Chùa Pháp Bảo | Sư Bửu Hiền
| Khóa học
| Kênh Youtube
| Tài liệu |
---|---|---|---|---|
Padhāna suttaKINH PADHĀNA SUTTA – KINH TINH TẤN Ý NGHĨA CỦA KINH PADHĀNA SUTTA II. KINH PADHĀNA SUTTA LÀ BÀI KỆ KHẢI HOÀN CỦA VỊ HÀNH GIẢ VỚI Ý CHÍ SẮT ĐÁ Bài Kinh Padhāna Sutta là mẫu đối thoại giữa một vị hành giả tầm chân lý với một thế lực ác xấu, được đại diện bởi nhân vật Māra, Ác ma. Bài kinh có cả thảy 25 câu kệ ngôn từ câu 425 đến câu 449. Chúng ta đi vào tìm hiểu nội dung của từng câu kệ ngôn như sau: 425. Với tâm tư hướng về sự nỗ lực, ta đi tới bờ sông Ni Liên Thiền và ngồi xuống tinh tấn thiền định để đạt đến sự giải thoát khỏi các trói buộc. Khi ấy đang ngồi ở ngôi giảng đường Chùa Kỳ Viên, Đức Thế Tôn đã kể lại cho chư vị Tỳ Kheo quãng thời gian Ngài thực hành pháp khổ hạnh. Trong giai đoạn tầm đạo, Bồ Tát Sĩ Đạt Ta với quyết tâm thành tựu Niết Bàn, vị ấy đi đến bờ sông Ni Liên Thiền (Nerañjarā) để tinh tấn trong pháp thiền định. Lúc ấy, Ngài thực hành pháp thiền nín thở (the non-breathing meditaion), không cho hơi thở vào, hơi thở ra ở miệng, mũi và hai tai. Đức Bồ Tát nỗ lực như vậy để đạt đến sự giải thoát khỏi mọi trói buộc. Câu kệ ngôn tiếp theo: 426. Namucī (Ác ma) đến gần ta, nói lên những lời thân mến: Bạn trông rất gầy ốm, xanh xao; bạn đang cận kề với cái chết. Khi Bồ Tát ngồi thiền như vậy thì xuất hiện một nhân vật đến quấy rối là Māra, Ác ma. Ác ma có tên gọi khác là Namucī, có nghĩa là nhận vật nầy không cho phép ai thoát khỏi (na muñcati) sự khống chế của hắn ta. Khi thấy Bồ Tát rất nỗ lực trong thiền định, trong khổ hạnh như vậy, Ác ma có sự lo sợ là vị hành giả nầy sẽ thoát khỏi quyền lực của hắn. Cho nên Ác ma vội đi đến và nói lên những lời rất bi mẫn: “Bạn trông rất gầy ốm, xanh xao; bạn đang cận kề với cái chết”. Câu kệ ngôn tiếp theo: 427. Một ngàn phần đời sống của bạn đã thuộc về cái chết, chỉ còn lại một phần của sự sống. Còn sống thì vẫn tốt hơn, hãy sống, thưa Ngài! Hãy sống và tạo nhiều công đức! Ác ma khuyến dụ Đức Bồ Tát không nên cố gắng nữa vì hắn ta quan sát thân thể của Ngài rất gầy ốm, xanh xao do sự khắc nghiệt của khổ hạnh: nhịn đói, nhịn khát. 428. Khi sống đời phạm hạnh và lo việc thờ thần lửa, bạn sẽ tạo được nhiều công đức. Tại sao lại phải nhọc công cố gắng đến như vậy? Đời sống phạm hạnh ở đây để chỉ cho đời sống của người xuất gia. 429. Thật rất khó để đi trên con đường tinh tấn, khó mà thực hành, khó mà thành đạt. Nói lên những lời như vậy rồi Ác ma đứng ngay phía trước Đức Phật. Ác ma nói lên những lời như trên để khuyên Đức Bồ Tát từ bỏ đi sự cố gắng: “Thật rất khó để đi trên con đường tinh tấn, khó mà thực hành, khó mà thành đạt”. Thật rất khó để đi trên con đường tinh tấn: bởi vì hành giả khi thực hành pháp thiền nín thở và các pháp khổ hạnh khác phải chịu nhiều cảm thọ đau đớn tột cùng. Khó mà thực hành: với thân thể và tâm linh bị bào mòn. Khó mà thành đạt: bởi vì với cơ thể như thế, xem như hành