Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Pabbajjā

  1. KINH PABBAJJĀ SUTTA – KINH XUẤT GIA
  2. Ý NGHĨA CỦA KINH PABBAJJĀ SUTTA
  3. CÔNG ĐỨC HỘ PHÁP CỦA BẬC QUÂN VƯƠNG

↑ trở lên

KINH PABBAJJĀ SUTTA – KINH XUẤT GIA

405. Tôi (Tôn giả Ānanda) sẽ kể về câu chuyện xuất gia, bậc với pháp nhãn siêu nhân đã đi xuất gia như thế nào, vị ấy tìm hiểu và đi xuất gia ra làm sao.

406. Đời sống gia đình rất hạn hẹp, là chỗ ở cho bụi bặm; đời sống xuất gia như bầu trời bao la; hiểu được điều nầy, vị ấy đi xuất gia.

407. Sau khi xuất gia, vị ấy từ bỏ thân ác hạnh.

Từ bỏ khẩu ác hạnh, và thành tựu chánh mạng.

408. Đức Phật (The Buddha) đi đến Vương Xá (Rājagaha), thành phố Giribbaja ở vương quốc Ma Kiệt Đà.

Với tướng hảo quang minh, vị khất sĩ đi khất thực trong thành phố.

409. Khi đứng trên tòa lâu đài, Đức Vua Bình Sa Vương (Bimbisāra) nhìn thấy vị khất sĩ.

Quan sát vị Sa môn với đầy đủ tướng tốt, vua đã nói lên lời như sau:

410. Nầy chư vị, hãy nhìn vị khất sĩ kia, vị ấy thật là đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh; đức hạnh toàn hảo, vị ấy chỉ nhìn phía trước có một tầm mắt.

411. Với cặp mắt nhìn xuống, chánh niệm, vị khất sĩ nầy có vẻ không xuất thân từ thường dân.

Hãy cho các vị sứ giả của ta đi tìm hiểu. Hãy hỏi xem vị khất sĩ đó sẽ đi đâu.

412. Các vị sứ giả do vua phái đi liền theo sau vị ấy, họ tự hỏi: “Vị Tỳ Kheo nầy sẽ đi đâu? Chỗ của Ngài ở nơi đâu?”.

413. Đi khất thực từng nhà, các căn của vị ấy được chế ngự, khéo chế ngự, tỉnh giác, và chánh niệm, vị ấy mau chóng nhận đầy đủ vật thực.

414. Sau khi khất thực xong, vị ẩn sĩ rời khỏi thành phố.

Ngài đi lên ngọn núi Paṇḍava. Chổ ở của Ngài có thể là ở nơi đó.

415. Sau khi thấy vị khất sĩ đi vào chỗ ở, các vị sứ giả đến gần; trong khi đó, một sứ giả trở về và báo tin cho nhà vua.

416. Tâu Đại vương, vị Tỳ Kheo ấy đang ở phía nam dãy núi Paṇḍava. Vị ấy ngồi trong hang núi trông giống như một con hổ, như con bò đầu đàn, hay như chúa sơn lâm.

417. Nghe được lời sứ giả tâu trình, nhà vua liền xuất hành trên một cỗ xe sang trọng. Nhanh chóng, nhà vua đi về hướng dãy núi Paṇḍava.

418. Đi một đoạn đường tới chỗ xe còn đi được, nhà vua xuống xe; rồi lần hồi đi bộ lên phía trên.

419. Ngồi xuống một bên, nhà vua có lời chào hỏi và trao đổi chuyện trò thân mật với vị ẩn sĩ. Sau lời chào đón, hỏi thăm, nhà vua bắt đầu nói:

420. Ngài thật là trẻ trung, rất trẻ, trong thời thanh xuân của cuộc đời, đẹp đẽ và trang nghiêm, như một hoàng thân dòng dõi Sát đế lỵ.

421. Trẫm sẽ ban tài sản đến cho Ngài, hãy thọ hưởng và tỏa sáng giữa ba quân, được tháp tùng bởi đội tượng binh hùng mạnh. Hãy cho trẫm biết danh tánh của Ngài!

422. Tâu Đại vương, về hướng phía trước, bên sườn núi dãy Hy mã lạp sơn, có một đất nước giàu có và hùng mạnh, được lãnh đạo bởi dòng tộc Kosalans.

