Kinh Subhāsita- KINH SUBHĀSITA SUTTA
- Ý NGHĨA CỦA KINH SUBHĀSITA SUTTA
↑ trở lên KINH SUBHĀSITA SUTTA
Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự ở thành Sāvatthī, nơi Tịnh Xá Kỳ Viên, ngôi vườn của Ông Cấp Cô Độc. Nơi đó Đức Thế Tôn đã gọi các vị Tỳ Kheo: “Nầy chư Tỳ Kheo!”. Các vị Tỳ Kheo vâng đáp Đức Thế Tôn: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!”.
Đức Thế Tôn nói như sau:
“Nầy chư Tỳ Kheo, khi lời nói hội đủ bốn yếu tố, lời nói đó được xem là khéo nói, không phải vụng nói, là lời nói không bị phê bình và khiển trách bởi người trí. Thế nào là bốn?
Ở đây, vị Tỳ Kheo chỉ nói lời tốt đẹp, không phải lời nói không tốt đẹp.
Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời liên hệ đến Pháp, không phải lời nói không liên hệ đến Pháp.
Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời khả ái, không phải lời nói không khả ái.
Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời chân thật, không phải lời nói hư ngụy.
Khi lời nói hội đủ bốn yếu tố, lời nói đó được xem là khéo nói, không phải vụng nói, là lời nói không bị phê bình và khiển trách bởi người trí.
Đó là lời dạy của Đức Thế Tôn.
Khi nói như vậy xong, Đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư lại nói thêm:
450. Bậc trí nhận định lời nói tốt đẹp là pháp thứ nhất;
Thứ hai là lời nói về Pháp, không nói phi Pháp;
Thứ ba là lời ái ngữ, không phải lời nói thô kệch;
Thứ tư là lời nói chân thật, không phải lời nói hư ngụy.
Rồi Đại Đức Vaṅgīsa đứng dậy từ chỗ ngồi, đắp thượng y lên một bên vai, vị ấy đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi nói: “Bạch Đức Thế Tôn, một cảm hứng đã khởi lên nơi con! Bạch Đức Thế Tôn, một cảm hứng đã khởi lên nơi con!”.
Đức Thế Tôn nói: “Nầy Vaṅgīsa, hãy nói lên niềm cảm hứng ấy”.
Trước sự hiện diện của Đức Thế Tôn, Đại Đức Vaṅgīsa đã tán thán Ngài với những kệ ngôn thích hợp như sau:
451. Chỉ nên nói lên lời nói không gây phiền cho mình, không gây tổn hại cho người khác.
Lời nói như vậy thật sự là lời nói tốt đẹp.
452. Chỉ nên nói lên lời nói khả ái, lời nói được mọi người quý mến.
Chỉ nên nói lên lời nói tốt đẹp, lời nói đem lại niềm vui cho mọi người.
453. Thật sự, chân thật là lời nói bất tử. Đó là định luật từ ngàn xưa.
Bậc trí thường nói điều tốt đẹp và Chánh Pháp luôn được xây dựng trên sự thật.
454. Lời nói mà Đức Phật đã nói ra để thành đạt Niết Bàn, sự an ổn, và chấm dứt khổ đau. Đó thật sự là lời nói tối thượng.↑ trở lên Ý NGHĨA CỦA KINH SUBHĀSITA SUTTA
I. Giới thiệu
Bài Kinh Subhāsita Sutta, Kinh Thiện Ngôn, nằm ở chương thứ ba trong Kinh Tập,
chương Đại Phẩm (Mahāvagga).
Là bài kinh thứ 29 trong tổng số 72 bài kinh thuộc Kinh Tập (Sutta Nipāta), Tiểu Bộ
Kinh (Khuddaka Nikāya).
Bài Kinh Subhāsita Sutta gồm có hai phần: phần văn xuôi và thể kệ ngôn.
Trong phần văn xuôi, Đức Thế Tôn kể ra bốn yếu tố của lời nói tốt đẹp hay thiện ngôn
(the well-spoken speech).
Sau đó, được sự cho phép của Đức Thế Tôn, Đại Đức Vaṅgīsa đã diễn lại ý nghĩa lời
dạy theo lối thể thơ.
