.
Chủ trương sai lạc của các ngoại đạo sư dựa trên hai cơ sở là ái dục và tà kiến.
* Sự lợi ích đem lại điều an lạc không chắc chắn.
Trong dòng kệ nầy có từ an lạc (santi). An lạc có ba loại:
1. an lạc tuyệt đối là để chỉ cho Niết Bàn.
2. an lạc ở phương diện riêng rẽ: các thiền hữu sắc và các thiền vô sắc.
3. an lạc chế định là để chỉ cho tà kiến mà các ngoại đạo nắm giữ.
Như vậy, lợi ích của các ngoại đạo nhắm đến điều an lạc không bao giờ chắc chắn và bền vững, không có cơ sở.
Đức Thế Tôn khẳng định các ngoại đạo sư thuyết giảng những điều sai lạc. Rồi họ chỉ dẫn cho số đông tín đồ đi vào con đường sai lầm không có lối thoát.
VI. CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
“Thật rất khó mà thoát ra khỏi sự chấp thủ vào tà kiến. Giữa những điều sai trái, họ chọn lọc và nắm giữ lấy một điều.
Trên cơ sở của sự chấp thủ, mọi người sẽ bác bỏ hay chấp nhận một lý thuyết nào đó”.
* Thật rất khó mà thoát ra khỏi sự chấp thủ vào tà kiến.
Sự chấp thủ vào tà kiến là việc nắm chặt vào một giáo điều, tín điều nào đó rồi xem đó như là chân lý.
Một khi đã dính mắc vào điều sai trái, thật rất khó mà thoát ra khỏi sự chấp thủ.
* Giữa những điều sai trái, họ chọn lọc và nắm giữ lấy một điều.
Trong số 62 tà kiến, tín đồ của ngoại đạo chọn lọc và nắm giữ lấy một điều tà kiến.
Họ nắm giữ, chấp chặt vào một quan điểm sai lạc rồi cho đó là sự thật, chân chánh, là chân lý.
* Trên cơ sở của sự chấp thủ, mọi người sẽ bác bỏ hay chấp nhận một lý thuyết nào đó.
Cơ sở của sự chấp thủ: Đó có thể là sự thực hành theo hạnh con chó, hạnh con bò, hạnh của các loài vật, phơi nắng, nằm trên gai nhọn v.v…, sự thực hành theo giáo điều của các ngoại đạo sư.
* Mọi người sẽ bác bỏ hay chấp nhận một lý thuyết nào đó: tín đồ ngoại đạo được ví như con khỉ trong rừng, buông một cành cây nầy để nắm bắt một cành cây khác.
Họ bác bỏ hay chấp nhận một lý thuyết sai lạc nào đó vì nghĩ rằng sẽ đạt được lợi ích trong đời nầy hay đời sau.
Đức Thế Tôn mô tả sở hành của các tín đồ ngoại đạo. Họ rơi vào cơn lũ tà kiến và rất khó để thoát ra khỏi điều đó.
VII. CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY
“Một người thanh tịnh không quan tâm đến quan điểm nào dầu ở nơi đâu, những quan điểm về sanh hữu.
Khi đã từ bỏ sự giả dối và kiêu mạn, làm thế nào một người thanh tịnh lại có thể sai lạc được, khi họ không vướng bận vào điều gì?”.
Sau khi đã nói về sở hành sai lạc của các tín đồ ngoại đạo, Đức Thế Tôn nói tiếp phẩm chất thanh tịnh của bậc thánh nhân trong Phật giáo với câu kệ ngôn trên.
* Một người thanh tịnh không quan tâm đến quan điểm nào dầu ở nơi đâu.
Một người là thanh tịnh hay trong sạch bởi vì vị ấy có trí tuệ, người có trí tuệ dễ dàng từ bỏ tà kiến và các lỗi lầm.
Trí tuệ là thanh tịnh hay trong sạch vì nhờ có trí tuệ vị hành giả mới có thể từ bỏ thân tà hạnh, khẩu tà hạnh, ý tà hạnh.
Vị hành giả có trí tuệ từ bỏ tham lam, sân hận, si mê, tất cả ác bất thiện pháp.
Bậc thánh giả, nhất là bậc thánh nhân A La Hán, là bậc thanh tịnh hay trong sạch bậc nhất, bởi vì Ngài đã từ bỏ mọi phiền não, ô nhiễm, kiết sử.