423. Bần đạo là bà con của Ādicca, thần mặt trời, bần đạo thuộc dòng tộc Thích Ca.

Thưa Đại vương, từ hoàng gia bần đạo đã đi xuất gia, nay không còn tham muốn dục lạc.

424. Khi thấy được sự nguy hiểm trong dục lạc, cùng hiểu được việc xuất gia là nơi an toàn, bần đạo đã ra đi để nỗ lực tinh tấn. Đó là niềm hoan hỷ của người xuất gia.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CỦA KINH PABBAJJĀ SUTTA

I. GIỚI THIỆU

Bài Kinh Pabbajjā Sutta nằm ở chương thứ ba trong Kinh Tập, chương Đại Phẩm (Mahāvagga).

Là bài kinh số 27 trong tổng số 72 bài kinh thuộc Kinh Tập (Sutta Nipāta), Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Bài Kinh Pabbajjā Sutta tường thuật lại cuộc đối thoại giữa một vị Phật tương lai (Đức Bồ Tát Sĩ Đạt Ta) và Đức Vua Bình Sa Vương (Bimbisāra) ở ngọn đồi Pāṇḍava Hill, nơi ngoại ô thành Vương Xá (Rājagaha).

Bản chú giải kể lại rằng sau khi lìa bỏ hoàng cung xuất gia, Đức Bồ Tát lần hồi đi vào địa phận của kinh thành Vương Xá.

Sau cuộc trò chuyện với Đức Vua Bình Sa Vương, Đức Bồ Tát đã tìm đến học đạo với vị đạo sĩ danh tiếng là Āḷāra Kālāma.

II. KINH PABBAJJĀ SUTTA LÀ MỘT TRONG

CÁC BẢN TIỂU SỬ SỚM NHẤT CỦA ĐỨC THẾ TÔN

Bài Kinh Pabbajjā Sutta được xem là một trong các bản kinh nguyên thủy nhất kể lại cuộc đời của Đức Thế Tôn bằng thể kệ ngôn.

Theo bản chú giải, Tôn giả Ānanda là người kể lại cuộc hội ngộ giữa một vị Phật tương lai và Đức Vua Bình Sa Vương ở ngọn đồi Pāṇḍava, ngoại ô thành Vương Xá.

Nội dung của Kinh Pabbajjā Sutta đơn giản, dễ hiểu. Câu chuyện được kể lại theo thể kệ với 20 câu kệ ngôn từ câu 405 đến câu 424.

Theo nội dung bài kinh, Đức Thế Tôn được nói đến là một vị Phật (Buddha), tuy rằng câu chuyện xảy ra trước thời điểm thành đạo, bản kinh không gọi Ngài là Bồ Tát (Bodhisatta) như thông thường.

Có nhiều chỗ trong bài kinh, Đức Thế Tôn được gọi là vị Tỳ Kheo (Bhikkhu), có nơi lại được nói đến là vị ẩn sĩ (Muni).

Trong câu kệ ngôn đầu tiên, kệ ngôn 405, Tôn giả Ānanda kể như sau:

“Tôi (Tôn giả Ānanda) sẽ kể về câu chuyện xuất gia, bậc với nhãn lực siêu nhân đã đi xuất gia như thế nào, vị ấy tìm hiểu và đi xuất gia ra làm sao”.

Chúng ta tìm hiểu trước hết cụm từ “bậc với nhãn lực siêu nhân”.

Bậc với nhãn lực siêu nhiên (cakkhumā) chính là Đức Thế Tôn.

Ngài là bậc thánh nhân cao quý sở hữu năm loại nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn và Pháp nhãn.

1. Nhục nhãn (the fleshly eye): với năng lực phước báu từ quá khứ, con mắt thường nhân của Đức Thế Tôn có thể quan sát mọi vật từ xa đến cả một do tuần (16 cây số), dầu là ban ngày hay ban đêm.

Không có bất cứ vật cản nào có thể làm khuất đi tầm nhìn của Ngài trong vòng một do tuần.

2. Thiên nhãn (the divine eye): với thiên nhãn thuần tịnh và siêu nhân, Đức Thế Tôn thấy được chúng sanh chết ở nơi nầy rồi sanh lại ở chỗ kia.

Ngài nhận thấy chúng sanh người thì cao sang, kẻ lại hạ liệt; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh, và Ngài hiểu được chúng sanh vận hành tùy theo nghiệp lực của riêng họ.