Đại Đức Vaṅgīsa đã từng được Đức Thế Tôn khen ngợi giữa hội chúng Tỳ Kheo là một
vị Tỳ Kheo giỏi nhất trong việc diễn đạt ý pháp bằng thơ.
Ở cuối bài kinh, Đại Đức Vaṅgīsa đã tán dương lời nói của Đức Thế Tôn là lời nói tối
thượng (the supreme speech).
II. NGÔN NGỮ TRONG ĐẠO PHẬT LÀ CHÁNH NGỮ
Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp thoại nầy để khuyên dạy chúng sanh không nên bất cẩn trong lời nói mà phải thường xuyên trau dồi khẩu nghiệp.
Đức Thế Tôn giảng dạy như sau:
“Nầy chư Tỳ Kheo, khi lời nói hội đủ bốn yếu tố, lời nói đó được xem là khéo
nói, không phải vụng nói, là lời nói không bị phê bình và khiển trách bởi người trí.
Lời khéo nói là lời nói đem đến lợi ích và an lạc.
Không phải vụng nói là lời nói không đem lại tai hại.
Lời nói như vậy sẽ không bị người có trí phê bình và khiển trách.
Thế nào là lời nói hội đủ bốn yếu tố?
1. Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời tốt đẹp (subhāsitaṃ), không phải lời nói không tốt đẹp (dubbhāsitaṃ).
Vị Tỳ Kheo chỉ nên nói lên những lời nói tốt đẹp, tránh xa những lời nói không tốt như vọng ngữ, gây chia rẽ v.v…
Bậc thiện trí luôn từ bỏ pháp tà ngữ.
2. Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời liên hệ đến Pháp (dhammaṃ), không phải lời nói không liên hệ đến Pháp (adhammaṃ).
Lời nói liên hệ đến Pháp là lời nói có ý nghĩa liên quan đến Giáo Pháp, chớ không phải những lời không có ý nghĩa, những câu chuyện vô bổ.
3. Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời khả ái (piyaṃ), không phải lời nói không khả ái (appiyaṃ).
Lời nói khả ái là những lời nói tao nhã, thanh cao, chớ không phải là lời nói khó nghe.
4. Vị Tỳ Kheo chỉ nói lời chân thật (saccaṃ), không phải lời nói hư ngụy (alikaṃ).
Đó là bốn yếu tố của lời nói tốt đẹp, lời nói của chánh ngữ.
Lời nói có đầy đủ phẩm chất như trên, dầu được diễn đạt bằng bất cứ ngôn ngữ nào, đều là lời nói cao quý. Bởi vì chánh ngữ luôn đem lại hạnh phúc và an lạc.
Sau khi thuyết giảng về pháp chánh ngữ, Đức Thế Tôn nói thêm lời kệ ngôn sau đây:
450. Bậc trí nhận định lời nói tốt đẹp là pháp thứ nhất;
Thứ hai là lời nói về Pháp, không nói phi Pháp;
Thứ ba là lời ái ngữ, không phải lời nói thô kệch;
Thứ tư là lời nói chân thật, không phải lời nói hư ngụy.
Câu kệ ngôn trên xác định lại bốn phẩm chất cao quý của lời khéo nói hay thiện ngôn.
Khi Đức Thế Tôn đọc dứt câu kệ ngôn, Đại Đức Vaṅgīsa đứng dậy từ chỗ ngồi, đắp thượng y lên một bên vai.
Vị ấy đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi nói: “Bạch Đức Thế Tôn, một cảm hứng đã khởi lên nơi con! Bạch Đức Thế Tôn, một cảm hứng đã khởi lên nơi con!”.
Đức Thế Tôn nói: “Nầy Vaṅgīsa, hãy nói lên niềm cảm hứng ấy”.
Đại Đức Vaṅgīsa, đã từng được Đức Thế Tôn khen ngợi giữa hội chúng Tỳ Kheo là một vị Tỳ Kheo giỏi nhất trong việc diễn đạt ý pháp bằng thơ, đọc tiếp các câu kệ ngôn thích hợp như sau:
451. Chỉ nên nói lên lời không gây phiền cho mình, không gây tổn hại cho người khác.
Lời nói như vậy thật sự là lời nói tốt đẹp.