Một người thanh tịnh không quan tâm đến những quan điểm về sanh hữu.
Dầu ở bất cứ nơi đâu, bậc thánh giả đã lìa bỏ tất cả tà kiến, mọi quan điểm sai lầm về các cõi như dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đời nầy hay đời sau.
* Khi đã từ bỏ sự giả dối và kiêu mạn, làm thế nào một người thanh tịnh lại có thể sai lạc được, khi họ không vướng bận vào điều gì?
Bậc thánh giả là bậc thanh tịnh và trong sạch. Với trí tuệ vị ấy từ bỏ mọi ô nhiễm của tâm như sự giả dối và kiêu căng.
Vị ấy không vướng bận vào điều gì, không chấp thủ vào quan điểm sai lầm nào, vị ấy không thể bị sai đường lạc lối.
Đức Thế Tôn mô tả phẩm chất của bậc thánh nhân Phật giáo.
Chư vị là những bậc thanh tịnh và trong sạch. Với trí tuệ cao quý, chư vị từ bỏ mọi ô nhiễm, mọi quan điểm sai lầm.
VIII. CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM
“Mọi người dự phần vào và tranh cãi với nhau về các quan điểm; nhưng làm sao họ có thể cãi vã được với người không tham dự vào tranh luận?
Không nắm giữ hay bác bỏ điều gì, vị ấy buông bỏ tất cả mọi quan điểm ở ngay tại đây”.
Đây là câu kệ ngôn cuối của Kinh Phẩm Tám Về Điều Xấu.
Câu kệ ngôn nêu lên phẩm chất cao quý của bậc thánh nhân A La Hán.
* Mọi người dự phần vào và tranh cãi với nhau về các quan điểm.
Phần đông bị ảnh hưởng bởi tham dục và tà kiến, họ sẵn sàng tranh luận, cãi nhau về các quan điểm đúng sai.
* Nhưng làm sao họ có thể cãi vã được với người không tham dự vào tranh luận?
Người không tham dự vào tranh luận ở dòng kệ trên là bậc thánh nhân A La Hán.
Bậc thánh giả đã từ bỏ hoàn toàn tham dục và tà kiến.
Ngài đã từ bỏ tham lam, sân hận, si mê, các ác bất thiện pháp.
Bậc thánh giả đã từ bỏ mọi phiền não, ô nhiễm, kiết sử.
Chư vị không bận tâm, không quan tâm đến những cuộc tranh luận của số đông còn đầy dẫy phiền não.
* Không nắm giữ hay bác bỏ điều gì, vị ấy buông bỏ tất cả mọi quan điểm ở ngay tại đây.
Bậc thánh giả không còn nắm giữ quan điểm về tự ngã hay quan điểm về đoạn diệt.
Đây là hai tà kiến tiêu biểu, được gọi là thường kiến và đoạn kiến.
Vị ấy đã sống đời phạm hạnh, đã hoàn thành mọi phận sự, đã hoàn tất cuộc hành trình, đã thành đạt mục tiêu; đối với bậc thánh giả sẽ không còn bước đi vô định trên lộ trình sanh tử.
* Vị ấy buông bỏ tất cả mọi quan điểm ở ngay tại đây.
Ngay trong chính kiếp sống nầy, bậc thánh giả từ bỏ 62 tà kiến.
Chư vị diệt trừ, chấm dứt, đoạn tận, đốt cháy mọi quan kiến sai lầm bằng ngọn lửa trí tuệ.
KẾT LUẬN
Thông qua Kinh Phẩm Tám Về Điều Xấu, Duṭṭhaṭṭhaka Sutta, Đức Thế Tôn mô tả hành trạng của bậc thánh nhân cao quý. Chư vị là những bậc giải thoát tuyệt đối, khi đã buông bỏ hết mọi kiến chấp.
Bậc thánh giả đã hoàn tất cuộc hành trình và luôn sống thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc.
Đây là hình ảnh cao quý của bậc thánh nhân, là vị hành giả lý tưởng cho người con Phật chúng ta noi theo.
“Người lành thường mãi lìa xa,
Những điều dục lạc bỏ qua chẳng bàn.
Người hiền trí gặp vui buồn,
Dù đầy hạnh phúc, hay tràn khổ đau.
Không hề dao động trước sau,
Tinh thần luôn vững, há nào mừng lo”.
(Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 83) ↑ trở lên
|