Với thiên nhãn ấy, tùy theo ý muốn mà Đức Thế Tôn có thể thấy được một hệ thống thế giới vũ trụ bao la mà chúng ta đang sống, rồi hai, ba, bốn, năm hệ thống, cho đến hàng trăm thế giới, rồi một ngàn tiểu thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới, một ngàn đại thiên thế giới.

Cả thảy tam thiên đại thiên thế giới đều được Ngài nhìn rõ như chúng ta nhìn những gì nằm trong lòng bàn tay.

3. Huệ nhãn (the wisdom eye): trí huệ của Đức Thế Tôn là viên mãn, to lớn, quảng bá, siêu việt, không có ai có thể sở hữu được trí huệ như Đức Thế Tôn.

Các bản kinh Nikāya thường mô tả về Đức Thế Tôn như sau:

“Đức Thế Tôn là bậc làm phát sinh lên con đường chưa từng phát sinh, là bậc tạo lập con đường chưa được tạo lập, là người giảng dạy con đường chưa từng được giảng dạy.

Đức Thế Tôn là người thấy rõ con đường, là người tìm ra con đường, là bậc thiện xảo về con đường. Chư vị đệ tử ngay trong hiện tại tu tập theo con đường của Đức Thế Tôn và sau đó thành đạt những gì mà Ngài đã thành đạt”.

4. Phật nhãn (the Buddha eye): Phật nhãn là khả năng thấy được bẩm tánh khác biệt của chúng sanh hữu tình. Khả năng nầy chỉ có một vị Phật Toàn Giác mới có được.

Bài Kinh Thánh Cầu trong Trung Bộ Kinh mô tả về Phật nhãn như sau:

“Với lòng từ bi đối với chúng sanh Như Lai bắt đầu quan sát thế gian với Phật nhãn. Khi quan sát như vậy, Như Lai nhìn thấy chúng sanh với ít cát bụi (phiền não) và nhiều cát bụi trong mắt, có chúng sanh với cơ tánh thông minh và không thông minh, có chúng sanh với đức hạnh và ác hạnh, có chúng sanh với hạnh dễ dạy và khó dạy, và một số chúng sanh nhận thức được sợ hãi trong lỗi lầm và sợ hãi trong một thế giới khác.

Giống như trong một hồ sen với sen xanh, sen đỏ hay sen trắng, có những bông sen sanh ra và lớn lên trong nước, không vươn lên khỏi mặt nước; có những bông sen sanh ra và lớn lên trong nước, mọc ngang tầm với mặt nước; có những bông sen sanh ra và lớn lên trong nước, vươn lên khỏi mặt nước, tỏa sáng và không bị nước đẫm ướt; cũng tương tự như vậy là sự khác biệt về cơ tánh của chúng sanh”.

Ở một đoạn kinh khác, Phật nhãn lại được hiểu như sau:

Đức Thế Tôn biết rõ sự đa dạng về tâm tánh của chúng sanh. Có người tham nhiều, có người sân nhiều, có người si nhiều. Lại có người hay suy tầm nhiều, hoặc là có đức tin, hoặc là có trí tuệ nhiều.

Đối với chúng sanh có tâm tánh thiên về tham (the lustful temperament), Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho họ về thân bất tịnh.

Đối với chúng sanh có tâm tánh thiên về sân (the hating temperament), Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho họ về tu tập lòng từ.

Đối với chúng sanh có tâm tánh thiên về si (the deluded temperament), Đức Thế Tôn sẽ khuyến khích họ học tập, chịu khó hỏi han, tùy thời lắng nghe Chánh Pháp, tùy thời đàm luận Chánh Pháp, và hết lòng tầm sư học đạo.

Đối với chúng sanh có khuynh hướng suy tư nhiều (the discursive temperament), Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho họ niệm về hơi thở.

Đối với chúng sanh có nhiều đức tin (the faithful temperament), Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho họ về ân đức của Phật Bảo, ân đức của Pháp Bảo, và ân đức của Tăng Bảo.

Đối với chúng sanh có nhiều trí tuệ (the intelligent temperament), Đức Thế Tôn sẽ thuyết giảng cho họ về tuệ quán, quán xét về vô thường, khổ não và vô ngã.