giả đã nắm chắc cái chết ở trong tay. Khi nói lên những lời như vậy xong, Ác ma đã đứng ngay phía trước mặt Đức Thế Tôn. Các câu kệ ngôn trên mô tả nhân vật Ác ma cố gắng thuyết phục Đức Bồ Tát hãy từ bỏ sự tu tập mà quay về hưởng thụ đời sống tại gia. Sau khi nghe những lời khuyến dụ của Ác ma, Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã có phản ứng ra sao? Chúng ta tìm hiểu các câu kệ ngôn tiếp theo: 430. Khi Ác ma nói lên những lời như vậy, Đức Thế Tôn đã nói với hắn ta như sau: Nầy hỡi con người tội lỗi kia, bà con của sự phóng túng, ngươi đến đây là có mục đích rõ ràng. Đức Bồ Tát đã gọi nhân vật Ác ma là con người của tội lỗi (the Evil One), bà con của sự phóng túng hay dễ duôi (kinsman of heedless). Ngươi đến đây là có mục đích rõ ràng: mục đích là gây ra chướng ngại cho người khác. Đức Bồ Tát đã gọi tên nhân vật phản diện với những từ ngữ tiêu cực: con người của tội lỗi, bà con của sự phóng túng. Nhân vật nầy đến đây chỉ để ngăn cản sự hành đạo của Ngài mà thôi. 431. Ta không màng đến công đức gì mà ngươi nói. Thích hợp hơn cho Ác ma khi nói những lời nầy cho những ai cần đến công đức. Với câu kệ ngôn trên, Đức Bồ Tát từ chối lời đề nghị của Ác ma: “Ta không cần thiết gì những công đức mà ngươi nói”. Bởi vì những công đức (merit) mà Ác ma nói đều chỉ đưa đến vòng sanh tử luân hồi. Câu kệ ngôn tiếp theo: 432. Ta có niềm tin, sự chuyên cần, và trí tuệ luôn hiện hữu trong ta. Khi đã quyết tâm như vậy, tại sao ngươi lại yêu cầu ta bỏ cuộc? Để đáp lại lời yêu cầu của Ác ma, Đức Bồ Tát đã có câu trả lời khẳng khái. Ta có niềm tin: Ngài có niềm tin tuyệt đối sẽ thành đạt trạng thái vô thượng Niết Bàn. Có sự chuyên cần: sự nỗ lực cả thân lẫn tâm. Và trí tuệ luôn hiện hữu trong ta: trí tuệ của Ngài như kim cương bất hoại. Với niềm tin, sự chuyên cần, trí tuệ cùng với một quyết tâm cao độ, làm sao Bồ Tát có thể dễ dàng nghe lời của Ác ma mà bỏ cuộc nữa chừng? Bởi vì tốt hơn là chỉ sống một ngày duy nhất nhưng ngày ấy ta sống với sự tinh tấn, thiền định, trí huệ, và thấy được sự sanh diệt của vạn pháp. 433. Ngọn gió có thể làm khô cạn dòng sông; Cũng vậy, một khi ta đã quyết tâm, ngọn gió sao không có thể làm khô cạn dòng máu của ta? Đức Bồ Tát dùng ví dụ về “ngọn gió có thể làm khô cạn dòng sông”, để nói lên ý chí sắt đá của Ngài. 434. Khi máu đã khô rồi thì lục phủ, ngũ tạng cũng héo úa theo. Khi da thịt bị tiêu hoại, tâm trí ta càng trở nên sáng suốt; chánh niệm, trí tuệ và định tâm càng thêm vững mạnh. Dầu thân thể có bị tiêu hoại đi chăng nữa, tinh thần của Bồ Tát luôn minh mẫn và sáng suốt với chánh niệm, chánh định và trí huệ. Và câu kệ ngôn tiếp theo: 435. Khi nỗ lực như vậy, ta trải qua sự đau đớn cùng tột, nhưng tâm của ta không tầm cầu dục lạc mà hướng đến sự thanh tịnh. Khi nỗ lực như vậy, ta trải qua sự đau đớn cùng tột: các đạo sĩ trong quá khứ, hiện tại và vị lai thực hành khổ hạnh đến mức độ cao nhất. Nhưng chưa vị nào trải