Chùa Pháp Bảo | Sư Bửu Hiền
| Khóa học
| Kênh Youtube
| Tài liệu |
---|---|---|---|---|
Rằm tháng Mười MộtÝ NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG MƯỜI MỘT Thánh Ni A La Hán Therī Saṅghamittā (SAṄGHAMITTĀ ARAHAT THERĪ), là con gái của Hoàng Đế A Dục và Hoàng Hậu Vidisā, và là em gái của Ngài Thánh Tăng Arahat Mahinda. Cả hai vị hoàng thân xuất gia là hai nhà truyền giáo có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật vào Sri Lanka, khoảng thế kỷ thứ III trước dương lịch. Theo lời thỉnh cầu của Đức Vua Sri Lanka lúc bấy giờ là Devanampiya Tissa, Hoàng Đế A Dục đã phái vị sứ giả chính là cô con gái sang Sri Lanka để thành lập Giáo Hội cho Ni giới. Trước đó, Ngài Mahinda Mahāthera đã đến Sri Lanka và thành lập Giáo Hội chính thống cho chư Tỳ Kheo Tăng. Tập sách biên niên sử Mahāvaṃsa ghi chép lại tháp tùng với vị trưởng đoàn Saṅghamittā là mười một vị Tỳ Kheo Ni. Tất cả chư vị trong đoàn đều là các bậc thánh nhân A La Hán. Sang Sri Lanka, phái đoàn truyền giáo của chư vị Thánh Ni có mang theo một món quà quý vô giá của xứ Phật Ấn Độ để dâng tặng Đức Vua Sri Lanka. Đó một nhánh cây Bồ Đề lịch sử. Nhánh cây nầy được chiết từ một cành phía nam của cội Bồ Đề Sri Maha Bodhi, nơi Đức Thế Tôn thành đạo ở Bodhgaya, Ấn Độ. Xuất phát từ hải cảng Tāmalitti, vùng Nam Ấn, đoàn truyền giáo bắt đầu chuyến hải trình vượt qua một eo biển nhỏ. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, chiếc thuyền của chư Thánh Ni tới bến cảng Jambukolapaṭṭana, địa phận phía Bắc Sri Lanka. Chính Đức Vua Devanampiya Tissa và hoàng tộc đã ra tận bến cảng Jambukolapaṭṭana để đón nhận món quà quý báu của Hoàng đế A Dục. Sau đó, chính tay Đức Vua Devanampiya Tissa trồng nhánh Bồ Đề ngay tại khu vườn thượng uyển Mahameghavana tại thủ đô Anuradhapura, vào năm 288 trước dương lịch. Cội cây Chánh Pháp đã mọc rễ sâu vào lòng đất thánh địa Sri Lanka chính từ thời điểm lịch sử đó. Cội đại thọ được xem là cây trồng có tuổi thọ lâu đời nhất, đã hơn 2000 tuổi! Cội cây đại thọ được người dân bản xứ gọi với một cái tên rất tôn kính là “Jaya Sri Maha Bodhi”. Cội Bồ Đề linh thiêng chính là hình ảnh của Đức Thế Tôn. Xưa kia, khi Đức Thế Tôn đi hoằng pháp nhiều nơi, nhiều đàn na tín thí khi đến Chùa Kỳ Viên không được đảnh lễ Ngài nên họ rất buồn lòng. Vị thị giả Ānanda, sau đó đã trồng ngay cây Bồ Đề trong khuôn viên Chùa Kỳ Viên để mọi người đến đảnh lễ cội cây Bồ Đề tượng trưng cho hình ảnh Đức Thế Tôn. Trải qua biết bao thăng trầm, cội đại thọ Bồ Đề linh thiêng Jaya Sri Maha Bodhi vẫn đứng đó, sừng sững giữa bầu trời lộng gió nơi cố đô Anuradhapura, là bóng mát thiêng liêng che chở cho dân tộc Sri Lanka và tất cả cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới. Tiếp theo đó, Hoàng Hậu Anulā Devi cùng với 500 nữ nhân đã thọ phép xuất gia Tỳ Kheo Ni với Therī Saṅghamittā. Chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự hướng dẫn của vị thầy bổn sư, cả hội chúng các vị tân Tỳ Kheo Ni đều chứng đắc thánh quả A La Hán. Việc thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni (the Bhikkhunī Order) và sự hoạt động hiệu quả của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ về sau đã tạo nên phúc lợi, hạnh phúc, và an lạc cho nữ giới cũng như toàn thể người dân trong xứ sở Sri Lanka. Hình ảnh vị Thánh Ni trên tay ôm nhánh cây Bồ Đề đã là một hình ảnh bất tử trong lòng các dân tộc theo đạo Phật. Khi sang Sri Lanka truyền đạo, Therī Saṅghamittā ở vào độ tuổi 30. Giống như người anh của mình là Ngài Mahinda, Therī Saṅghamittā đã ở lại vùng đất mới để truyền bá Chánh Pháp cho đến lúc viên tịch Niết Bàn. Hằng năm, người dân Sri Lanka đều cử hành hai ngày lễ rất quan trọng. Đó là ngày rằm tháng năm, lễ Poson Poya Day, kỷ niệm phái đoàn truyền giáo của Ngài Thánh Tăng Mahinda đến Sri Lanka. Và ngày rằm tháng 11, lễ Unduvap Poya Day, kỷ niệm ngày vị Thánh Ni Saṅghamittā đã tiếp nối bước chân người anh cao quý. Đối với người dân Sri Lanka, Ngài Mahinda và Therī Saṅghamittā được xem như là người cha và người mẹ tinh thần của dân tộc. Họ gọi ngày rằm tháng năm, lễ Poson, là ngày của vị Thánh Mahinda: “The day of Mahinda Thero”. Và ngày rằm tháng 11, lễ Unduvap, là ngày của vị Thánh Ni Saṅghamittā: “The day of Saṅghamittā Therī”. Giữa bao biến động của dòng thời cuộc, đàng hậu tấn chúng ta không bao giờ quên công đức hoằng truyền Chánh Pháp của biết bao thế hệ các bậc tiền bối thuở xưa. Bởi vì lòng biết ơn các bậc tiền nhân chính là nguồn động lực cho sự phát triển. “Làng mạc đây, núi rừng kia, Và thung lũng nọ lối về non cao. A La Hán trú nơi nào, Dân cư chốn ấy xiết bao an lành”. (Nhà thơ Tâm Cao) |