5. Pháp nhãn (the universal eye): Đó chính là trí tuệ toàn tri (the knowledge of omniscience) của Đức Thế Tôn.

Không có bất cứ điều gì mà không được biết, không được thấy, hay không được thấu hiểu bởi Đức Thế Tôn.

Ngài nhanh chóng hướng tâm đến sự vật và thấu đáo được hết tất cả. Do đó, Đức Như Lai là bậc toàn tri, là bậc có pháp nhãn.

Trong câu kệ ngôn đầu tiên, kệ ngôn 405, Đại Đức Ānanda bắt đầu kể lại câu chuyện xuất gia của Đức Thế Tôn.

Ở đây có sự giải thích rõ về danh xưng của Đức Thế Tôn, “bậc với nhãn lực siêu nhân”.

III. NỘI DUNG CHÍNH

Sau câu kệ ngôn đầu tiên trong Bài Kinh Pabbajjā Sutta, Kinh Xuất Gia, Tôn giả Ānanda đã kể tiếp hành trình xuất gia của Thái Tử Tất Đạt Đa với các câu kệ ngôn như sau:

406. Đời sống gia đình rất hạn hẹp, là chỗ ở cho bụi bặm;
đời sống xuất gia như bầu trời bao la;
hiểu được điều nầy, vị ấy đi xuất gia.

Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của câu kệ ngôn nầy.

Đời sống gia đình rất hạn hẹp: ở gia đình, người gia chủ phải có trách nhiệm với vợ con.

Đời sống gia đình lại vướng bận rất nhiều bởi phiền não, và rất khó có cơ hội để chúng ta có thể làm điều hữu ích và ý nghĩa.

Đời sống gia đình là chỗ ở cho bụi bặm: cũng như con lộ ở các đô thị lớn là nơi của bụi bặm, đời sống gia đình là nơi phát sanh lên bụi bặm của tham dục, bụi bặm của phiền não.

Đời sống xuất gia như bầu trời bao la: trái ngược hẳn với đời sống gia đình, đời sống của người xuất gia thì rộng rãi, được mở rộng như bầu xanh ở trên cao.

Hiểu được điều nầy, vị ấy đi xuất gia: Thái Tử Tất Đạt Đa lìa bỏ ngôi vua để đi xuất gia.

Gây ấn tượng mạnh bởi cảnh tượng già, bệnh và chết, Thái Tử thấy được sự nguy hiểm của đời sống gia đình và lợi ích của đời sống xuất gia.

Bên dòng sông Anomā, Ngài đã cắt bỏ mái tóc thanh xuân để trở thành một Sa môn thực sự.

Sau đó, Sa môn Gotama đã nhận đầy đủ tám món vật dụng của người xuất gia từ Phạm Thiên Ghaṭīkāra. Bởi vì đã từng xuất gia từ hàng ngàn kiếp sống trong quá khứ nên Ngài vẫn có thể vấn hạ y và thượng y thuần thục như một vị xuất gia đã lâu năm.

Câu kệ ngôn 406 mô tả vắn tắt quá trình xuất gia hành đạo của Đức Thế Tôn. Chúng ta đọc các câu kệ ngôn tiếp theo.

407. Sau khi xuất gia, vị ấy từ bỏ thân ác hạnh.

Từ bỏ khẩu ác hạnh, và thành tựu chánh mạng.

Bắt đầu trên hành trình tầm chân lý, cũng như bao vị hành giả khác, Sa môn Cồ Đàm khép mình trong nếp sống giới luật của một vị tu sĩ.

Vị ấy từ bỏ thân ác hạnh: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục.

Từ bỏ khẩu ác hạnh: nói dối, nói hung ác, nói chia rẽ và nói lời vô ích.

Thành tựu chánh mạng: từ bỏ cách nuôi mạng không chân chánh của người xuất gia.

408. Đức Phật (The Buddha) đi đến Vương Xá (Rājagaha), thành phố Giribbaja ở vương quốc Ma Kiệt Đà.

Với tướng hảo quang minh, vị khất sĩ đi khất thực trong thành phố.

Ở đây câu kệ ngôn gọi đạo sĩ Tất Đạt Đa với danh xưng là một vị Phật (Buddha), bởi vì Ngài đã thực hành công hạnh của một vị Phật từ rất lâu trong tiền kiếp.

Và với tướng hảo quang minh, vị khất sĩ đi khất thực trong thành phố.