qua những cảm thọ đau đớn khốc liệt mà Bồ Tát đang chịu đựng. Nhưng khác với người thường, tâm của Bồ Tát không tầm cầu dục lạc. Khi một người thường nhân bị cảm thọ đau đớn tấn công, họ sẽ hướng tâm đến dục lạc để làm dịu đi sự thống khổ trong chốc lát. Để chạy trốn cái lạnh, ta sẽ đi tìm cái nóng. Để giải trừ sự đói khát, mọi người sẽ tầm cầu thức ăn, nước uống. Đó là một phản ứng rất tự nhiên. Nhưng Đức Bồ Tát thay vì hướng tâm về dục lạc để quên đi cảm giác đau đớn, Ngài lại hướng về sự thanh tịnh của tâm linh. Các câu kệ ngôn trên nêu rõ quyết tâm dũng mảnh của Đức Bồ Tát thành đạt cho bằng được sự thanh tịnh nội tâm là Niết Bàn. Sau khi nói rõ quyết tâm tầm cầu sự thanh tịnh, Đức Thế Tôn đọc tiếp sáu câu kệ ngôn, từ câu 436 đến câu 441, bắt đầu bằng dòng kệ: “Dục vọng là đạo quân đầu tiên của nhà ngươi”. Trước hết, Đức Thế Tôn kể ra mười đội quân của Ác ma, bao gồm dục vọng, sự bất mãn, đói khát, tham ái, lười biếng, hèn nhát, hoài nghi, kiêu căng, thành đạt danh vọng bất chánh và lòng tự tôn, tự đại. Và Ngài không bị đánh bại bởi mười đội quân đó. Ở đây, tập chú giải Paramatthajotikā giải thích sự liên quan của mười đội quân phiền não như sau: Dục vọng là đạo quân đầu tiên của Ác ma: dục vọng là phiền não phát sanh lên khi các căn tiếp xúc với cảnh dục trần. Người sống đời gia đình luôn thọ hưởng các cảnh dục. Một vị hành giả chế ngự các dục vọng, từ bỏ gia đình sống đời không gia đình. Nhưng khi xuất gia như vậy, vị ấy có thể khởi lên lòng bất mãn liên quan đến trú xứ xa vắng và các thanh quy trong nhà thiền. Vì đời sống của người xuất gia tùy thuộc vào tín chủ nên đói và khát có thể tấn công vị hành giả bất cứ lúc nào. Do tham ái tìm kiếm thức ăn và nước uống nên tâm của vị ấy có thể mệt mỏi. Vì tâm đã quá mệt mỏi nên lười biếng và uể oải có thể xâm chiếm. Do lười biếng, uể oải nên tâm linh không được tiến bộ. Vì thế sự hèn nhát khởi lên, hèn nhát ở đây liên quan đến sự sợ hãi khi ở trong rừng sâu núi thẳm. Khi tâm nhiều nỗi lo âu và sợ hãi như vậy, mặc dầu tu tập đã rất lâu, vị hành giả không thể nào thọ hưởng được hương vị giải thoát của nếp sống độc cư. Từ đó sự hoài nghi khởi lên trong tâm của vị ấy: “Đây có phải là con đường thực hành đúng hay là không?”. Nhưng nếu vượt qua được sự hoài nghi như vậy, thành đạt được một ít tiến bộ tâm linh, thì bắt đầu trong tâm của vị hành giả phát sanh lên tâm lý gièm pha và kiêu căng. Khi vượt qua được phiền não kiêu căng, do đạt được những thành tựu xuất chúng, từ đó phát sanh cho vị ấy lợi lộc, sự tán dương và danh dự. Rồi say đắm với lợi lộc và sự tán dương đó, vị ấy cố gắng thành đạt danh vọng một cách không chánh đáng. Do dựa vào quyền lực xã hội, vị ấy có lòng tự cao và khinh thường người khác. Chúng ta đọc câu kệ ngôn tóm tắt mười đội quân của Ác ma: 439. Đó là quân đội của nhà ngươi, Namucī, đội quân của bóng tối. Người yếu đuối không thể thắng được các đội quân nầy, nhưng nếu thắng được thì