Chỉ nói lên lời không gây phiền cho mình: lời nói không gây phiền hà, sầu muộn cho chính mình.
Không gây tổn hại cho người khác: lời nói không gây chia rẽ giữa người nầy với người kia.
Với câu kệ ngôn 451, Đại Đức Vaṅgīsa tán thán giới đức của Đức Thế Tôn. Ngài không bao giờ nói lên lời nói gây chia rẽ.
452. Chỉ nên nói lên lời nói khả ái, lời nói được mọi người quý mến.
Chỉ nên nói lên lời nói không đem lại điều xấu, lời nói đem lại niềm vui cho mọi người.
Chỉ nên nói lên lời nói khả ái, lời nói được mọi người quý mến: lời nói đem lại sự hoan hỷ, quý mến, lời nói đi vào lòng người.
Chỉ nên nói lên lời nói không đem lại điều xấu: không thốt ra những lời thô lỗ, cộc cằn, khó nghe, những lời nói gây phản cảm.
Trái lại, chúng ta chỉ nên nói những lời nói tạo niềm hoan hỷ, lời nói đẹp trong ngôn từ và ý nghĩa.
Với câu kệ ngôn 452, Đại Đức Vaṅgīsa tán thán giới đức của Đức Thế Tôn. Lời nói của Ngài là ngôn từ khả ái.
453. Thật sự, chân thật là lời nói bất tử. Đó là định luật từ ngàn xưa.
Bậc trí thường nói điều tốt đẹp và Chánh Pháp luôn được xây dựng trên sự thật.
Chân thật là lời nói bất tử: sự chân thật có hương vị ngọt ngào bậc nhất. Là bất tử vì lời chân thật là nhân duyên đem lại sự thành tựu Niết Bàn.
Đó là định luật từ ngàn xưa: đây là truyền thống quý báu từ bao đời nay. Các bậc tiền nhân không khi nào nói lên những lời sai với sự thật.
Điều tốt đẹp và Chánh Pháp luôn được xây dựng trên sự thật: lời chân thật là điều tốt đẹp vì lời nói chân chánh không xa rời khỏi lợi ích của mọi người, lời chân thật không tạo nên chướng ngại.
Vì lời chân thật không tạo nên sự chướng ngại nên chính đó cũng là Chánh Pháp (Dhamma), bởi vì lời chân thật không xa rời Giáo Pháp.
Lời nói chân thật là sự kết hợp giữa điều tốt đẹp và Chánh Pháp (dhammikam eva atthaṃ).
Với câu kệ ngôn 453, Đại Đức Vaṅgīsa tán thán giới đức của Đức Thế Tôn. Lời nói của Ngài là lời nói chân thật.
454. Lời nói mà Đức Phật đã nói ra để thành đạt Niết Bàn, sự an ổn, và chấm dứt khổ đau, đó thật sự là lời nói tối thượng.
Lời nói của Đức Thế Tôn đem đến sự chấm dứt phiền não, đoạn tận khổ đau.
Lời nói của Đức Thế Tôn là an ổn vì lời nói đó chỉ bày rõ con đường an ổn dẫn đến hữu dư y Niết Bàn và vô dư y Niết Bàn, dẫn đến sự giải thoát.
Đó thật sự là lời nói tối thượng: lời nói của Đức Thế Tôn là tối thượng trong tất cả ngôn từ.
Với câu kệ ngôn 454, Đại Đức Vaṅgīsa tán thán giới đức của Đức Thế Tôn. Lời nói của Ngài là ngôn ngữ tối thượng vì là phương tiện đem lại sự giải thoát và giác ngộ.
Với bốn câu kệ ngôn trong bài kinh Subhāsita Sutta, Kinh Thiện Ngôn, Đại Đức Vaṅgīsa, một vị Sa môn có thiên bẩm về thơ ca, đã ca ngợi ngôn từ tuyệt hảo của Đức Thế Tôn.
Đó là lời nói tốt đẹp, khả ái, chân thật và là lời nói tối thượng trong tất cả lời nói. ↑ trở lên
|