Từ dòng sông Anomā, Sa môn Cồ Đàm đi về phía thành Vương Xá, trải qua một đoạn đường rất dài, khoảng 30 do tuần (yojanas).

Ngài đi đến Vương Xá (Rājagaha), thành phố Giribbaja ở vương quốc Ma Kiệt Đà.

Giribbaja là một tên gọi khác của thành Vương Xá.

Đức Phật có tướng hảo quang minh, với đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, Ngài đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá.

Bản chú giải ghi rõ chi tiết là khi đứng trước cổng thành Vương Xá, vị Sa môn Cồ Đàm có suy nghĩ: “Nếu ta thông báo cho Đức Vua Bình Sa Vương biết là nay Thái Tử Sĩ Đạt Đa, con của Đức Vua Tịnh Phạn đã đến, thì Đức Vua sẽ chào đón với nghi lễ trọng thể. Điều nầy thật không thích hợp cho một người xuất gia như ta bây giờ. Tốt hơn là ta hãy đi khất thực bình thường”.

Suy nghĩ như vậy, vị ấy đắp y mang bát và đi vào cổng thành phía đông để khất thực theo từng nhà.

Vì thế, Đại Đức Ānanda đã kể lại: “Vị khất sĩ đi khất thực trong thành phố”.

Bằng ba câu kệ ngôn, Đại Đức Ānanda đã lược kể giai thoại xuất gia của Đức Thế Tôn.

Từ câu kệ ngôn 409 đến kệ ngôn 424 trong Bài Kinh Pabbajjā Sutta mô tả tiếp diễn biến việc xuất gia của Thái Tử Tất Đạt Đa.

Phần nầy thì dễ hiểu, chúng ta chỉ tìm hiểu thêm một vài điểm chính sau đây.

Khi vị khất sĩ là Thái Tử đi khất thực trang nghiêm trong thành phố Vương Xá, tác phong của Ngài tạo nên một ấn tượng mạnh cho Đức Vua Bình Sa Vương.

Đức Vua khi ấy đang đứng trên lâu đài cao, quan sát phía dưới đường phố, thấy có một vị khất sĩ đang đi khất thực chậm rãi. Oai phong của vị nầy không thể là một vị khất sĩ bình thường được.

Nên nhà vua ra lệnh cho quân sĩ tìm hiểu thân thế của vị khất sĩ, và vị ấy đang ở đâu trong vương quốc của mình.

Khi biết được thông tin, nhà vua liền xuất hành với một cỗ xe sang trọng, hướng về nơi chỗ ở của vị khất sĩ hồi sáng. Đó là khu vực dãy núi Paṇḍava, ngoại ô thành Vương Xá.

Sau khi gặp gỡ và trò chuyện xã giao xong, nhà vua phát tâm hiến cúng tài sản của mình cho vị khất sĩ: “Trẫm sẽ cho tài sản đến cho Ngài, hãy thọ hưởng và tỏa sáng giữa ba quân, được tháp tùng bởi đội tượng binh hùng mạnh”.

Trong bản chú giải nói rõ thêm là nhà vua muốn hiến một nữa vương quốc Ma Kiệt Đà cho vị ẩn sĩ (Muni).

Sau đó nhà vua xin được được biết danh tánh của vị ẩn sĩ.

Sa môn Tất Đạt Đa giới thiệu vắn tắt về thân thế của mình.

Ở đây chúng ta lưu ý tới cụm từ: “Tôi là bà con của Ādicca, thần mặt trời”, xuất hiện ở câu kệ ngôn 423.

Bà con của Ādicca hay thần mặt trời là một danh xưng dành cho Đức Thế Tôn.

Vị Sa môn cao quý từ chối nhà vua bằng những lời quyết đoán như sau:

“Thưa Đại vương, từ hoàng gia tôi đã đi xuất gia, nay không còn tham muốn dục lạc. Khi thấy được sự nguy hiểm trong dục lạc, cùng hiểu được việc xuất gia là nơi an toàn, tôi đã ra đi để nỗ lực tinh tấn. Đó là niềm hoan hỷ của tôi”.

Bản chú giải có giải thích thêm điểm nầy như sau:

Khi Đức Vua Bình Sa Vương xin được chia nữa tài sản của vương quốc Ma Kiệt Đà, trong tâm của bậc đại nhân (Great Man) khởi lên suy nghĩ: “Nếu ta muốn làm vua thì ngay cả các vị Chư Thiên ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương sẽ mời ta lên làm vua ở đó ngay lập tức, hay sẽ là Thiên chủ ở các cảnh trời cao hơn nữa.