thành đạt hạnh phúc. Người yếu đuối về phương diện tinh thần không thể nào thắng được 10 đạo quân của Ác ma, nhưng người mạnh mẽ, người anh dũng thì có thể thắng được. Khi chinh phục được các đạo quân của Ác ma, vị hành giả thọ hưởng được an lạc của sự giải thoát. Câu kệ ngôn tiếp thể hiện sức mạnh tinh thần của Đức Bồ Tát: 440. Ta cột trên ngọn cờ chùm cỏ muñja. Thà là ta chết trên chiến trường còn hơn sống mà thất bại. Rồi Ngài nói rõ là có các vị xuất gia bị đại bại bởi quân đội của Ác ma. 441. Có một số Sa môn và Bà la môn bị nhận chìm ở nơi đây, và không thể tìm thấy nữa. Họ không biết được con đường mà bậc giới đức đã đi qua. Có một số các vị Sa môn, Bà la môn bị đánh bại bởi quân đội của Ác ma, họ chìm sâu vào bóng tối. Bởi vì họ không biết được con đường an toàn dẫn đến Niết Bàn mà Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác và chư vị Thinh Văn Giác đã đi qua. Với sáu câu kệ ngôn trong phần tiếp theo, Đức Bồ Tát chỉ ra mười đội quân của Ác ma (ẩn dụ). Ngài cũng nói rõ thêm là chính bản thân mình không hề bị đánh bại bởi các đội quân đó. Đức Thế Tôn đã nói lên 10 đội quân thiện chiến của Ác ma. Đây chính là những tư duy tiêu cực ở trong tâm. Chắc chắn là Ngài không hề bị khuất phục bởi các đội quân nầy Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của câu kệ ngôn tiếp theo, câu kệ số 442: “Khi nhìn thấy cờ phướng của quân ma giăng khắp nơi, cùng với Ác ma ngồi trên lưng tượng vương, ta sẽ giáp mặt với Ác ma ở nơi chiến trường. Mong rằng hắn không làm xê dịch ta khỏi chỗ ngồi!”. Sau khi nghe những lời tuyên chiến của Đức Bồ Tát, Ác ma rời đi không nói một lời nào. Khi Ác ma bỏ đi, Bậc Đại Nhân (Đức Bồ Tát) tự xét thấy không hề thành đạt sự tiến bộ tâm linh nào từ pháp khổ hạnh nghiêm ngặt, nên Ngài có suy nghĩ: “Có hay chăng một con đường khác để thành đạt sự giác ngộ?”. Suy nghĩ như vậy, Đức Bồ Tát đã dùng một chút vật thực để lấy lại sức khỏe. Vào buổi sáng sớm của ngày trăng tròn tháng Visākhā, Ngài thọ dụng món cháo sữa của tín nữ Sujātā. Ngồi an tịnh trong khu rừng vắng vẻ và khi thời gian ban ngày đã trôi qua, Đức Bồ Tát thành đạt tám tầng thiền. Vào buổi chiều, Bậc Đại Nhân đi đến cội đại bồ đề (the great bodhi tree), thọ nhận tám bó cỏ của Sotthiya, rồi trải đều dưới gốc cây bồ đề. Bậc được tôn vinh, kính lễ bởi Chư Thiên trong toàn thể mười ngàn thế giới (the ten-thousand world system), đã nói lên hạnh nguyện cao cả như sau: “Hãy để cho da, xương và gân nầy tan rã; Hãy để cho thịt và máu trong thân ta khô cạn”. Rồi Đức Bồ Tát tọa thiền với tư thế kiết già, phát lên lời đại nguyện như sau: “Cho đến khi nào chưa đạt đến quả vị Phật, ta sẽ không rời khỏi tư thế nầy”. Sau khi biết được câu chuyện như vậy, Ác ma, con người của tội lỗi, suy nghĩ: “Ngày hôm nay Sĩ Đạt Đa (Siddhattha), sau khi phát lời thệ nguyện đã ngồi xuống đây. Cũng chính ngày hôm nay lời thệ nguyện đó phải bị ngăn lại”. Rồi Ác ma tập hợp quân đội của hắn trong toàn thế giới nầy, đội quân đông đảo dàn trải trong khoảng 12 do tuần chiều rộng và trải dài 9 do tuần ở trên cao, mỗi do tuần là 16 cây số. Quân đội đông đảo và thiện chiến! Ác ma đích thân ngồi trên tượng vương Girimekhala, cao ngất ngưởng 150 do tuần. Sau khi điều động một đạo quân đông đúc như vậy, Ác ma cầm lấy khí giới và hô to: “Bắt lấy Sĩ Đạt Đa, tấn công hắn, hủy diệt hắn cho ta”. Ác ma tạo ra một cơn mưa ngập tràn khí giới sắc bén tấn công Đức Bồ Tát, nhưng trận mưa gươm dao đó chẳng gây hề hấn gì cho Ngài. Rồi dùng cây gậy kim cương thúc vào thân tượng vương Girimekhala, tiến đến trước Bậc Đại Nhân, Ác ma nói: _ Nầy Sĩ Đạt Đa, hãy đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Bậc Đại Nhân đã trả lời: _ Ta không đứng dậy, nầy Ác ma! Rồi quan sát đội quân ma đông đảo, Ngài đã nói lên lời kệ ngôn: “Khi nhìn thấy cờ phướng của quân ma giăng khắp nơi, cùng với Ác ma ngồi trên một cỗ xe, ta sẽ giáp mặt với Ác ma ở nơi chiến trường”. Đây là trận chiến tâm linh. Và ngài nói: “Mong rằng Ác ma không làm ta xê dịch khỏi chỗ ngồi, rời khỏi tư thể bất khả chiến bại”. Câu kệ ngôn 442 trong Bài Kinh Padhāna, Kinh Tinh Tấn nói lên trận chiến tâm linh giữa Đức Thế Tôn và Ác ma, trận chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta tìm hiểu phần kết thúc của Bài Kinh Padhāna Sutta với các câu kệ ngôn còn lại. 443. Mặc dầu thế giới nầy cùng thế giới của Chư Thiên, không ai có thể chinh phục được đội quân của nhà ngươi; Ta sẽ đập tan đội quân đó với trí tuệ, giống như đập tan một bát đất sét mới nung với hòn đá. Ý nghĩa của câu kệ nầy đã rõ. Đức Thế Tôn nói lên sự tự tin của Ngài. 444. Sau khi làm chủ được ý chí, và khéo an trú trong chánh niệm, ta sẽ đi từ cảnh giới nầy sang cảnh giới khác để dẫn dắt các đệ tử. Sau khi làm chủ được ý chí: từ bỏ mọi ý nghĩ sai lầm bằng sự tu tập thánh đạo, làm chủ được ý chí bằng chánh tư duy. Và khéo an trú trong chánh niệm: an trú chánh niệm trên bốn cơ sở: thân, thọ, tâm và pháp. Như vậy, với việc làm chủ ý chí và an trú chánh niệm, Đức Thế Tôn du hành giữa thế giới nhân thiên để tế độ chúng sanh loài hữu tình. 445. Nhiệt tình và quyết tâm, người thực hành theo lời dạy của ta, đi ngược lại ý muốn của nhà ngươi, sẽ đạt đến trạng thái không còn sầu muộn. Chư vị hành giả thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Bổn Sư sẽ đạt đến Niết Bàn, trạng thái bất tử. Sau khi nghe những lời kệ ngôn trên, Ác ma bèn nói với Bậc Đại Nhân như sau: _ Này Tỳ Kheo, khi thấy đội quân của ta, ngươi không sợ sệt hay sao? Bậc Đại Nhân trả lời: _ Không, ta không hề sợ sệt, nầy Ác ma! _ Tại sao ngươi lại không sợ? _ Bởi vì ta đã hoàn thiện phước báu Ba la mật (the merits of pāramīs) như bố thí và các pháp khác. _ Ai biết được ngươi đã thành tựu các pháp như vậy? _ Cần gì phải có người làm chứng ở đây, nầy Ác ma? Trong quá khứ, khi còn là Bồ Tát Vessantara, ta đã thực hành pháp bố thí ba la mật. Lúc đó quả đất