Nếu vẫn ở lại hoàng cung, không đi xuất gia, ta chắc chắn là một vị Chuyển Luân Thánh Vương”.

Với suy nghĩ như vậy, Đức Bồ Tát đã từ chối lời đề nghị của nhà vua: “Khi thấy được sự nguy hiểm trong dục lạc, cùng hiểu được việc xuất gia là nơi an toàn”, và nói rõ mục đích việc xuất gia của mình: “Bần đạo đã ra đi để nỗ lực tinh tấn”.

Ngài xuất gia để tầm cầu pháp cao quý tối thượng, đó là Niết Bàn, pháp bất tử. Đó là pháp cao quý bậc nhất trong thế gian.

Sau khi hiểu được ý chí dũng mảnh của vị Sa môn phi phàm, Đức Vua có niềm tin tưởng chắc chắn ràng vị Sa môn nầy sẽ thành Phật.

Nên sau đó nhà vua có lời thỉnh cầu Sa môn Cồ Đàm, sau khi thành đạo hãy trở lại vương quốc của mình, và Đức Thế Tôn đã giữ đúng lời hứa sau nầy.

↑ trở lên

CÔNG ĐỨC HỘ PHÁP CỦA BẬC QUÂN VƯƠNG

Giã từ Đức Vua Bình Sa Vương, Đức Bồ Tát Sĩ Đạt Ta bắt đầu dấn thân trên con hành đạo gian nan. Sau khoảng thời gian sáu năm, Ngài thành đạt quả vị vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đây vị Thái Tử ngày xưa được gọi với danh xưng là Đức Phật Tổ Gotama.

Sau lời thỉnh cầu hoằng pháp của vị Phạm Thiên Sahampati, Đức Thế Tôn lần lượt tế độ nhóm năm anh em Kiều Trần Như, công tử Yasa, các bạn hữu của công tử Yasa, và vị đạo sĩ thờ thần lửa Uruvelā Kassapa.

Nhớ lại lời hứa năm xưa với Đức Vua Bình Sa Vương, sau khi đã ở lại địa phận Uruvelā thích hợp, Đức Phật bắt đầu du hành về phía kinh thành Vương Xá.

Tháp tùng với Ngài là hội chúng một ngàn vị Thánh nhân đệ tử, là hội chúng của vị đạo sĩ thờ thần lửa Uruvelā Kassapa trước đây.

Khi đến địa phận thành Vương Xá, Đức Phật cùng với các vị đệ tử ở lại khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha.

Khi nghe tin Đức Thế Tôn đã đến vương quốc Ma Kiệt Đà, Đức Vua Bình Sa Vương thân hành cùng với tùy tùng đông đảo là 120.000 các vị Bà la môn và gia chủ đến nơi Đức Phật đang tạm dừng chân.

Trong dịp hội kiến lần nầy, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng pháp thoại cho hội chúng của Đức Vua Bình Sa Vương. Ngài thuyết giảng về Tuần Tự Pháp, đó là ý nghĩa về bố thí, trì giới, hạnh phúc ở các cõi trời, sự nguy hiểm trong các dục và việc xuất gia.

Khi biết tâm của cả hội chúng đã sẵn sàng lãnh hội lý pháp cao siêu, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về chân lý Tứ Diệu Đế : Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Như một tấm vải sạch có thể nhuộm màu một cách dễ dàng, pháp nhãn ly trần, vô nhiễm đã phát sanh lên cho Đức Vua Bình Sa Vương và cả hội chúng. Tất cả đều an trú vào quả vị thánh nhân Nhập Lưu, tầng thánh thứ nhất.

Ngay sau đó, Đức Vua Bình Sa Vương đã quỳ lên bạch với Đức Thế Tôn như sau :

_ Bạch Đức Thế Tôn, khi còn là Thái Tử, con có năm điều ước nguyện, và đến nay tất cả đều đã thành hiện thực. Khi đó con có ước nguyện :

1. Ước gì con được tấn phong lên làm vua.

2. Ước gì một vị A La Hán, bậc Chánh Đẳng Giác quang lâm đến vương quốc Ma Kiệt Đà.