nầy đã rung chuyển đến cả bảy lần để làm chứng nhân. Trên đây là mẩu đối thoại giữa Đức Bồ Tát và Ác ma. Ngay khi Bồ Tát nói như vậy, quả địa cầu bắt đầu chuyển động, rung chuyển mạnh đến nỗi Ác ma thất kinh, hoảng sợ, đánh rơi cờ phướn và rút lui với tùy tùng của hắn ta. Vào khoảng thời gian của ba canh trong đêm rằm tháng Visākhā (rằm tháng tư), Bậc Đại Nhân chứng đắc Tam Minh. Khi trời rạng đông, Ngài đọc lên bài kệ khải hoàn (Pháp Cú Kinh, câu 153,154). Một vị Phật Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian nầy. Khi Đức Phật thành đạo, thái độ của Ác ma ra sao? Chúng ta đọc tiếp các câu kệ ngôn còn lại: 446. Trong bảy năm, ta theo sát Đức Thế Tôn như hình với bóng, nhưng không thể tìm được lỗi lầm nào nơi Ngài, bậc đầy đủ chánh niệm. 447. Như con quạ mổ quanh một hòn đá có hình dạng giống miếng thịt. Quạ ta nghĩ: “Có thể ta sẽ được phần thịt mềm, có thể thịt sẽ rất ngon”. 448. Nhưng rồi không được gì, con quạ bay đi khỏi từ nơi đó. Cũng giống như con quạ tấn công hòn đá, ta rời khỏi Sa môn Gotama, rất thất vọng. Khi Ác ma nghe Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ khải hoàn, hắn ta quay trở lại và thầm nghĩ: “Ông ta tuyên bố mình là một vị Phật. Hãy để ta theo dõi và quán sát hành vi của ông ta. Nếu có thiếu sót nào trong hành vi và lời nói, ta sẽ tấn công ông ta ngay”. Như vậy Ác ma đã theo sát sao Đức Thế Tôn trong thời gian hành đạo sáu năm và một năm sau khi Ngài thành đạo, tổng cộng là bảy năm. Nhưng không hề tìm thấy được một lỗi lầm nào từ nơi Đức Thế Tôn nên Ác ma đã nói lên đầy thất vọng: “Trong bảy năm, ta theo sát Đức Thế Tôn như hình với bóng, nhưng không thể tìm được lỗi lầm nào nơi Ngài, bậc đầy đủ chánh niệm”. Ác ma rất buồn bã: “Ta theo sát Đức Thế Tôn ròng rã trong bảy năm, để tìm kiếm lỗi lầm. Dẫu vậy ta vẫn không tìm ra được cơ hội nào, dầu là rất nhỏ. Điều nầy giống như một con quạ tha một hòn đá có hình dáng giống miếng thịt. Quạ ta mổ một bên hòn đá với chiếc mỏ cứng nhưng không thấy hương vị gì. Rồi con quạ mổ sang bên kia của hòn đá với hy vọng: ‘Có thể ta sẽ được phần thịt mềm, có thể thịt sẽ rất ngon’. Nhưng rồi không thấy gì, chỉ là hòn đá trơ trọi, con quạ bay đi chỗ khác, lòng buồn bã thất vọng. Cũng tương tự như vậy, ta đã xoay quanh Đức Thế Tôn đủ mọi phía để dò xét từng hành vi, cử chỉ của Ngài với hy vọng: ‘Có thể ta có cơ hội, có thể ta sẽ có cơ hội’. Nhưng rồi không có gì, Ác ma rất thất vọng: ‘Cũng giống như con quạ tấn công hòn đá, ta rời khỏi Sa môn Gotama, rất thất vọng’”. Và câu kệ ngôn cuối: 449. Ác ma sầu muộn đến nỗi đánh rơi chiếc đàn khỏi tay hắn ta. Đầy thất vọng, Ác ma đã biến mất ngay tại chỗ. Bỏ công sức ròng rã cả bảy năm trời nhưng rồi chẳng được gì, lòng Ác ma đầy thất vọng. Nên hắn ta đánh rơi khỏi tay chiếc đàn đặc biệt, rồi biến mất nhanh chóng. Kết thúc của bài kinh là hình ảnh đối lập giữa sự thành tựu cao quý của Đức Thế Tôn và sự thất bại thảm hại của Ác ma. |