3. Ước gì con được tỏ lòng tôn kính đến vị Phật đó.

4. Ước gì con được lắng nghe Giáo Pháp của Ngài.

5. Ước gì con có thể hiểu được Giáo Pháp cao quý mà Ngài thuyết giảng.

Kính bạch Đức Thế Tôn, đến nay cả năm điều ước nguyện của con đã thành tựu viên mãn. Thật vi diệu thay! Thật vi diệu thay! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã, hiển bày những gì bị dấu kín, chỉ đường cho những ai lạc lối, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy được các sắc.

Cũng tương tự như vậy, Chánh Pháp đã được Đức Thế Tôn bằng nhiều phương tiện khéo giảng dạy, khéo trình bày. Con xin quy y với Đức Thế Tôn, con xin quy y Giáo Pháp, và con xin quy y chư Tỳ Kheo Tăng.

Sau đó, cả đoàn tùy tùng gồm 120.000 vị Bà la môn và gia chủ đều đồng xin quy y với Tam Bảo.

Đức Vua Bình Sa Vương bạch Phật tiếp :

_ Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi nhận lời thọ trai ngày mai cùng với chư Tỳ Kheo Tăng.

Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của Đức Vua Bình Sa Vương bằng cách giữ im lặng.

Đến đây, quyển Luật Đại Phẩm (Mahāvagga) kể lại rất sinh động quang cảnh Đức Phật cùng với đoàn Chư Tăng quang lâm vào thành Vương Xá.

Sáng hôm sau, Đức Phật cùng với đại chúng Tỳ Kheo đi vào thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, Đức Trời Đế Thích hóa hiện thành một thanh niên tuấn tú, khôi ngô dẫn đầu đoàn rước. Vừa đi chàng thanh niên vừa hát lên những khúc ca tán dương Đức Phật cùng Chư Tôn Đức Tăng.

Dân chúng trong kinh thành khi thấy chàng thanh niên đẹp như một thiên thần đã bảo nhau :

_ Chàng thanh niên nầy quá xinh đẹp! Không biết chàng ta đang dẫn đường cho ai vậy ?

Khi ấy chàng thanh niên trả lời :

_ Tôi là thị giả của Đức Thế Tôn, Bậc Đạo Sư ở trên đời.

Lần lượt, Đức Phật cùng với chư vị đệ tử ngự đến nơi hoàng cung và thọ trai. Khi các Ngài thọ trai xong, Đức Vua Bình Sa Vương có suy nghĩ: “Đức Thế Tôn và chư vị đệ tử nên cư ngụ ở nơi đâu là thích hợp nhất? Nơi đó phải đừng quá xa mà cũng đừng quá gần phố thị. Để các thị dân tiện bề thăm viếng, nhưng về đêm khung cảnh phải ít tiếng ồn để các Ngài dễ thiền định.

À! Ta có khu vườn Trúc Lâm (Veḷuvana) gần đây. Không nơi đâu lý tưởng hơn khu vườn nầy. Ta sẽ cúng dường khu vườn Trúc Lâm đến Đức Phật và Chư Tăng”.

Suy nghĩ xong, Đức Vua liền quỳ lên thưa với Đức Thế Tôn:

_ Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin dâng cúng khu vườn Trúc Lâm đến Đức Phật và Chư Tăng. Xin Ngài hãy từ bi thọ lãnh cho con.

Một lần nữa, Đức Phật nhận lời bằng cách giữ im lặng.

Đức Vua Bình Sa Vương liền đứng lên cầm lấy một bình nước bằng vàng rồi rưới nước lên bàn tay Đức Thế Tôn. Một nghi thức dâng cúng đến Bậc Đạo Sư thời xưa.

Quả địa cầu khi ấy liền rung động, chuyển động mạnh khi chứng kiến cảnh tượng cội cây Chánh Pháp đã bắt đầu ăn rễ sâu vào lòng thế gian.

Trong lịch sử Phật giáo, Đức Vua Bình Sa Vương là một trong những vị quân vương hộ pháp bậc nhất. Ngài là một bậc minh quân, là một vị thánh nhân đệ tử đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong giai đoạn đầu hoằng pháp của Đức Thế Tôn.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Kinh Subhāsita
  • Lộ trình Tâm Thức
  • Kinh Rāhula
  • Kinh Kāma
  • Kinh Phẩm Tám
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com